Thầy Ninh dạy chữ Thái
Gắn bó với nghề dạy học, rồi làm văn hóa, nghệ nhân ưu tú Hà Nam Ninh (Hà Văn Nênh) được nhắc đến nhiều nhất với việc truyền bá văn hóa bản địa mà cụ thể là tiếng Thái.
Sinh năm 1949 ở bản Hiềng, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, từ nhỏ, cậu bé Hà Văn Nênh được cha mẹ dạy và chỉ bảo về văn hóa bản địa. Là người Thái, sống ở vùng đất cổ Mường Ký nơi tập trung đồng bào dân tộc Thái, ông biết nói tiếng Thái, nhưng cũng như hầu hết cộng đồng người Thái ở xứ Thanh nói riêng và trong cả nước nói chung, cậu bé Nênh không thể đọc, viết được ngôn ngữ dân tộc mình.
Năm 1966, chàng trai trẻ người Thái này đã trúng tuyển vào Trường Trung học Sư phạm miền núi Thanh Hóa. Nghề dạy học gắn bó từ đó. Sau này, khi dạy học và tiếp xúc với các em học sinh, thôi thúc thầy giáo Ninh tìm hiểu văn hóa của các dân tộc. Người Thái tự hào rằng mình có tiếng nói và chữ viết riêng, là điểm mà nhiều dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam không có. Tuy nhiên còn bao nhiêu người viết được chữ Thái? Đến ông, là thầy giáo rồi làm cán bộ phòng giáo dục cũng còn không biết viết chữ Thái.
Với suy nghĩ đó, từ năm 1983 ông mày mò tự học, tự viết. Và năm 1985, “tình cờ một lần, cụ Hà Văn Ban (lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) đã viết tặng tôi một bảng chữ cái, bảng nguyên âm, phụ âm bằng tiếng Thái và còn dặn chỗ nào không hiểu, không đọc được thì cứ hỏi cụ. Rồi nhiều người khác trong vùng cũng giúp đỡ tôi học và sưu tầm tài liệu”, ông Hà Nam Ninh tâm sự.
Tìm hiểu văn hóa Thái mà lại không biết chữ Thái thì chẳng khác nào trồng cây mà không có gốc. Kể từ khi thành thạo viết chữ, đọc chữ thì “văn hóa Thái như mở ra chân trời mới cho tôi. Tôi được biết về chuyện sinh đất, lập mường, đọc những bài mo của người Thái,...”. Sau này ở các vị trí công tác như Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bá Thước... chữ Thái, văn hóa Thái luôn là những nỗi niềm của ông. Vì thế, từ năm 1995, ông dành nhiều thời gian đi sâu tìm hiểu chữ viết, tiếng nói và bắt đầu biên soạn những tài liệu về văn hóa Thái. Đặc biệt, kể từ năm 2006 đến nay, gần 20 năm ông dành toàn bộ thời gian và sức khỏe để nghiên cứu văn hóa Thái.
Trong gia đình ông hiện có nhiều tư liệu lịch sử quý được viết bằng chữ Thái như: Văn khế địa giới đất đai giữa các bản, các tổng; Lịch sử hình thành cộng đồng dân cư làng xã; Thần phả và những câu chuyện về nhân vật lịch sử có công; các thống kê đinh điền, sản vật, thuế má... Trong đó, thứ quý giá nhất phải kể đến là truyện thơ bằng chữ Thái “Truyện kể đường lên thiên đàng” viết từ thời vua Lê Chiêu Tông. Ông còn có rất nhiều sách, thơ, truyện bằng chữ Thái như: “Truyện thơ Khăm Panh”, “Khun Lú - Nàng Ủa”, “Sống Chụ Son Sao”, “Truyện tình Pha-dua”... Ngoài ra rất nhiều tư liệu về các lễ hội cổ truyền, phong tục tập quán của người Thái Việt Nam nói chung, Thái Thanh Hóa nói riêng cũng được ông lưu giữ khá đầy đủ.
“Khi nghe được con số thống kê, trên cả tỉnh chỉ có 19 người biết viết chữ Thái, trong đó phần lớn là các cán bộ kháng chiến và các nghệ nhân văn hóa Thái, tôi thực sự giật mình. Một tỷ lệ quá ít ỏi và đáng báo động. Người Thái biết nói tiếng Thái, biết hát khặp... nhưng người Thái không biết chữ Thái thì sao hiểu được nguồn cội, gốc gác của dân tộc mình?”. Vì thế mà trong nhiều năm công tác, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn tâm nguyện là làm sao để chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình được bảo tồn, phát huy.
Để có thể giữ gìn và được nhiều người biết viết và đọc chữ Thái, cách duy nhất là phải dạy họ. Ngay sau khi nghỉ chế độ Bảo hiểm xã hội (2005) phát huy vai trò người giáo viên, thầy Ninh lại dạy học cho người lớn tuổi.
Năm 2006, 2 ông: Hà Công Mậu và Hà Nam Ninh đã quyết định mở lớp dạy miễn phí tiếng Thái ở Trung tâm học tập cộng đồng thị trấn Cành Nàng. 22 học viên của lớp phần lớn là cán bộ làm việc ở Huyện ủy và UBND huyện Bá Thước. Ông giáo Hà Nam Ninh cho biết: Tiếng Thái có cấu tạo ngữ pháp giống như tiếng Việt nên dễ học, phù hợp với tư duy chung của các tộc người trong khu vực và vốn từ vựng dồi dào, phong phú.
Học viên ngày càng đông, không chỉ là cán bộ, công chức, giáo viên phổ thông, nhiều người dân cũng đăng ký tham gia. Vì cách dạy của thầy Ninh, thầy Mậu khiến họ dễ hiểu, tiếp thu nhanh và giúp ích rất nhiều trong quá trình tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, truyền thông về văn hóa đến với bà con dân tộc thiểu số khác. Những học viên tham gia lớp học chữ Thái của ông chỉ sau 20 ngày đã có thể giao tiếp, viết và đọc được chữ của người dân tộc Thái.
Nhận thấy những việc làm ý nghĩa này, năm 2006, Sở Nội Vụ Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã cấp chứng chỉ dạy chữ Thái cho thầy Hà Nam Ninh. Chỉ tính trong giai đoạn từ 2007 đến 2012, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với thầy Ninh và một số giáo viên khác mở được 10 lớp với số lượng 500 học viên, tổ chức dạy luân phiên ở trường dân tộc nội trú tại các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn. Đến năm 2014, với sự phối hợp của Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hồng Đức, thầy giáo Hà Nam Ninh đã được mời đứng lớp trong chương trình Bồi dưỡng tiếng nói và chữ viết cho cán bộ, công chức, giáo viên
Cũng trong giai đoạn đó, thầy Ninh là biên soạn chính cho 3 bộ tài liệu, gồm Bộ Chữ thái cổ Thanh Hóa; Bộ tài liệu dạy tiếng Thái cho cán bộ, công chức công tác vùng dân tộc miền núi năm 2008, có tham khảo và dựa vào tài liệu của tỉnh Yên Bái; và tài liệu đào tạo bồi dưỡng tiếng Thái dùng cho cán bộ, công chức công tác tại vùng dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa năm 2014. Nhiều người biết chữ Thái, hiểu văn hóa Thái nhìn vào “giáo trình” của thầy Ninh đã khen ngợi, tán thưởng. Thấy Ninh chia sẻ: “Để có giáo án dạy cho học viên, tôi luôn phải đổi mới và tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Các bài dạy của tôi thường gần gũi, thiết thực gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày, gắn liền với những chuyện cổ của người Thái giúp học viên dễ dàng tiếp cận, dễ hiểu, dễ tiếp thu và nhanh chóng giao tiếp”.
Cuộc đời một thầy giáo, một người nghiên cứu văn hóa dân gian của ông cuối cùng đã đạt được điều ông mong muốn. Năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú - loại hình tiếng nói, chữ viết tỉnh Thanh Hóa.
Từng là “học viên tiếng Thái” rồi trở thành “thầy dạy chữ Thái”, tâm nguyện suốt cuộc đời nghiên cứu văn hóa của ông Hà Nam Ninh là lưu truyền được chữ viết của dân tộc mình, để bất kể người Thái nào từ khi ra đời đến khi nhắm mắt ít nhất cũng có thể đọc được, viết được tên mình và những người thân. Hiện ông đang hoàn thiện đề tài về chữ Thái Thanh Hóa cải tiến với mong muốn sẽ tạo điều kiện để mọi người dễ sử dụng hơn mà vẫn đảm bảo sự khoa học, chuẩn xác.
Văn hóa người Việt, người Mường, người Thái có nhiều nét tương đồng. Ông cho rằng, rất có thể, người Thái Thanh Hóa và một bộ phận của Sơn La và Hòa Bình không thuộc Thái đen cũng chẳng phải Thái trắng, mà là Thái đỏ. Bởi từ thời An Dương Vương, vùng sông Mã đã có người Thái sinh sống và sau đó một bộ phận chuyển sang Lào, một bộ phận hòa nhập vào người Mường... Khi người Thái Tây Bắc xuống vùng đất này, họ đã hòa nhập vào cộng đồng người Thái của Thanh Hóa. Điều này cũng lý giải tại sao văn hóa của người Thái Thanh Hóa rất gần gũi với người Mường.
Câu chuyện của thầy giáo Hà Nam Ninh còn dài và tôi cũng chưa thể hiểu hết về những nghi vấn khoa học của ông. Chỉ biết rằng, ở tuổi 75, ông vẫn còn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Và tôi tin, bằng tình yêu của một người Thái, sự say mê truyền dạy, sự nhiệt huyết, đi đến đâu ông cũng được mọi người yêu mến, trân trọng gọi “Thầy Ninh”.