Thảo luận giải pháp thực hiện chỉ tiêu phát triển KT-XH ngành Công thương
BHG - Sáng 14.2, Sở Công thương tổ chức Hội nghị chuyên đề giải pháp thực hiện chỉ tiêu phát triển KT-XH ngành Công thương năm 2025. Đồng chí Triệu Tài Phong, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; thường trực UBND các huyện, thành phố.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, ngành Công thương đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 113,6%, tăng 13,6% so với năm 2023, tăng 8,6% so với chỉ tiêu kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 15,7% so với năm 2023. Hoạt động xuất, nhập khẩu có nhiều chuyển biến tích cực; tổng giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu đạt 308 triệu USD…
Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, không ổn định, nhất là lĩnh vực khai thác khoáng sản và chế biến công nghiệp. Hoạt động xuất, nhập khẩu chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh và phụ thuộc phần lớn vào thị trường phía Trung Quốc. Một số dự án thủy điện dự kiến hoàn thành phát điện trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ…
Năm 2025, ngành Công thương phấn đấu: Tăng chỉ số sản xuất công nghiệp lên 15%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11%; tổng giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu đạt 500 triệu USD; hoàn thành 12 thôn biên giới có điện để đảm bảo tỷ lệ thôn biên giới có điện theo tiêu chí Nông thôn mới đạt 100%.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, tập trung đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm hoàn thành chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2025 của ngành Công thương. Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa sở, ngành, địa phương; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đảm bảo thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra.
Các giải pháp trọng tâm bao gồm: Rà soát, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, khai thác và chế biến khoáng sản hoàn thiện thủ tục hành chính, sớm đưa dự án vào hoạt động; hỗ trợ các nhà máy thủy điện hoàn thiện thủ tục pháp lý nhằm đảm bảo đủ điều kiện phát điện thương mại vào hệ thống điện quốc gia. Đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; xây dựng kế hoạch phát triển chợ giai đoạn 2026 - 2030 và chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư. Tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, các huyện Mèo Vạc, Quản Bạ, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì phối hợp với cơ quan liên quan, bố trí vốn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa điện lưới quốc gia đến 12 thôn biên giới theo kế hoạch…