Chênh lệch giá HRC giữa Việt Nam và EU tăng gần 60%, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) hưởng lợi lớn

Mức chênh lệch giá HRC giữa thị trường Việt Nam với EU, Hoa Kỳ đang ngày càng tăng lên, qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG).

Mức chênh lệch giá HRC giữa Việt Nam - EU và Việt Nam - Hoa Kỳ (USD/tấn) đang được mở rộng, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen. (Nguồn: Chứng khoán Maybank)

Mức chênh lệch giá HRC giữa Việt Nam - EU và Việt Nam - Hoa Kỳ (USD/tấn) đang được mở rộng, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen. (Nguồn: Chứng khoán Maybank)

Theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán Maybank, mức chênh lệch giá thép cuộn cán nóng (HRC) giữa thị trường Việt Nam với thị trường Liên minh châu Âu (EU) cũng như giữa thị trường Việt Nam và thị trường Hoa Kỳ đang có xu hướng mở rộng ra.

Trong đó, việc EU áp hạn ngạch 15% đối với HRC nhập khẩu kể từ tháng 7/2024 đối với nhóm “các quốc gia khác”, bao gồm Việt Nam, đang làm hạn chế nguồn cung HRC giá rẻ tại thị trường này. Qua đó, trực tiếp đẩy giá bán HRC tại khu vực EU tăng lên.

Dữ liệu của Chứng khoán Maybank cho thấy giá HRC tại EU đã tăng 3% từ đầu tháng 7/2024 đến nay nhưng chênh lệch giá HRC giữa thị trường Việt Nam và EU đã tăng lên đến 58,6% do xu hướng giảm giá HRC tại Việt Nam trong những tuần gần đây.

Tương tự, Hoa Kỳ đang áp dụng thuế đối với thép không nung chảy tại Mexico nhằm chặn nguồn thép giá rẻ từ quốc gia thứ 3 xuất khẩu sang Hoa Kỳ thông qua Mexico. Chênh lệch giá HRC giữa thị trường Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng 40% kể từ đầu tháng 7/2024 đến nay, trong khi đó giá HRC tại Hoa Kỳ lại đi ngang.

Với các diễn biến trên, Chứng khoán Maybank nhận định các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam như Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG), Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG), Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA)… sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ về giá xuất khẩu và biên lợi nhuận gộp.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Cũng theo Chứng khoán Maybank, việc biên lợi nhuận gộp được mở rộng sẽ phản ánh rõ nét vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ, đặc biệt là Tập đoàn Hoa Sen, kể từ cuối quý 3/2024 trở đi.

Lũy kế nửa đầu năm nay, sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen đạt 790.747 tấn, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng trên chủ yếu đến từ việc Tập đoàn Hoa Sen đã đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôn mạ, với tổng sản lượng xuất khẩu tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023.

Bóc tách dữ liệu cho thấy, mặc dù giá vốn hàng bán của Tập đoàn Hoa Sen trong quý 2/2024 đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái do gia tăng sản xuất và chi phí vận chuyển tăng, việc doanh thu phục hồi cùng với các khoản lãi khác cùng giá thép cuộn cán nóng (HRC) đầu vào rẻ đã hỗ trợ biên lợi nhuận của tập đoàn này tăng thêm 2 điểm phần trăm so với quý 2/2023.

Lũy kế 3 quý đầu niên độ tài chính 2023 - 2024, doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen đạt gần 29.163 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ niên độ trước, và lãi ròng đạt 696 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 410 tỷ đồng của cùng kỳ niên độ trước. Với kết quả này, Tập đoàn Hoa Sen đã hoàn thành mục tiêu về lợi nhuận cả niên độ.

Lan Anh

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/chenh-lech-gia-hrc-giua-viet-nam-va-eu-tang-gan-60-tap-doan-hoa-sen--hsg--huong-loi-lon-126436.htm
Zalo