Thêm bộ khung để kiểm soát rủi ro, phòng chống rửa tiền

Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam đảm bảo đáp ứng thực tiễn nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài...

Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng nhà nước

Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng nhà nước

Ngày 7/2/2025, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ban hành Quyết định số 09/QĐ-HHNH về ban hành Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đánh giá, như vậy các tổ chức tín dụng đã có thêm bộ khung những chứng từ cần thiết, cụ thể đối với các giao dịch chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài, tạo cơ sở cho việc kiểm soát rủi ro, phòng chống rửa tiền trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài.

Được biết, trong qúa trình xây dựng Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam có sự tham gia, đồng hành tích cực của Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước. Xin ông chia sẻ mục đích ban hành Bộ quy tắc?

Trước hết, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), do đó, phải tuân thủ nguyên tắc tự do hóa giao dịch vãng lai theo các cam kết quốc tế. Theo nguyên tắc này, tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai giữa người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện.

Nguyên tắc này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cụ thể hóa thành quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung); Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai, Ngân hàng Nhà nước không được hạn chế hoặc có các quy định cấp phép để kiểm soát. Pháp lệnh ngoại hối cũng giao trách nhiệm cho tổ chức tín dụng trong việc quy định, xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế, đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích, phù hợp với quy định của pháp luật.

Thời gian qua, do khẩu vị rủi ro của các tổ chức tín dụng khác nhau nên việc quy định chứng từ trong giao dịch thanh toán, chuyển tiền quốc tế chưa thống nhất, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng.

Nhằm tạo sân chơi công bằng, một chuẩn mực chung cho các tổ chức tín dụng thực hiện thống nhất, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, Vụ Quản lý Ngoại hối đã đồng hành cùng Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng xây dựng Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam. Sau thời gian tích cực triển khai xây dựng và hoàn thiện, Bộ quy tắc đã được ban hành vào ngày 7/2/2025 vừa qua.

Trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện Bộ quy tắc, vai trò của Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Bộ quy tắc là cơ sở, là chuẩn mực chung để các ngân hàng tham chiếu thực hiện nên đã được Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước luôn sát sao trong việc đưa ra định hướng chung, cũng như có những ý kiến đóng góp phù hợp để hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc nhằm đảm bảo đáp ứng thực tiễn nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài. Trong quá trình xây dựng Bộ quy tắc, đã có rất nhiều cuộc họp, thảo luận, tọa đàm giữa Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng như xin ý kiến bằng văn bản nhiều lần trong hệ thống ngân hàng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, Hiệp hội Ngân hàng đã liên hệ với một số đơn vị liên quan trong Ngân hàng Nhà nước (Vụ Pháp chế, Vụ Thanh toán, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng,…) để tham vấn. Các đơn vị cũng đã tích cực tham gia ý kiến đối với dự thảo Bộ quy tắc.

Trong quá trình triển khai xây dựng Bộ quy tắc, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã xin ý kiến các bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao…).

Bộ quy tắc được xây dựng và ban hành xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông đánh giá như thế nào về tác động của Bộ quy tắc này đối với hoạt động chuyển tiền một chiều ra nước ngoài?

Việc ban hành Bộ quy tắc là hết sức cần thiết, kịp thời, tạo sự minh bạch, thống nhất cho hệ thống ngân hàng trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.

Như vậy, hiện nay, bên cạnh các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai (Thông tư 20/2022/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân), các tổ chức tín dụng đã có thêm bộ khung những chứng từ cần thiết.

Cụ thể đối với các giao dịch chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài, tạo cơ sở cho việc kiểm soát rủi ro, phòng chống rửa tiền trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài cho khách hàng nhưng vẫn tuân thủ thông lệ quốc tế, góp phần đảm bảo giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài đúng mục đích, đúng quy định, phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp chuyển tiền ra nước ngoài cho các nhu cầu bất hợp pháp.

Cùng với các quy định về phòng chống rửa tiền, Bộ quy tắc là cơ sở để các cơ quan chức năng tham chiếu, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động thanh toán, chuyển tiền quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Song Hà

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/them-bo-khung-de-kiem-soat-rui-ro-phong-chong-rua-tien-post557784.html
Zalo