Kinh tế thế giới nổi bật: Nga đáp trả các nước không thân thiện, BRICS sắp thêm 2 quốc gia đối tác, sẽ có ngân hàng vàng miếng tại Đông Nam Á

Nga gia hạn mức thuế cao đối với hàng xa xỉ từ các nước không thân thiện, Trung Quốc nói Mỹ 'sai lầm', BRICS sắp có thêm hai quốc gia đối tác, Indonesia đã sẵn sàng thành lập ngân hàng vàng miếng… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, Cuba và Bolivia sẽ gia nhập nhóm BRICS với tư cách là đối tác kể từ ngày 1/1/2025. (Nguồn: GCIS)

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, Cuba và Bolivia sẽ gia nhập nhóm BRICS với tư cách là đối tác kể từ ngày 1/1/2025. (Nguồn: GCIS)

Kinh tế thế giới

Hậu quả kinh tế từ ô nhiễm môi trường

Báo The Naitonal News của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 18/12 dẫn báo cáo công bố mới đây của Nền tảng Khoa học-chính sách Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) cho biết, ô nhiễm môi trường sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại tới 25.000 tỷ USD mỗi năm trong những thập niên tới và đe dọa sức khỏe của hàng tỷ người, trừ phi các chính phủ giải quyết được tác động của ô nhiễm môi trường đối với đa dạng sinh học và sản xuất lương thực.

IPBES mô tả đây là "báo cáo đánh giá khoa học tham vọng nhất từng được thực hiện" về mối liên hệ giữa các yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến mức sống toàn cầu, bao gồm đa dạng sinh học, nước, lương thực, sức khỏe và biến đổi khí hậu. Các tác giả của báo cáo đánh giá 5 vấn đề này là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời cảnh báo việc giải quyết các thách thức một cách riêng rẽ sẽ làm cho bức tranh toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.

Theo báo cáo của IPBES, đa dạng sinh học toàn cầu đã suy giảm 2-6% mỗi thập niên trong 30-50 năm qua. Báo cáo cho biết thêm 50% dân số toàn cầu hiện sống ở những khu vực bị suy giảm mạnh nhất về đa dạng sinh học, nguồn nước và an ninh lương thực. Đây là những khu vực chịu những tác động tồi tệ nhất từ biến đổi khí hậu.

Báo cáo chỉ ra rằng 58.000 tỷ USD - tương đương hơn một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu - đã được tạo ra vào năm 2023 trong các lĩnh vực phụ thuộc đáng kể hoặc phần lớn vào tự nhiên. Các tác giả của báo cáo ước tính GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 10.000 - 25.000 tỷ USD mỗi năm do các tác động tiêu cực của ngành nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và thủy sản đối với đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, nước và sức khỏe.

Kinh tế Mỹ

* Ngày 18/12, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp kể từ tháng 9/2024, song đưa ra tín hiệu cho thấy tốc độ giảm chi phí đi vay sẽ chậm lại trong thời gian tới, do tỷ lệ thất nghiệp tương đối ổn định và tình hình lạm phát gần đây không có nhiều cải thiện.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu thông qua quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm với tỷ lệ 11-1, đưa lãi suất xuống phạm vi 4,25 - 4,50%.

Kinh tế Trung Quốc

* Trung Quốc ngày 16/12 cho rằng, kế hoạch của Mỹ tăng thuế đối với thêm nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là "sai lầm nối tiếp sai lầm", sau khi Mỹ nhắm vào các sản phẩm bao gồm cả những linh kiện quan trọng của tấm pin năng lượng mặt trời.

Trung Quốc phản đối kế hoạch này, cho rằng việc tăng thuế như vậy sẽ chỉ "gây tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng Mỹ". Trung Quốc kêu gọi Mỹ "lập tức hủy bỏ các khoản thuế bổ sung", đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ "thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình".

Trước đó, ngày 12/12, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch tăng thuế đối với các tấm wafer (tấm bán dẫn silicon) năng lượng mặt trời, silicon đa tinh thể và một số sản phẩm vonfram từ Trung Quốc để bảo vệ các ngành năng lượng sạch của Mỹ. Việc tăng thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với mức thuế đối với các tấm wafer năng lượng mặt trời và silicon đa tinh thể do Trung Quốc sản xuất sẽ tăng từ 25% lên 50%, trong khi cũng bắt đầu áp mức thuế 25% với một số sản phẩm vonfram.

* Trung Quốc đứng đầu thế giới về đầu tư xây dựng đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc. Từ đầu năm 2024 đến nay, nước này đã có nhiều đột phá mới trong việc xây dựng các dự án đường sắt, trong đó phải kể đến nhiều tuyến đường sắt cao tốc chất lượng cao, quan trọng được đầu tư và đưa vào vận hành thử nghiệm.

Theo Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, trong giai đoạn từ tháng 1-11/2024, quốc gia Đông Bắc Á đã đầu tư vốn vào tài sản cố định lĩnh vực đường sắt lên đến 711,7 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 98 tỷ USD), tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế châu Âu

* Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ngày 17/12 cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần có cách tiếp cận thực tế với chính quyền sắp tới của ông Donald Trump để ngăn chặn một cuộc chiến thương mại giữa châu Âu và Mỹ.

EU đã chuẩn bị cho các vấn đề thương mại kể từ khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế từ 10% đến 20% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các nước - trừ Trung Quốc - nước sẽ phải đối mặt với mức thuế 60% nếu đề xuất của ông được thực hiện.

* Từ ngày 16/12, tàu cao tốc liên vận xuyên châu Âu (ICE) bắt đầu đưa vào hoạt động trực tiếp tuyến Berlin - Paris. Hành trình mới kéo dài 8 giờ này đưa du khách qua Frankfurt và Strasbourg và được ca ngợi là biểu tượng của tình hữu nghị Đức-Pháp.

Chuyến tàu ICE đầu tiên của Đức đã rời ga Gare de l'Est ở thủ đô Paris lúc 9:55 sáng (0855 GMT) và theo lịch trình đến Berlin Hauptbahnhof lúc 18:03.

Theo Công ty đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn (DB), việc đưa vào hoạt động tuyến đường sắt giữa hai thành phố hàng đầu châu Âu là do nhu cầu về đường sắt gia tăng mạnh.

* Ngân hàng trung ương Pháp vừa hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 từ 1,2% xuống 0,9% do triển vọng kinh tế trong và ngoài nước ngày càng bất ổn.

Ngân hàng trung ương Pháp cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Pháp trong năm 2026 từ 1,5% xuống 1,3% cho năm 2026. Cũng theo ngân hàng này, kinh tế Pháp cũng dự kiến tăng trưởng 1,3% năm 2027.

Các dự báo mới nhất được đưa ra hai ngày sau khi Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ xếp hạng tín dụng của Pháp xuống Aa3 sau nhiều tháng khủng hoảng chính trị và bế tắc về ngân sách dẫn đến việc thay đổi lãnh đạo.

Đối với năm 2024, ngân hàng vẫn giữ nguyên dự đoán tăng trưởng kinh tế ở mức 1,1%, tương đương với năm 2023.

* EU đang tăng cường giám sát đối với TikTok, mạng xã hội video ngắn, do lo ngại về khả năng nền tảng này bị lợi dụng để can thiệp vào các cuộc bầu cử và những vi phạm tiềm tàng liên quan đến luật về Dịch vụ kỹ thuật số (DSA). Động thái này diễn ra sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Romania bị hủy bỏ do những cáo buộc về sai phạm và vi phạm luật bầu cử, trong đó TikTok bị nghi ngờ đóng vai trò nhất định.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 17/12 đã chính thức mở thủ tục điều tra đối với TikTok về "cáo buộc vi phạm DSA".

* Ngày 13/12, chính phủ Nga đã quyết định gia hạn việc áp dụng mức thuế cao đối với một số hàng hóa từ các nước không thân thiện cho đến cuối năm 2025. Điều này đặc biệt áp dụng đối với nước hoa và mỹ phẩm, rượu và đồ ngọt, pin và vật liệu xây dựng, vũ khí và một số sản phẩm khác. Trước đó, các hạn chế này có hiệu lực đến ngày 31/12/2024.

Theo giải thích của Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga, việc gia hạn biện pháp này là do các nước không thân thiện với Nga tiếp tục áp dụng những biện pháp trừng phạt.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Dữ liệu chính phủ công bố ngày 18/12 cho thấy, thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tháng 11/2024 đã giảm 85,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 117,62 tỷ Yen (765 triệu USD), do xuất khẩu đạt mức kỷ lục nhờ nhu cầu liên quan đến chất bán dẫn mạnh mẽ.

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tài chính, cán cân thương mại của Nhật Bản vẫn tiếp tục thâm hụt tháng thứ năm liên tiếp, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 3,8% lên 9.150 tỷ yen, tăng tháng thứ hai liên tiếp.

* Ngày 18/12, Kioxia Holdings Corp., một trong những nhà sản xuất chip hàng đầu Nhật Bản, đã chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của công ty đã mở cửa ở mức 1.440 Yen/cổ phiếu, thấp hơn giá chào bán ban đầu là 1.455 Yen (tương đương 9 USD)/cổ phiếu. Đây là một trong những đợt IPO lớn nhất tại Nhật Bản trong năm nay.

Cổ phiếu của Kioxia được giao dịch trên thị trường Prime của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo với mức vốn hóa khoảng 776 tỷ Yen. Đợt niêm yết này là thương vụ IPO lớn thứ hai tại Nhật Bản kể từ năm 2023, chỉ sau vụ IPO của Tokyo Metro, công ty lên sàn vào tháng 10/2023.

* Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), doanh thu của các công ty nước này trong quý III/2024 tăng trưởng chậm so với 3 tháng trước đó, một phần là do sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất chip và hóa dầu, nhưng lợi nhuận của họ đã cải thiện.

Theo BoK, doanh thu của các công ty trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2024 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn so với mức tăng 5,3% của quý trước đó.

Dữ liệu này dựa trên đánh giá 23.137 công ty thuộc diện kiểm toán bên ngoài. Lợi nhuận của các công ty đã được cải thiện nhờ đồng Won yếu.

Tỷ lệ lợi nhuận hoạt động trên doanh thu của các công ty tăng 5,8% trong quý III/2024, cao hơn so với mức tăng 4% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trong quý III/2024 thấp hơn so với mức 6,2% quý trước đó.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, Cuba và Bolivia sẽ gia nhập nhóm BRICS với tư cách là đối tác kể từ ngày 1/1/2025.

Trong tuyên bố mới nhất trước báo giới, ông Ryabkov cho hay, cả Cuba và Bolivia đều đã nhận được lời mời gia nhập BRICS, mặc dù các cuộc đàm phán liên quan vẫn đang diễn ra.

* Giới chức Indonesia ngày 17/12 cho biết, chính phủ nước này đã thông qua hàng loạt gói kích thích kinh tế với tổng trị giá 827 nghìn tỷ Rp (51,65 tỷ USD) năm 2025, nhằm giảm thiểu cú sốc kinh tế và giải quyết sức mua đang suy yếu của các nhóm thu nhập thấp và trung bình. Các gói kích thích này cũng nhằm giảm bớt tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) sắp tới từ 11% lên 12%, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/1/2025.

* Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (SOE), Erick Thohir, cho biết Indonesia đã sẵn sàng thành lập các ngân hàng vàng miếng sau khi nâng cao năng lực sản xuất vàng trong nước.

Theo kế hoạch, việc thành lập ngân hàng vàng miếng sẽ do công ty khai thác vàng nhà nước Aneka Tambang (Antam) và công ty khai thác vàng Freeport Indonesia hỗ trợ thông qua sản xuất vàng miếng trong nước.

Indonesia có trữ lượng vàng lớn, với công ty nhà nước Pegadaian hiện nắm giữ 70 tấn vàng dự trữ.

* Từ ngày 1/1/2025, du khách có ý định đến Thái Lan sẽ có thể nộp đơn xin thị thực điện tử (e-visa) trực tuyến tại các đại sứ quán và lãnh sự quán Thái Lan trên toàn thế giới.

Tuy vậy, du khách từ một số quốc gia vẫn phải xuất trình biên lai thanh toán tại các đại sứ quán và lãnh sự quán. Hệ thống thị thực điện tử sẽ áp dụng cho khách du lịch, sinh viên và người lao động. Bản sao thị thực điện tử đã được chấp thuận sẽ được gửi cho người nộp đơn qua email.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-nga-dap-tra-cac-nuoc-khong-than-thien-brics-sap-them-2-quoc-gia-doi-tac-se-co-ngan-hang-vang-mieng-tai-dong-nam-a-297911.html
Zalo