Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào giáo viên

Theo đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh), vận mệnh quốc gia phụ thuộc vào giáo dục, còn chất lượng giáo dục phụ thuộc vào giáo viên.

Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh).

Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh).

Thảo luận tại hội trường sáng 6/5 về dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, nếu xác định như trên thì đừng dành cho nhà giáo thuật ngữ ưu đãi. Họ chỉ cần xã hội đánh giá đúng vai trò đặc biệt của mình với đãi ngộ xứng tầm.

“Chúng ta có cảm nhận, các nhà giáo ngày xưa được tôn trọng hơn bây giờ. Lúc đó họ có điều kiện, tâm huyết với nghề lái đò của mình, không cần suy tính hơn thiệt vì xung quanh không có ai thu nhập nhiều hơn. Nay mọi thứ đã khác, nhiều ngành nghề đã vượt lên, để lại các thầy, cô vẫn ngơ ngác với đồng lương ổn định ở mức không đủ trang trải", đại biểu Bế Trung Anh trăn trở.

Đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, để dạy học, giữ nghề và chứng minh con đường đã chọn, để con cái bằng chúng bằng bạn thì giáo viên phải làm thêm như bán hàng online, thầy giáo đi xe ôm, không ít cô giáo làm “cò đất”. Đại biểu cho rằng, nếu như vậy sẽ chẳng ai trân quý một người không toàn tâm toàn ý với công việc, đặc biệt là việc dạy người.

Theo đại biểu, khi tiền lương dạy học không đủ trang trải cuộc sống, câu hỏi đó len lỏi trong sâu thẳm mỗi giáo viên. Đây là những câu hỏi cần có câu trả lời không chỉ đối với những người làm giáo dục.

Về bạo lực học đường, đại biểu Đoàn Trà Vinh cho biết, gần đây một số vụ việc xảy ra khiến cho định nghĩa về bạo lực học đường trở thành lạc hậu, lỗi thời khi chưa kịp bổ sung hành vi mới. Thầy, cô giáo cũng là nạn nhân của học sinh và phụ huynh.

Dư luận xã hội phần thì nói học sinh có lỗi, phần thì nói do gia đình, nhà trường, do giáo viên. Theo đại biểu, bất kể nguyên nhân từ đâu thì nguyên nhân sâu xa là do chính sách với nhà giáo chưa đảm bảo được cuộc sống thường nhật để họ tập trung vào chuyên môn, sang trọng với nghề, ngạo nghễ với trò và có uy tín với xã hội.

Đại biểu đề nghị Quốc hội không chỉ phê chuẩn, thông qua luật này mà còn phải nỗ lực điều chỉnh gần với thực tiễn hơn nữa để nhà giáo không phải lo cơm áo gạo tiền, chạy bữa để họ tự hào với nghề, toàn tâm toàn ý cho việc dạy dỗ.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chat-luong-giao-duc-phu-thuoc-vao-giao-vien-post729923.html
Zalo