Cô giáo làm thơ lục bát truyền kinh nghiệm học môn Ngữ văn

Cô Hà Thị Thu Hường, Tổ trưởng bộ môn Trường THPT Trương Định (Hà Nội) truyền đạt kinh nghiệm học Ngữ văn cho học sinh dưới dạng thơ lục bát.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định, Hà Nội trong giờ học trên lớp. Ảnh: Đình Tuệ.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định, Hà Nội trong giờ học trên lớp. Ảnh: Đình Tuệ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra trong các ngày 26-27/6 tới. Đây là năm đầu tiên các thí sinh dự thi theo cả Chương trình GDPT 2018 (đối với học sinh đang học lớp 12) và Chương trình GDPT 2006 (đối với thí sinh tự do). Bộ GD&ĐT cũng đã công bố cấu trúc đề thi minh họa các môn để học sinh nắm bắt và làm quen với định dạng đề thi mới.

Với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, cô Hà Thị Thu Hường - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đưa ra một số lưu ý quan trọng giúp học sinh có thêm kinh nghiệm học tập, ôn luyện bộ môn này. Đặc biệt, cô Hường đã cô đọng những góp ý đó dưới dạng thơ lục bát bằng những vần điệu để học trò dễ thuộc, dễ nhớ.

 Bài thơ lục bát về kinh nghiệm học Ngữ văn được cô Hường sáng tác ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4/2025.

Bài thơ lục bát về kinh nghiệm học Ngữ văn được cô Hường sáng tác ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4/2025.

Cô Hường nhấn mạnh, cấu trúc đề thi mới có ba phần gồm: Đọc hiểu - Nghị luận xã hội - Nghị luận văn học. Ở phần Đọc hiểu đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản về Tiếng Việt. Câu hỏi ở mức độ nhận biết cần trả lời ngắn gọn, câu thông hiểu yêu cầu các em biết cách giải thích ý nghĩa của ngữ liệu đề thi đưa ra.

Trong phần nghị luận văn học, điều đầu tiên học sinh cần lưu ý là phải bám sát đặc trưng thể loại như: Truyện ngắn, thơ, ký, tùy bút, văn bản thông tin, truyện hiện đại... Tiếp đó, thí sinh phải chú ý tới những chi tiết, hình ảnh và biết tổng hợp, đánh giá để nói lên giá trị nghệ thuật và thông điệp hướng đến của tác phẩm.

 Cô Hà Thị Thu Hường - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Trương Định, Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Cô Hà Thị Thu Hường - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Trương Định, Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Ở phần nghị luận xã hội, các em không nên viết quá dài dòng và chỉ giới hạn trong khoảng 50 - 55 phút và chỉ từ 2 - 3 trang giấy thi. Trong đó, học sinh cần biết cách giải thích vấn đề mà đề thi yêu cầu, sau đó đưa ra ý kiến bàn luận, các quan điểm cá nhân của mình cùng những lý lẽ kèm theo đảm bảo đủ sức thuyết phục...

Cô Hà Thị Thu Hường cũng cho hay, thí sinh cần biết hệ thống hóa lại kiến thức một cách khoa học, nhất là nắm vững đặc trưng các thể loại. Đồng thời rèn luyện thường xuyên với các đề thi tham khảo, đề minh họa, đề của các năm trước để tự chấm chữa, bổ khuyết những gì bản thân còn thiếu và yếu. Các em nên lập cho mình thời khóa biểu để ôn luyện một cách hợp lý.

"Trước và trong kỳ thi, các sĩ tử cần giữ sức khỏe ổn định cùng tâm lý thoải mái nhất. Tới ngày thi đến điểm thi đúng giờ, đọc kỹ đề ngay sau khi được phát và viết ra nháp một số ý ban đầu theo yêu cầu đề thi trước khi viết vào tờ giấy thi. Thí sinh cần tuân thủ đúng các quy định trong quy chế thi đã được phổ biến để tránh những lỗi sai không đáng có. Làm bài căn đủ thời gian để đảm bảo giành điểm tối đa cho mình", cô Hường căn dặn thêm.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-lam-tho-luc-bat-truyen-kinh-nghiem-hoc-mon-ngu-van-post729818.html
Zalo