Tháo gỡ 'rào cản' để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Chiều 14-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
![Các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 14-2. Ảnh: Q.Duy](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_8_51478346/e179dfebeda504fb5db4.jpg)
Các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 14-2. Ảnh: Q.Duy
Tạo lập niềm tin cho thị trường
Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc Chính phủ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên là rất cần thiết khi nguy cơ tụt hậu hiện hữu, cần tăng tốc phát triển kinh tế.
Trao đổi về 5 nhóm giải pháp của Chính phủ để đạt được mục tiêu trên, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, đây là những giải pháp cơ bản, đồng bộ cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, việc tạo lập niềm tin của thị trường rất cần thiết. Khi có niềm tin vào thị trường, doanh nghiệp, người dân sẽ đầu tư, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
![Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) phát biểu: Ảnh: Đình Hiệp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_8_51478346/56aa1e382c76c5289c67.jpg)
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) phát biểu: Ảnh: Đình Hiệp
Vì thế, trong dự thảo đề án cần nghiên cứu bổ sung giải pháp phát triển toàn diện thị trường hàng hóa, dịch vụ, vốn, khoa học công nghệ, bất động sản, lao động. Đại biểu Tạ Đình Thi kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ có các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước hiểu, đồng lòng thực hiện.
![Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_8_51478346/293565a757e9beb7e7f8.jpg)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp
Bày tỏ sự nhất trí cao về các đề xuất cũng như giải pháp của Chính phủ, phân tích 5 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy đầu tư công là rất quan trọng. Vì thế, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng đạt 8%, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện.
![Các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 14-2. Ảnh: Đình Hiệp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_8_51478346/22ff6f6d5d23b47ded32.jpg)
Các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 14-2. Ảnh: Đình Hiệp
Chia sẻ thêm về các động lực tăng trưởng mới, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia… có ý nghĩa quan trọng.
“Việc thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, chú trọng phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số quốc gia sẽ giúp nền kinh tế nước ta tiến kịp và tăng tốc so với các nền kinh tế trong khu vực”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Dành đầu tư công cho sản xuất
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) chỉ ra một số thách thức và đề nghị, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, bắt buộc phải dồn mọi sức lực, vượt qua khó khăn.
“Vừa qua, Chính phủ có Nghị quyết số 25/NQ-CP giao chỉ tiêu tăng trưởng, mỗi địa phương phải tăng trưởng bao nhiêu, mỗi ngành phải hành động gì. Nếu tất cả cùng hành động tạo xung lực, đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra”- đại biểu nhấn mạnh.
![Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_8_51478346/d14c83deb19058ce0181.jpg)
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp
Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, đại biểu đề nghị tháo gỡ rào cản, nhất là về thể chế, hỗ trợ đầu tư tư nhân, giúp khu vực tư nhân phục hồi nhanh. Về đầu tư công giai đoạn 2024-2025, không nên dừng lại đầu tư cho hạ tầng mà phải đầu tư cho sản xuất. Trong đó, cần thúc đẩy tháo gỡ và phát triển về thị trường bất động sản.
![Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_8_51478346/b8c3eb51d91f3041690e.jpg)
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu cũng như thực tế tại Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đại biểu nhấn mạnh yêu cầu quyết tâm cao, giải pháp đột phá và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành cũng như mỗi địa phương. Đặc biệt, phải tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn; nhận diện rõ những khó khăn, thách thức để có giải pháp kịp thời.
Trong đó, với các dự án đầu tư công, các địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, cần “rõ người, rõ việc” trong phân công nhiệm vụ của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương và xác định lĩnh vực cần đẩy mạnh thời gian tới.
![Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_8_51478346/523602a430ead9b480fb.jpg)
Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp
Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp là vấn đề cần hết sức quan tâm. Thực tế hiện nay có những dự án "cứ trình lên rồi lại đẩy xuống", nếu cứ như vậy thì ko thể phấn đấu mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Theo đại biểu, cần có những giải pháp đột phá hơn nữa của từng ngành, địa phương, phải tháo gỡ để đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. “Tiền để trong ngân hàng là đồng tiền "chết", nên phải có những biện pháp khơi thông các nguồn lực đưa vào sản xuất, kinh doanh”, đại biểu nêu ý kiến.
Cơ bản thống nhất với các nhóm giải pháp của Chính phủ, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cũng đề nghị có những giải pháp đột phá hơn. Trong đó, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục, quy định không cần thiết. Đặc biệt, không để phát sinh thủ tục, quy định mới không phù hợp, làm tăng chi phí, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.