Các doanh nghiệp FDI khó tuyển dụng lao động

Càng về những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp càng lớn, nhất là những doanh nghiệp FDI. Trong khi doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để hấp dẫn lao động thì người lao động, nhất là lao động trẻ lại có tâm lý thờ ơ, hoặc cân nhắc trước những cơ hội việc làm mới. Để giúp doanh nghiệp FDI tuyển dụng lao động, các đơn vị đầu mối, kết nối cung cầu lao động đã có nhiều hoạt động liên kết, mở rộng thị trường, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận, giới thiệu việc làm...

Là một trong hàng trăm doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn Hà Nam có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng không nhỏ, hiện nay, Công ty TNHH YKK Việt Nam, Chi nhánh Hà Nam, tại Khu Công nghiệp (KCN) Đồng Văn III đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động. Nhà máy sản xuất của công ty tại Hà Nam có quy mô lớn, trị giá 160 triệu USD, hoạt động theo cơ chế tự động hóa cao nhưng vẫn duy trì gần 1.000 công nhân làm việc tại các dây chuyền. Việc tuyển dụng lao động thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu thay thế các vị trí cần thiết. Từ nay đến cuối năm 2024, công ty cần tuyển 235 lao động; trong đó, có 200 lao động phổ thông, 35 kỹ thuật viên. Tuy nhiên, theo ông Nagano Kentaro, Giám đốc Công ty TNHH YKK Việt Nam, so với các năm trước, việc tuyển dụng lao động năm nay của công ty gặp nhiều khó khăn do bị hạn chế về nguồn cung lao động. Công ty mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đối với công tác tuyển dụng...

Người lao động làm việc trong Công ty TNHH Qisda Việt Nam, KCN Đồng văn IV. Ảnh: Chu Uyên

Người lao động làm việc trong Công ty TNHH Qisda Việt Nam, KCN Đồng văn IV. Ảnh: Chu Uyên

Cũng tại KCN Đồng Văn III, Công ty TNHH Neweb Việt Nam trong năm nay cần tuyển dụng trên 2.000 lao động phổ thông, 70 lao động kỹ thuật và 50 người cho các vị trí quản lý khác, nhưng đến thời điểm này, công ty mới tuyển dụng được trên 1.000 lao động. Một cán bộ hành chính của công ty chia sẻ: Công ty đi vào hoạt động đã ba năm nay, hiện có gần 3.000 lao động đang làm việc, trong đó 60-70% là lao động địa phương. Để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất, kinh doanh và mục tiêu phát triển, hằng năm, công ty vẫn có nhu cầu lớn về tuyển dụng lao động. Dù vậy, công tác tuyển dụng mỗi năm một khó. Ngay thời điểm này, chúng tôi đang cần tuyển gấp gần 200 lao động vào làm việc để thúc đẩy hoàn thành các đơn hàng cuối năm nhưng cũng chưa thực hiện được.

Khi không được đáp ứng tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là vào những tháng cuối năm 2024. Ông Vũ Duy Tin, cán bộ phòng Quản lý nhân sự, Công ty TNHH YKK Việt Nam, Chi nhánh Hà Nam chia sẻ: Một trong những nguyên nhân làm khó các doanh nghiệp tuyển dụng lúc này chính là gần như không có nguồn tuyển; nhiều lao động khi mới vào doanh nghiệp phải được đào tạo lại tay nghề, ngại việc nên sẵn sàng bỏ cuộc. Cùng với đó, do không chịu được áp lực sử dụng thiết bị, máy móc hiện đại trong quá trình lao động, sản xuất và phải tuân thủ kỷ luật lao động nghiêm ngặt; do mức lương và các khoản thu nhập bình quân chỉ dao động trong khoảng từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng; các dịch vụ xã hội trong các KCN còn hạn chế… chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, khiến nhiều lao động sẵn sàng "nhảy việc", hoặc tìm đến địa phương khác để sinh sống.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam, trên cơ sở khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn cho thấy, nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất may mặc, thiết bị điện tử, gia công… đang thiếu lao động, hầu hết gặp khó trong tuyển dụng. Số doanh nghiệp cần tuyển lao động tay nghề cao tăng lên, trong khi phân khúc thị trường Hà Nam thiếu rất nhiều. Thống kê từ những đơn vị đã khảo sát, lượng lao động còn thiếu, cần tuyển đối với các doanh nghiệp FDI của Hà Nam lên tới trên 15.000 người.

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 400 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, với khoảng trên 6 vạn lao động. Thời gian tới, việc mở rộng sản xuất, có thêm các nhà máy đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam mỗi năm cần tuyển tới hàng nghìn lao động. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lao động tại Hà Nam đang trong tình trạng khan hiếm, sự cạnh tranh nhân lực giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Để chủ động tìm kiếm nguồn lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, hầu hết các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách ưu đãi cả người được tuyển lẫn người đi tuyển khi giới thiệu tuyển được lao động nhưng vẫn chưa tháo gỡ triệt để khó khăn của công tác tuyển dụng...

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Thu Lý (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam) cho biết: Trung tâm đang tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thực hiện kết nối cung cầu, đa dạng hóa hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm để doanh nghiệp và người lao động gặp nhau, cùng giải quyết nhu cầu về việc làm. Trong quá trình tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thực hiện kết nối cung, cầu cho doanh nghiệp và người lao động, từng bước ổn định thị trường lao động Hà Nam, hiện nay, ngoài tăng tổ chức các sàn giao dịch việc làm tại chỗ hoặc đi về cơ sở, trung tâm còn liên kết với một số tỉnh khu vực phía Bắc, tổ chức thêm nhiều phiên giao dịch trực tuyến kết hợp với trực tiếp để giúp các doanh nghiệp có thể tuyển dụng lao động ngoại tỉnh. Ngay trong tháng 9/2024, lần đầu tiên đơn vị sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến giữa Hà Nam và Lai Châu; tổ chức kết nối cung, cầu cho doanh nghiệp và người lao động hai địa phương. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI Hà Nam có tuyển lao động dễ dàng hay không còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách đối với công nhân, qua đó để công nhân thấy sự gắn bó của mình ở doanh nghiệp là xứng đáng và ổn định lâu dài, bền vững.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/cac-doanh-nghiep-fdi-kho-tuyen-dung-lao-dong-135356.html
Zalo