Thanh Vân năng động chuyển đổi nghề, chăm lo an sinh

Vốn là xã thuần nông, đến nay xã Thanh Vân (Hiệp Hòa) đã chuyển mình mạnh mẽ. Kinh tế tăng trưởng nhanh, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống nhân dân nâng lên. Trên địa bàn xã xuất hiện những mô hình sản xuất thu nhập cao.

Giải quyết việc làm, tăng thu nhập nhờ phát triển công nghiệp

Trong 5 năm gần đây, Thanh Vân đã nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Xã đã khai thác hiệu quả những lợi thế của địa phương về hệ thống giao thông kết nối trong huyện, trong tỉnh thuận lợi; tiếp giáp với các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên; nguồn lao động dồi dào để phát triển kinh tế.

Số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư trên địa bàn ngày càng tăng giúp giải quyết việc làm, cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân. Cụm công nghiệp Thanh Vân quy mô diện tích 50 ha hiện đã có 3 DN hoạt động ổn định, 4 DN đang xây dựng nhà xưởng. Ngoài ra trên địa bàn xã còn có 14 DN vừa và nhỏ; 161 hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Toàn xã có hơn 4 nghìn người trong độ tuổi lao động thì có hơn 3 nghìn người đang làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp trong xã, trong huyện và các khu công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh; thu nhập bình quân khoảng 10,5 triệu đồng/người/tháng. Số hộ khá và giàu ngày càng tăng, chiếm 60% hộ dân trên địa bàn.

 Cơ sở may Thắng Tưởng, thôn Hoàng Lại tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cơ sở may Thắng Tưởng, thôn Hoàng Lại tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đến thăm cơ sở may Thắng Tưởng ở thôn Hoàng Lại, chúng tôi thấy không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp. Chị Trần Thị Thắng, chủ cơ sở cho biết: "Trước đây tôi chỉ quanh quẩn đồng ruộng, sau đó đi làm ở công ty may mấy năm. Học hỏi được kinh nghiệm về may mặc nên năm 2015 tôi về mở xưởng tại nhà. Từ chỗ chỉ có 3 máy may, đến nay xưởng đầu tư 12 máy; liên kết với xưởng may gia công khác trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất 12-13 nghìn sản phẩm”. Được biết, cơ sở của chị Thắng chuyên sản xuất đồ bộ mặc nhà, phân phối ở chợ đầu mối Ninh Hiệp (Hà Nội). Tại đây, có 12 công nhân thường xuyên làm việc; thu nhập bình quân 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Nhờ năng động chuyển đổi nghề, chị Thắng đã thoát nghèo cách đây 6 năm, có điều kiện kinh tế xây dựng nhà ở khang trang, nuôi dạy các con ăn học. Cách đó không xa, tại thôn Thanh Vòng, Công ty TNHH Đức Bảo chuyên gia công áo khoác cũng nhộn nhịp sản xuất với 20 công nhân.

 Mộ số DN tại Cụm công nghiệp Thanh Vân hoạt động ổn định, tạo việc làm cho người dân trong xã và các xã lân cận.

Mộ số DN tại Cụm công nghiệp Thanh Vân hoạt động ổn định, tạo việc làm cho người dân trong xã và các xã lân cận.

Cùng với công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp của xã cũng phát triển khi năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng; nhờ đó kinh tế, đời sống của các hộ thêm ổn định, vững chắc. Toàn xã hiện duy trì 175 ha trồng lúa; 35 ha trồng rau màu các loại. Tổng đàn vật nuôi hơn 11 nghìn con gia súc, gia cầm và 10 ha nuôi trồng thủy sản. Bà con các thôn mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình trồng lúa nếp cái hoa vàng tại các thôn: Thanh Bình, Thanh Phác, Thanh Lương, Đồng Điểm, Thanh Vòng với tổng diện tích 10 ha. Hay như mô hình trồng ớt ở thôn Hoàng Lại với 15 ha đã giúp các hộ ông Nguyễn Văn Tỉnh, ông Nguyễn Văn Điệp có nguồn thu ổn định.

Giảm nghèo vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ

Sau khi về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2022, Đảng ủy, UBND xã Thanh Vân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hóa… tiếp tục được đầu tư xây dựng và ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Đơn cử như Trường Mầm non xã Thanh Vân được đầu tư xây mới hoàn toàn trên diện tích 12 nghìn m2 ở thôn Đồng Điểm; kinh phí 30 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư, tỉnh, huyện, xã và nguồn vốn hợp pháp khác. Công trình gồm 2 dãy nhà 2 tầng 14 phòng; 1 dãy nhà hiệu bộ 2 tầng; 1 dãy nhà 4 phòng chức năng và khu bếp ăn, khuôn viên cây xanh, khu vui chơi, sân thể thao... được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2023. Hiện nay, cả 3 trường học gồm mầm non, tiểu học và THCS đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 100% đường nội đồng, thôn xóm được cứng hóa.

Xã Thanh Vân có diện tích tự nhiên 418,2 ha với 1.284 hộ dân sinh sống ở 7 thôn. Giao thương thuận lợi, kinh tế phát triển, cấp ủy, chính quyền xã quan tâm lồng ghép các nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội. Gia đình chị Giang Thị Hiền (SN 1981) ở thôn Thanh Lay là hộ nghèo đã nhiều năm. Căn nhà cũ xuống cấp, hư hỏng nhiều khiến gia đình luôn thường trực nỗi lo mỗi khi mưa bão. Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, chị được hỗ trợ 50 triệu xây nhà. Với hộ nghèo như chị, kinh phí đối ứng làm nhà là cả vấn đề. Nắm bắt được nỗi lo của gia đình, cán bộ thôn đã gặp gỡ, vận động người thân của chị chung vai giúp đỡ. Nhờ vậy, công trình được khởi công và hoàn thành cuối tháng 6 với diện tích 70m2, tường gạch, mái tôn, nhà vệ sinh khép kín. Ông Nguyễn Văn Thu, trưởng thôn cho biết: “Thôn còn 2 hộ nghèo. Để công tác hỗ trợ đạt hiệu quả, chúng tôi tổ chức họp, niêm yết công khai danh sách hộ được đề nghị hỗ trợ, bảo đảm khách quan. Cùng đó huy động các hội đoàn thể giúp ngày công lao động. Những ngày thi công dù thời tiết nắng nóng song nhiều đoàn viên, hội viên phụ nữ, thanh niên thường xuyên có mặt, giúp đỡ tháo dỡ, vận chuyển vật liệu”. Phấn khởi khi có căn nhà mới, chị Hiền chia sẻ, một mình chị nuôi hai con đang độ tuổi ăn học. Bản thân sức khỏe yếu nên chị không thể đi làm việc trong công ty mà chỉ quanh quẩn với vài sào ruộng đắp đổi qua ngày, không dám nghĩ đến việc sửa nhà chứ đừng nói đến xây nhà mới. Nay có ngôi nhà vững chắc để ở, mẹ con chị yên tâm khi mùa mưa bão đến. Mới đây, chị vay mượn mua đôi lợn giống về nuôi để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Cùng với chị Giang Thị Hiền, năm nay, xã có 3 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở.

 Cán bộ xã Thanh Vân hỏi thăm tình hình đời sống của chị Giang Thị Hiền (đứng giữa) sau khi được hỗ trợ xây nhà.

Cán bộ xã Thanh Vân hỏi thăm tình hình đời sống của chị Giang Thị Hiền (đứng giữa) sau khi được hỗ trợ xây nhà.

Trong giai đoạn 2021 - 2024, MTTQ xã Thanh Vân đã phối hợp với các tổ chức thành viên hỗ trợ kinh phí cùng hàng trăm ngày công lao động để xây mới, sửa chữa 7 ngôi nhà cho người nghèo, cận nghèo; tổ chức thăm, tặng hàng trăm suất quà dịp Tết Nguyên đán.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhiều chỉ tiêu phát triển KT - XH của xã hoàn thành. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của xã còn 1,25%, vượt chỉ tiêu đề ra. Đây là thành quả của việc thường xuyên quán triệt, triển khai nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp trong cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; thường xuyên đổi mới nội dung, linh hoạt trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; phát huy hiệu quả các phong trào thi đua, khơi dậy sức mạnh nội lực trong nhân dân.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã, số hộ nghèo hiện nay chủ yếu là đối tượng bảo trợ, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên khó tự lực thoát nghèo. Bởi vậy trong thời gian tới, xã tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ các hộ tiếp cận các dịch vụ cơ bản, đặc biệt là được sống trong những ngôi nhà vững chắc, an toàn trong mùa mưa bão, có nguồn thu ổn định. Cùng đó đẩy mạnh truyền thông, khích lệ ý chí vượt khó của người dân; triển khai các giải pháp chống tái nghèo.

Bài, ảnh: Hoài Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thanh-van-nang-dong-chuyen-doi-nghe-cham-lo-an-sinh-085854.bbg
Zalo