Lời giải cho bài toán chống ngập ở Đà Nẵng

Để khắc phục tình trạng hễ mưa là ngập, TP. Đà Nẵng đã chi hàng ngàn tỷ đồng đầu tư các dự án thoát nước, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp trước mắt. Để khắc phục về lâu dài, Đà Nẵng đang triển khai đồ án điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị.

Nhắc đến ngập lụt, người dân ở Đà Nẵng không thể quên trận ngập lịch sử vào giữa tháng 10/2022, khi hàng loạt căn nhà khu vực trung tâm thành phố và tài sản của người dân chìm trong biển nước. Tổng thiệt hại sau trận mưa lũ này gần 1.500 tỷ đồng.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Đà Nẵng, toàn Thành phố có 124 vị trí có nguy cơ ngập úng khi xảy ra mưa lớn, cực đoan. Nhiều nhất là quận Thanh Khê (41 vị trí), Liên Chiểu (29 vị trí), Cẩm Lệ (18 vị trí)...

Trong số đó, có 10 vị trí, khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng nặng khi có mưa như: khu vực xung quanh hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung; khu vực đường Hải Hồ; khu vực kiệt 640 Trưng Nữ Vương; khu vực kênh Phong Bắc; khu vực đường Mẹ Suốt; khu vực đường Núi Thành; khu vực đường Lê Tấn Trung; khu vực cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh; khu vực hạ lưu cống Khe Cạn và khu vực kênh Yên Thế - Bắc Sơn.

Ông Nguyễn Cửu Loan, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP. Đà Nẵng cho hay, trong thời gian gần đây, tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp; một số điểm cục bộ có tiết diện, cao độ cổng chưa hợp lý. Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều bất cập, chồng chéo như hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước, hố ga, qua cổng làm giảm khả năng thoát nước…

Không chỉ vậy, các khu vực vùng ven có tình trạng xây dựng nhà trái phép không được quy hoạch bài bản, hạ tầng kỹ thuật chưa đầu tư đồng bộ, một số khu vực không có hệ thống cống thoát nước và có địa hình thấp trũng.

“Ngoài biến đổi khí hậu, các nhà máy thủy điện xả nước ở đầu nguồn, lượng mưa lớn kéo dài, triều cường thì tốc độ bê tông hóa diễn ra quá nhanh cũng là một nguyên nhân gây ngập ở Đà Nẵng”, ông Loan chia sẻ.

Trước thực trạng mưa lớn là ngập, TP. Đà Nẵng đã và đang đầu tư hàng loạt dự án thoát nước tại các khu vực trung tâm thành phố như: Dự án xử lý thoát nước khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng, tổng mức đầu tư hơn 77 tỷ đồng, nhằm tăng cường khả năng điều tiết nước giữa các hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung và hồ Công viên 29/3, giảm thiểu ngập úng cho các khu vực xung quanh đường Nguyễn Văn Linh - Lê Đình Lý - Hàm Nghi; Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám và khu vực xung quanh đường Trần Xuân Lê.

Chi hơn 800 tỷ đồng để thực hiện Dự án tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh thoát nước Khu công nghệ cao về kênh thoát lũ xã Hòa Liên. Dự án được HĐND TP. Đà Nẵng phê duyệt từ tháng 12/2022, dự kiến khởi công năm 2025, nhằm giải quyết vấn đề thoát nước tại khu vực này.

Ngoài ra, Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước và thu gom nước thải khu vực xung quanh Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), tổng mức đầu tư hơn 65 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024 - 2026.

Mới đây, HĐND TP. Đà Nẵng thông qua việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến cống thoát nước từ kênh Phú Lộc ra đường Nguyễn Tất Thành (trên đường Phùng Hưng), thuộc 2 quận Liên Chiểu và Thanh Khê, tổng mức đầu tư hơn 145 tỷ đồng; thời gian thực hiện 2024 - 2027.

Đà Nẵng cũng vừa duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên 4 tuyến đường trung tâm gồm: Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm với tổng vốn đầu tư hơn 281 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024 - 2026.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Cửu Loan, để khắc phục tình trạng này, điều đầu tiên là phải dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết.

Bên cạnh đó, cần phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát việc phân cấp quản lý nhà nước đối với hệ thống thoát nước và đề xuất điều chỉnh cho phù hợp. Đối với các vị trí ngập úng do ảnh hưởng của các dự án thì cần triển khai thực hiện phương án xử lý đảm bảo thoát nước tạm thời cho các khu vực đang thi công dở dang, chưa được đầu nối thoát nước hoàn chỉnh, bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, Thành phố đang triển khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị trên cơ sở đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết tình hình ngập úng. Thành phố cũng sử dụng công nghệ thoát nước mới phù hợp với điều kiện của địa phương để nâng cao khả năng thoát nước.

Thanh Chung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loi-giai-cho-bai-toan-chong-ngap-o-da-nang-d231894.html
Zalo