Thay vì giữ hộ tiền lì xì, sao không dạy con cách quản lý chi tiêu?
Giống như mọi môn học, học quản lý tiền bạc cũng cần cả lý thuyết và thực hành, bố mẹ không nên giữ hết tiền lì xì của con mà nên dùng nó để dạy trẻ cách chi tiêu.
Tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả bài "Tết này, tôi cho con trai 13 tuổi tự giữ tiền lì xì" rằng không nên cách ly hoàn toàn trẻ em với tiền bạc mà có thể coi tiền mừng tuổi là "học cụ" để dạy trẻ cách quản lý tài chính, chi tiêu hợp lý.
Ở tuổi 35, tôi không nghĩ mình là người thành công, nhưng có thể tự tin nhận là đã vững vàng trong sự nghiệp. Tôi sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên đi Hà nội học đại học nhưng bỏ ngang vào năm 19 tuổi. Sau đó, tôi lăn lộn với nhiều nghề như xe ôm, bưng bê, thi công dán tường... rồi tích góp được một khoản nhỏ để kinh doanh. Hiện nay, tôi là chủ của hai cửa hàng phân phối thực phẩm đông lạnh tại Hà Nội, có vợ và con gái 10 tuổi.
Dù xuất phát điểm của tôi không bằng ai nhưng kinh tế gia đình vẫn được coi là có của ăn của để. Tôi tin chắc bản thân được như ngày hôm nay một phần là nhờ biết quản lý tài chính, chi tiêu hợp lý từ khi còn rất nhỏ. Dù cuộc sống sau hàng chục năm có nhiều thay đổi, tôi vẫn nghĩ rằng các phụ huynh ngày nay nên làm như bố mẹ tôi trước kia, thay vì giữ hết tiền lì xì của con cái thì lấy đó làm công cụ để dạy chúng cách chi tiêu.
Từ khi 8 tuổi, tôi đã được phép cầm tiền mừng tuổi của mình. Khoản tiền này ngày đó không lớn, giá trị tương đương vài trăm nghìn đồng bây giờ. Với một đứa trẻ, đó là cả gia tài. Khi được giữ những đồng tiền đầu tiên, tôi cảm thấy sung sướng và tự hào vì coi đó khoản tiền của mình, do mình quyết định.
Bố mẹ tôi không giàu, không dạy con những điều cao siêu về tài chính như đầu tư, lãi, nguyên tắc phân chia thu nhập... mà chỉ dạy điều duy nhất rằng: "Tiền cầm trong tay phải thật tiết kiệm".
Đây là bài học vỡ lòng, rất cơ bản nhưng thật sự khó học, và những đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ học được nếu không có tiền trong tay. Trẻ sẽ không bao giờ hiểu tại sao cần tiết kiệm nếu chưa từng tiếc ngẩn ngơ khi không mua được món đồ mình thích do đã trót phung phí vào những thứ ít bổ ích hơn. Chúng cũng không bao giờ biết cách tích cóp từng đồng để chờ đến ngày đủ tiền mua món đồ giá trị mà mình mơ ước.
Chiếc xe đạp tôi có vào năm lớp 6 chính là từ tiền lì xì tôi tiết kiệm được khi bố mẹ cho phép giữ lại. Những năm tháng bôn ba đủ nghề sau này, chính nhờ tính tiết kiệm mà tôi có được sự nghiệp.
Vì muốn tiết kiệm, tôi học cách thống kê chi tiêu của bản thân. Ngay từ lúc được tiêu tiền lì xì, tôi đã ghi chép lại những khoản thu chi của mình. Lớn lên, điều này đã thành thói quen và mang cái tên mỹ miều hơn là quản lý tài chính, quản lý dòng tiền. Tôi học cách tính toán sao cho mình luôn đạt được mục tiêu đề ra
Sau những ngày Tết kết sổ lì xì, tôi sẽ thấy được rõ ràng số tiền của mình tăng giảm thế nào, dễ dàng nắm được tổng quan số tiền ra sao. Cũng dựa vào đó, bố mẹ có thể nắm rõ các khoản tiền của tôi mà không cần phải giữ hộ. Với con gái 10 tuổi của mình, tôi cũng làm như vậy. Khi mua đồ ăn vặt tại trường hay xuống cửa hàng dưới tòa nhà mua cục tẩy, cây bút, dù số tiền rất nhỏ thì vẫn ghi chép đầy đủ.
Cuối cùng, nhờ cầm tiền lì xì, tôi hồi bé cũng như con tôi bây giờ học được cách chi tiêu hợp lý, tránh xa các ham muốn mua sắm trong thoáng chốc. Không biết bao nhiêu lần thời niên thiếu, tôi phải đấu tranh giữa việc mua đồ chơi hay mua sách vở, đi chơi cùng bạn bè hay chọn bút mới. Sự đấu tranh đó cũng giúp tôi nhận ra rằng việc mua quà sinh nhật tặng bạn bè cũng đem lại cảm giác hạnh phúc không kém mua đồ cho chính mình.
Không chỉ trẻ con mà nhiều người lớn hiện nay cũng có tính cả thèm chóng chán, mua đồ mới về rồi vứt xó là chuyện rất hay xảy ra. Đây là hậu quả của thói quen chi tiêu theo cảm xúc, theo hứng mà không xác định rõ nhu cầu của bản thân. Nếu được cầm tiền lì xì từ sớm và đối mặt với yêu cầu phải tính toán, cân nhắc, tôi nghĩ tình trạng này sẽ được hạn chế nhờ những bài học thực tế của chính mình.
Vợ chồng tôi cho con gái cầm tiền lì xì từ nhỏ, chúng tôi luôn sát sao việc chi tiêu của cháu. Dạy cách tiêu tiền không bao giờ là quá sớm. Giống như mọi môn học khác, "tiêu tiền" cũng có hai phần lý thuyết và thực hành. Nếu phụ huynh cứ mãi bao bọc con, không cho con thực hành thì đến bao giờ mới có thể lớn khôn?