Phác thảo diện mạo văn học Việt trong tương lai

Văn học Việt Nam đương đại đa dạng về khuynh hướng và bút pháp, phong phú về phong cách và giọng điệu nghệ thuật

Hội nghị lý luận phê bình văn học lần V "50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế" được Hội Nhà văn Việt Nam cùng Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Nhà Xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức ngày 27-11 tại TP Hà Nội.

Nhiều thành tựu quan trọng

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá chặng đường 50 năm qua là một chặng đường có những bước ngoặt lớn của đất nước đã tác động rất lớn vào sự phát triển văn học Việt Nam. Bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30-4-1975, khi chiến tranh kết thúc và đất nước được thống nhất. Bước ngoặt thứ hai là một bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với đất nước Việt Nam, đặc biệt với nền văn học Việt Nam, đó là công cuộc đổi mới của Đảng được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Công cuộc đổi mới đã tác động sâu sắc vào sự sáng tạo của các nhà văn Việt Nam, mở ra một biên độ rất rộng về đề tài, về đối tượng, về thi pháp và tư tưởng. Có thể nói, một thời đại mới của văn học đã bắt đầu được sinh ra cùng những tác phẩm đóng góp thực sự vào một tầm cao mới của văn học Việt Nam. Bước ngoặt thứ ba là một bước ngoặt được mở ra khi đời sống chính trị của Việt Nam hòa nhập vào đời sống chính trị chung của thế giới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” ngày 27-11 tại Hà Nội

Các đại biểu tham dự Hội nghị “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” ngày 27-11 tại Hà Nội

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá sau năm 1975 là thời kỳ phức tạp nhất của con người với những tình thế cả trong vận động xã hội lẫn trong nhận thức cá thể. Theo ông, sau khi Đảng khởi xướng đổi mới, văn học ráo riết biến chuyển theo thân nhiệt của xã hội. Văn học bắt đầu chia tách theo từng mảng khá tương ứng với hiện thực đời sống, đã đi qua những hình thái tâm lý cộng đồng đầy phức tạp và những dấu ấn của những cách tân, tìm tòi trong hình thức thể hiện là không thể phủ định.

Đánh giá về văn học Việt Nam 50 năm qua, PGS Nguyễn Đăng Điệp - nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định cùng với sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của đất nước trong suốt 50 năm qua, văn học cũng thu được nhiều thành tựu quan trọng. Cao trào đổi mới văn học diễn ra vào giữa thập niên 1980 và tiếp tục được mở rộng về sau đã chứng kiến sự xuất hiện của một đội ngũ cầm bút tài năng.

Về văn xuôi là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương… Về thơ là Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Trần Anh Thái, Inrasara… Về kịch là Lưu Quang Vũ, Xuân Trình…

Tâm huyết của người cầm bút

Bên cạnh những thành tựu, đời sống văn học Việt Nam sau năm 1975 vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. "Vì sao đã 50 năm trôi qua tính từ 1975, văn học Việt Nam vẫn quá hiếm những đỉnh cao nghệ thuật? Đây vẫn là băn khoăn, trăn trở của rất nhiều bạn đọc" - PGS Nguyễn Đăng Điệp nói.

Số lượng xuất bản phẩm văn học, cả sáng tác và lý luận, phê bình từ sau năm 1975 là vô cùng phong phú về chủng loại nhưng còn khiêm tốn về chất lượng. Còn quá ít nhà văn đủ sức mở ra những chiều kích mỹ học mới mẻ, hiện đại. Việc phản biện, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội, tệ tham nhũng, sự tha hóa và thói vô cảm của con người nhằm cảnh báo sự xuống cấp về đạo đức, lối sống là hết sức cần thiết nhưng cũng không được xem nhẹ sứ mệnh của văn học là khơi thức tinh thần hướng thiện, lối sống cao đẹp, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng trên tầm nhìn nhân văn hiện đại.

PGS Nguyễn Đăng Điệp đưa ra 3 nhóm giải pháp. Đầu tiên, nhân tố quan trọng nhất quyết định tầm vóc của một nền văn học là tài năng, tâm huyết của người cầm bút. Theo ông, một không gian tinh thần rộng mở, một cái nhìn khoáng đạt trong nhìn nhận, đánh giá sẽ giúp cho nhà văn "tự cởi trói" để tự do phiêu lưu trong sáng tạo nghệ thuật.

Muốn mới, lạ thì nhà văn phải vượt lên cái cũ để nhìn nhận đời sống từ mỹ học của cái khác. Thứ hai, tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế để đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập, đưa văn học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới. Thứ ba, đẩy mạnh sự phát triển của lý luận, phê bình văn học.

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, kiến nghị cần chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới của các nhà lý luận, phê bình. Bên cạnh đó, cần tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, đây là cách để văn học Việt Nam tiến ra thế giới một cách hiệu quả.

Văn học sau năm 1975 đã miêu tả đời sống trong tính đa chiều với nhiều cách tân nghệ thuật táo bạo. Người đọc bắt gặp trong văn học đương đại sự hiện diện của nhiều loại hình diễn ngôn nghệ thuật như diễn ngôn chấn thương, diễn ngôn sinh thái, diễn ngôn đô thị, diễn ngôn lịch sử…

Bài và ảnh: YẾN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phac-thao-dien-mao-van-hoc-viet-trong-tuong-lai-196241127201741435.htm
Zalo