Thêm điều kiện đối với dự án điện gió ngoài khơi
Dự án điện gió ngoài khơi sẽ được giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 12 năm kể từ khi đưa vào vận hành.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Theo đó, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Công Thương đề xuất một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ dự án điện mặt trời và điện gió có hệ thống lưu trữ, như: Ưu tiên huy động nguồn điện từ các dự án này; hệ thống lưu trữ điện được được xem là hàng hóa, sản phẩm được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế...
Đáng chú ý nhất là nội dung về cơ chế, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi. Theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, đến năm 2050 đạt công suất 30.000 - 50.000 MW, trở thành một trung tâm sản xuất điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á. Đây là loại nguồn điện mới và hiện Việt Nam chưa có dự án nào đưa vào vận hành.
Do đó, để khuyến khích phát triển nguồn điện này,Bộ Công Thương đề xuất dự án điện gió ngoài khơi được miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng; giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong vòng 12 năm kể từ khi đưa vào vận hành. Dự án cũng được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng, sau đó tiếp tục được miễn theo quy định về đầu tư và đất đai.
Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi còn được xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn theo Luật các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, điều kiện để các dự án điện gió ngoài khơi được hưởng các ưu đãi trên là được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 1/1/2031.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi, nhà đầu tư nước ngoài cần tham gia thực hiện đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, được lựa chọn hình thức đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài triển khai ít nhất 1 dự án điện gió ngoài khơi có quy mô tương đương tại Việt Nam hoặc trên thế giới. Đồng thời, phải có năng lực tài chính, phương án huy động vốn hoặc cam kết cho vay, có nhân lực, chuyên môn, kinh nghiệm để triển khai dự án.
Về giá điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương đề xuất mức trần giá điện trong hồ sơ mời thầu không cao hơn mức giá tối đa của khung giá phát điện do Bộ này ban hành. Giá điện trúng thầu để lựa chọn nhà đầu tư là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu.
Đối với dự án điện gió ngoài khơi sản xuất điện với mục đích xuất khẩu không thông qua hệ thống điện quốc gia, trong trường hợp có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Công Thương yêu cầu nhà đầu tư nội đảm bảo tổng tỷ lệ cổ phần trên 50%.
Riêng việc chuyển nhượng, mua bán cổ phần, phần vốn góp và chuyển nhượng một phần dự án, toàn bộ dự án phải tuân thủ quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Biển Việt Nam và pháp luật có liên quan.