Thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ

Với mong muốn trao cho trẻ tự kỷ cơ hội được lắng nghe, được sẻ chia và từng bước hòa nhập với cộng đồng, Trung tâm giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương (ở phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên) được thành lập và trở thành nơi gửi gắm hy vọng của nhiều gia đình có con em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Một giờ học của cô và trò tại Trung tâm giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương, phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên).

Một giờ học của cô và trò tại Trung tâm giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương, phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên).

Trong lớp học tràn ngập màu sắc tại Trung tâm, những đứa trẻ tự kỷ đang chăm chú theo dõi từng cử chỉ của các cô giáo. Có em lặng lẽ xếp những khối màu, có em cười tươi khi thấy khách tới thăm, có em ánh mắt sáng rực, liên tục gọi: “Cô ơi, cô ơi, cô giúp con!”. Cô giáo khẽ gật đầu, mỉm cười, ánh mắt chan chứa yêu thương. Ở nơi ấy, không có sự vội vàng, không có lời trách mắng, chỉ có sự kiên nhẫn, bao dung và hy vọng. Từng ngày, từng giờ, các em đang học cách mở lòng ra với thế giới.

Chị Nông Thị L., xã Hà Thượng (Đại Từ), nghẹn ngào rơi nước mắt khi chứng kiến con trai là Đinh Sơn H., 14 tuổi, từng ngày thay đổi rõ rệt so với điểm xuất phát ban đầu đầy gian nan. Con đã biết tự lập trong sinh hoạt cá nhân, biết lắng nghe, tương tác với mọi người xung quanh và nhận thức tốt hơn. Chị kể, năm cháu được 20 tháng tuổi, chị bắt đầu nhận thấy những biểu hiện bất thường: Con chậm nói, tăng động, đi hay nhón chân, chỉ thích chơi những đồ vật quay tròn, gần như không phản ứng hay tương tác với người khác. Đưa con đi khám, chị lặng người khi nghe bác sĩ kết luận: con bị rối loạn phổ tự kỷ mức độ nặng.

Từ đó, chị tất tả đưa con đi điều trị khắp nơi, nhưng kết quả không mấy khả quan. Phải đến khi Hà được học tại Trung tâm giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương ở Bắc Ninh, những tia hy vọng đầu tiên mới lóe lên. Khi Trung tâm mở thêm cơ sở tại Thái Nguyên, chị lập tức chuyển con về học, để gần nhà hơn và tiếp tục con đường can thiệp, đồng hành cùng con.

Trải qua 12 năm hình thành và phát triển, hệ thống giáo dục toàn diện Hoa Hướng Dương không ngừng mở rộng và hoàn thiện. Tại đây, trẻ được hỗ trợ phát triển toàn diện về thể chất, vận động, cảm xúc, tinh thần, trí tuệ, nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp và kỹ năng xã hội. Trung tâm cũng xây dựng chương trình giáo dục hòa nhập được chia thành các phân hệ riêng, gồm: hòa nhập mầm non, tiểu học và đào tạo kỹ năng sống độc lập.

Người “gieo mầm” ánh sáng đầu tiên trên hành trình ấy là cô giáo trẻ Dương Thị Sim, người sáng lập và điều hành trung tâm. Nhớ về những ngày đầu làm việc với trẻ tự kỷ, chị Sim chia sẻ: “Có em phản kháng dữ dội, có em không cho ai chạm vào, có em thì cả tháng không nói một lời… Nhưng rồi, chỉ cần một cái nắm tay, một ánh mắt nhìn thẳng, một tiếng gọi khe khẽ... cũng đủ khiến chúng tôi hạnh phúc cả ngày. Mỗi bước tiến nhỏ đều là một phép màu”.

Theo thống kê, số trẻ mắc rối loạn phát triển, đặc biệt là tự kỷ, đang ngày càng gia tăng. Thế nhưng, các cơ sở chuyên biệt đáp ứng đủ điều kiện để can thiệp và hỗ trợ nhóm trẻ này vẫn còn rất hạn chế. Nhiều phụ huynh do thiếu thông tin hoặc quá bận mưu sinh, không thể phát hiện kịp thời hoặc chưa thể đồng hành đúng cách cùng con. Điều đó khiến việc can thiệp bị trượt khỏi “giai đoạn vàng”, thời điểm tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Thực tế tại Trung tâm giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương cho thấy, giáo dục trẻ tự kỷ là hành trình đòi hỏi sự kết hợp giữa chuyên môn vững vàng, lòng kiên trì và tình yêu thương sâu sắc. Có em đến trung tâm khi đã 10 tuổi, thể chất phát triển nhưng trí tuệ lại không theo kịp. Có em thường xuyên tự làm đau mình, sống khép kín trong thế giới riêng. Với các em, mỗi giáo viên không chỉ là người dạy chữ, mà còn là người “chữa lành”.

Không gian học tập tại trung tâm được thiết kế thân thiện, linh hoạt, an toàn và gần gũi. Mỗi giáo trình, mỗi buổi học đều được xây dựng riêng theo năng lực, tâm lý và sở thích của từng trẻ, đúng với phương châm mà cô Sim tâm niệm: “Không có một phương pháp nào phù hợp cho tất cả. Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng cần được thấu hiểu”. Những em bé tự kỷ, với ánh mắt lơ đãng, lời nói ngắt quãng, cử chỉ bất thường thường bị hiểu lầm hoặc bị lãng quên. Nhưng ở Trung tâm giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương, các em được nhìn nhận như những cá thể độc đáo, được yêu thương và trao quyền phát triển.

Từ những trăn trở và trải nghiệm thực tế, cô Sim đã sáng tạo bộ học liệu phát triển nhận thức, ngôn ngữ dành riêng cho trẻ tự kỷ, giúp cá nhân hóa quá trình học tập và điều chỉnh hành vi. Dự án này đã tạo ấn tượng mạnh tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” toàn quốc năm 2024 bởi tính ứng dụng sâu rộng và giá trị nhân văn nổi bật. Thành công của Trung tâm là minh chứng cho hiệu quả của bộ học liệu do cô Sim sáng tạo, một dự án mà chị đã dành trọn tâm huyết, trí tuệ và cả sức lực để thực hiện, với ước vọng mang lại hạnh phúc và tương lai tươi sáng hơn cho những đứa trẻ đặc biệt và gia đình các em.

Hiện nay, Trung tâm Giáo dục Hòa nhập Hoa Hướng Dương đã có hai cơ sở hoạt động tại phường Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh) và phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên), cùng với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý Giáo dục Hoa Hướng Dương. Từ khi thành lập, trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện can thiệp giáo dục đặc biệt cho hàng trăm trẻ em, giúp các em dần dần tự tin hòa nhập cộng đồng.

Dù cơ sở tại Thái Nguyên mới đi vào hoạt động, số lượng trẻ theo học chưa nhiều, nhưng cô giáo Sim không vì thế mà nản lòng. Cô luôn coi việc giáo dục, đồng hành cùng trẻ em là một "sứ mệnh" thiêng liêng và không ngừng nỗ lực để mang lại cơ hội phát triển tốt nhất cho những đứa trẻ cần sự giúp đỡ.

Cô Sim cho rằng, mỗi đứa trẻ đều mang trong mình một tiềm năng riêng biệt, chính sự tin tưởng của cha mẹ vào khả năng của con là điều tuyệt vời nhất giúp các con vươn lên, khám phá và phát triển. Với phương châm "Dùng nhân cách giáo dục nhân cách, lấy trái tim để cảm hóa trái tim", Trung tâm luôn sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ và cùng gia đình kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho các con.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/thap-sang-tuong-lai-cho-tre-tu-ky-2201d57/
Zalo