Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng

Bài cuối:
ÐIỂM TỰA CỦA NGƯỜI YẾU THẾ

BPO - Phòng, chống bạo lực gia đình là nhiệm vụ của toàn xã hội và nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 358 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng hoạt động hiệu quả. Mỗi địa chỉ là một mái nhà an toàn, điểm tựa hỗ trợ người yếu thế vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Hệ thống địa chỉ tin cậy tại cộng đồng do các cấp hội phụ nữ thành lập tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trở thành “tấm lá chắn” bảo vệ trẻ em, phụ nữ, những người yếu thế nơi đây được an toàn, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

100% các xã có địa chỉ tin cậy tại cộng đồng

Toàn huyện Bù Gia Mập hiện còn 16 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 6 xã trên địa bàn. Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Hội LHPN tỉnh, bước đầu Hội LHPN huyện Bù Gia Mập ra mắt 3 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ở 3 xã đặc biệt khó khăn. Thành viên bao gồm người có uy tín, các hội, đoàn thể xã, thôn với 79 người, đã đặt 14 nhà tạm lánh ở công an xã và các thôn hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình đến tạm lánh. Từ những mô hình hiệu quả, Hội LHPN huyện Bù Gia Mập đã triển khai đến các xã trên địa bàn thành lập địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Đến nay, 8/8 xã đều có các địa chỉ tin cậy.

Hội viên phụ nữ trao đổi với người dân xã Ðắk Ơ về bình đẳng giới, qua đó nâng cao nhận thức về giới, tạo bình đẳng trong xã hội - Ảnh: Xuân Túc

Sau khi thành lập, các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã phát huy vai trò tham mưu, chủ động lồng ghép, vận động nguồn lực, huy động sự tham gia của các cấp, ngành trong triển khai các hoạt động nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân về ý thức chấp hành pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức các hoạt động cung cấp kiến thức về giáo dục làm cha mẹ, cách chăm sóc, giáo dục con cái, giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình, các kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình…

Các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã đẩy mạnh việc huy động sự tham gia tích cực, tăng dần về số lượng nam giới vào các hoạt động do hội tổ chức để tăng sự cảm thông, chia sẻ của người chồng, người cha trong gia đình. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt, phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng về bạo lực gia đình; kịp thời lên tiếng, phối hợp tham gia giải quyết trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực...

Từ khi thành lập đến nay, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình

Từ khi thành lập đến nay, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình

Năm 2023, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập xảy ra 3 trường hợp bạo lực gia đình, chồng bạo lực vợ, đã tìm đến nhà tạm lánh. Sau khi được tuyên truyền, vận động, tư vấn hòa giải mâu thuẫn đã giúp các thành viên gia đình nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi. Đến nay, hầu hết các gia đình sinh sống hòa thuận, cùng nhau chăm sóc con, phát triển kinh tế và chia sẻ, vận động các gia đình khác thực hiện tốt phòng, chống bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nhân rộng địa chỉ tin cậy tại cộng đồng

Từ những mô hình điểm ban đầu có hiệu quả thiết thực đã tạo sự lan tỏa về thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã được nhân rộng, thành lập mới. Công tác này được các cấp hội phụ nữ và chính quyền địa phương triển khai sâu rộng, từng bước đi vào cuộc sống.

Hội LHPN các cấp trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Hội LHPN các cấp trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Đến nay, Bình Phước đã thành lập được 6 mô hình điểm tại các xã Lộc Phú, Lộc Quang (huyện Lộc Ninh); Phú Văn, Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập); Phước Thiện (huyện Bù Đốp) và Đắk Nhau (huyện Bù Đăng). Ngoài ra, còn có 4 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng điểm cấp huyện ở xã Lộc Thành (huyện Lộc Ninh) và các xã Tân Tiến, Hưng Phước, Thanh Hòa, huyện Bù Đốp. Có những mô hình đã tạo được ấn tượng trong quá trình hoạt động. Điển hình là địa chỉ tin cậy tại cộng đồng của xã Đắk Nhau, đã tiếp nhận và chăm sóc một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trước cửa nhà người dân. Đến nay, đã tìm được gia đình nhận nuôi và rất yêu thương cháu bé.

Các hoạt động cam kết chung tay phòng, chống bạo lực gia đình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân

Các hoạt động cam kết chung tay phòng, chống bạo lực gia đình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Các mô hình này thu hút sự phối hợp, tham gia tích cực của các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng dân cư, người có uy tín và các gia đình. Ban quản lý các mô hình có từ 16-26 thành viên tham gia. Mỗi mô hình được hỗ trợ 15 triệu đồng mua sắm trang thiết bị cần thiết ban đầu. Từ định hướng thực hiện và kinh nghiệm thực tế của mô hình điểm do Trung ương Hội thành lập, Bình Phước đã vận dụng và đạt nhiều kết quả tích cực, nhân rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Nạn nhân bị bạo lực gia đình thường là những người yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp từ pháp luật; tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội. Kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế, chủ yếu là hỗ trợ trang thiết bị ban đầu của Hội LHPN tỉnh khi thành lập mô hình...

Toàn tỉnh hiện có 358 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27/27 vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình đã được các cấp hội phụ nữ và địa chỉ tin cậy tại cộng đồng can thiệp, lên tiếng, tham gia hỗ trợ, giúp đỡ. Trong quá trình hoạt động, các cấp hội đã tổ chức 127 lớp tuyên truyền nâng cao kiến thức cho thành viên mô hình và tuyên truyền viên nòng cốt tại địa phương.

Bà NGUYỄN THỊ THANH TRÚC,
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Phước

Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng là điểm đến của phụ nữ và người dân khi gặp những vấn đề khó khăn. Qua thời gian triển khai hoạt động, mô hình đã khẳng định sự cần thiết và hữu ích đối với cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là bảo vệ trẻ em, phụ nữ, những người yếu thế trong xã hội tránh khỏi bạo lực gia đình. Qua đó góp phần thực hiện tốt hơn công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/162521/dia-chi-tin-cay-tai-cong-dong
Zalo