Thay đổi nhận thức trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Tại hội nghị - hội thảo '65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa' do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức chiều 14.12, các đại biểu cho rằng, cần thay đổi nhận thức cộng đồng, người làm chuyên môn trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Thiếu nhận thức trong bảo tồn, mất yếu tố gốc cấu thành di tích

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, hiện cả nước có hơn 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 34 di sản được UNESCO ghi danh (gồm 8 Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 Di sản Văn hóa phi vật thể và 10 Di sản tư liệu); 138 Di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.653 di tích quốc gia…

 Hội nghị - hội thảo “65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa" chiều 14.12

Hội nghị - hội thảo “65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa" chiều 14.12

“Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã khẳng định là một trong những nước thành viên tích cực tham gia các Công ước của UNESCO, đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại. Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và sự phát triển chung của đất nước”, TS. Lê Thị Thu Hiền cho biết.

Tại hội nghị, bên cạnh việc nhấn mạnh những thành tựu nổi bật trong công tác bảo tồn di sản văn hóa thời gian qua, các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế. Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS Tống Trung Tín nêu thực trạng này trong ngành khảo cổ. Theo ông, nhiều di tích khảo cổ học do không có điều kiện bảo tồn tại chỗ, lâu dài, nên đều được đóng lại bằng phương pháp lấp hố bảo tồn.

Có di tích được bảo tồn sau khai quật bằng nhà mái che nhằm phát huy giá trị lâu dài hoặc xây dựng công trình mới bên cạnh di tích vừa khai quật (đền Thái ở Quảng Ninh, chùa Dạm ở Bắc Ninh, tòa Cửu phẩm ở Côn Sơn - Hải Dương). Có trường hợp xây dựng công trình mới chồng lên di tích, di tích nằm dưới tầng hầm của kiến trúc mới (chùa Phật Tích, Bắc Ninh)...

Theo PGS.TS. Tống Trung Tín, nguyên nhân của những sai lầm trên xuất phát từ nhận thức của một bộ phận chuyên môn bị hạn chế, không coi trọng công tác nghiên cứu, thiếu tư duy trong phương pháp bảo tồn giá trị di sản.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, thực trạng quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng còn bất cập do phát triển du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát. Sự lạm dụng di sản, làm mới di sản một cách thiếu khoa học, thiếu kiến thức đã khiến di sản ở một số nơi xuống cấp, biến dạng...

 Lượng khách tham quan đông khiến Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khó khăn trong công tác bảo tồn. Ảnh: HS

Lượng khách tham quan đông khiến Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khó khăn trong công tác bảo tồn. Ảnh: HS

Hay ở Sơn La có hiện tượng công trình nhà ở, quán kinh doanh xây dựng trái phép lấn chiếm đất di tích; ảnh hưởng đến khuôn viên, cảnh quan, hệ thống cây xanh tự nhiên lâu năm có giá trị lịch sử, mỹ quan trong khu di tích. Tình trạng này cũng xảy ra tại An Giang khi nhận thức về di sản văn hóa và việc bảo vệ di sản văn hóa tại đây chưa thực sự sâu sắc. Đặc biệt, với quan điểm để thu hút nhiều khách tham quan, các nhà đầu tư còn sai lầm khi mở rộng di tích khang trang, làm sai lệch giá trị di tích, mất đi yếu tố gốc cấu thành di tích.

Ngay tại Hà Nội, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cũng gặp khó khăn trong công tác bảo quản tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan di tích. Lượng khách ngày càng đông, nên công tác bảo tồn ở Khu Di tích không thể tiến hành theo đúng quy trình như một kho bảo quản thông thường. Các tài liệu, hiện vật ở đây luôn phải chịu áp lực trực tiếp của môi trường khí hậu tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp của con người...

Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cơ quan chuyên môn

Để khắc phục thực trạng trên, GS. TS. Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, các địa phương cần đề ra những quy định tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia nhiều hơn vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích do địa phương mình xây dựng, quản lý và tu bổ theo các phương pháp truyền thống còn phù hợp và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về tu bổ di tích nhằm bảo đảm giữ gìn các yếu tố gốc của di tích qua các thời kỳ lịch sử.

 Bảo tồn di tích khảo cổ ở khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Nguồn: ND

Bảo tồn di tích khảo cổ ở khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Nguồn: ND

Theo ông Hùng, cần thiết hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý di tích từ trung ương đến cơ sở, từng di tích phù hợp với quy mô, loại hình, đặc thù của mỗi di tích. Bên cạnh những quy định chung, quy định khung, phải có những quy định cụ thể, hình thức quản lý phù hợp với từng loại hình, quy mô, hình thức sở hữu của di tích.

Ở góc độ bảo tồn, phát huy giá trị những di sản được UNESCO ghi danh, đặc biệt là di sản tư liệu, TS. Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đề nghị, Cục Di sản văn hóa cần có hướng dẫn, đào tạo nhân lực cho các địa phương về kiến thức đánh giá, xếp loại các di sản, từ đó lập danh sách từng loại di sản để có lộ trình bảo tồn, phát huy giá trị, ghi danh hiệu quả”.

Theo các chuyên gia, các địa phương có di tích cần tích cực, chủ động hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới, theo kịp xu hướng bảo tồn gắn với phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới tư duy của đội ngũ công chức, viên chức của ngành về vị trí, vai trò, xu hướng phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương yêu cầu ngành di sản tập trung nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về di sản văn hóa, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Ngoài ra, cần tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa...

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thay-doi-nhan-thuc-trong-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-post399310.html
Zalo