Thêm nguồn lực mới

Được UNESCO ghi danh, các di sản văn hóa trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Cửu Đỉnh trước Hiển Lâm Các - Hoàng cung Huế. Ảnh: Bảo Minh

Cửu Đỉnh trước Hiển Lâm Các - Hoàng cung Huế. Ảnh: Bảo Minh

Cùng với khánh thành điện Thái Hòa, biểu tượng quyền lực Triều Nguyễn sau 3 năm trùng tu, kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2024, Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đón nhận danh hiệu di sản tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO dành cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” (hay còn gọi là Cửu Đỉnh).

Với sự kiện này, Thừa Thiên Huế càng củng cố vị trí là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có đến 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 6 di sản của riêng Huế, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản Triều Nguyễn (2009), Châu bản Triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Cửu Đỉnh (2024).

Theo Luật Di sản văn hóa 2001, di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh.

Cửu Đỉnh được vinh danh là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, vốn là thủ phủ của Đàng Trong và là Kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn nên Huế có mật độ di sản văn hóa dày đặc, nhiều loại hình phong phú và đa dạng cũng là điều dễ hiểu. Ngoài 8 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, địa phương đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm lễ hội đặc sắc.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà là sự nghiệp của toàn dân; trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn Nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị. Thừa Thiên Huế đã và đang được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể và phi vật thể. Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản.

Xây dựng và tổ chức thành công Festival Huế từ hơn 20 năm nay là dấu ấn nổi bật của Thừa Thiên Huế trong việc phát huy lợi thế các di sản văn hóa. Bản chất Festival Huế là Festival văn hóa. Thế mạnh lớn nhất của Huế là văn hóa và di sản nên việc khai thác các tiềm năng về di sản làm chất liệu cho festival là điểm quan trọng nhất. Những gì đã đạt được, hy vọng trong tương lai không xa, Huế sẽ sớm góp tên mình vào bản đồ các thành phố festival nổi tiếng trên thế giới, như Festival Avignon của Pháp, Festival Adelaide của Úc, hay Festival Edingburgh của Anh...

Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là một ví dụ tiêu biểu. Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng. Qua những biến thiên của thời gian, lịch sử, Thượng thành Huế dần trở nên hoang phế và trở thành nơi cư ngụ của nhiều hộ gia đình, vì nhiều lý do phải quần cư về đây. Được hoàn thành sau gần 3 năm (2019 - 2021) triển khai với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, đây được xem là “cuộc di dân lịch sử”, góp phần vào quá trình hồi sinh diện mạo bề thế và phát huy giá trị di sản của Quần thể di tích Cố đô Huế.

Nghị quyết số 38/2021/QH của Quốc hội của về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế được xem là bước đột phá trong việc tạo cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị. Chính sách đặc thù liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa gắn với thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Với quỹ này, Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện tu bổ, tôn tạo và phục hồi các di sản do Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh một cách chủ động, kịp thời.

Chia sẻ về sự kiện Cửu Đỉnh được vinh danh, PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Ủy ban quốc gia MOW của Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc Thừa Thiên Huế có thêm một di sản được UNESCO ghi danh sẽ là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, từ đó, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Đan Duy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/du-lich/di-san-van-hoa/them-nguon-luc-moi-148312.html
Zalo