Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao năng lực để thích ứng trước xu thế việc làm mới
Năm 2025, trước áp lực điều chỉnh chiến lược kinh doanh linh hoạt, doanh nghiệp có xu hướng tập trung tuyển dụng các vị trí đặc thù, bao gồm thay thế và cả tuyển mới.

Nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng, tay nghề chuyên môn tăng cao. Ảnh minh họa: Danh Lam-TTXVN
Năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến cần một lượng lớn lao động, nhất là khi nền kinh tế từng bước phục hồi, doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc. Nhu cầu tuyển dụng không chỉ tăng mạnh ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề mà nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng, tay nghề chuyên môn cao hơn, nhất là ở những ngành nghề trọng điểm.
Những ngành nghề dự báo hút lao động
Năm 2025, trước áp lực điều chỉnh chiến lược kinh doanh linh hoạt, doanh nghiệp có xu hướng tập trung tuyển dụng các vị trí đặc thù, bao gồm thay thế và cả tuyển mới.
Báo cáo thị trường tuyển dụng của TopCV (nền tảng công nghệ tuyển dụng) vừa công bố cho thấy 65,2% doanh nghiệp nhận định việc thúc đẩy kinh doanh và mở rộng thị trường là ưu tiên hàng đầu trong năm 2024 - 2025. Trong đó, một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ tăng 4,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5%; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 3%...
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động trong các ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo và chuyển đổi số như: Lập trình viên, chuyên viên phân tích dữ liệu, kỹ sư an ninh mạng...
Các doanh nghiệp sản xuất và logistics tập trung tuyển các vị trí kỹ sư tự động, quản lý chuỗi cung ứng, chuyên viên quản lý chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu tối ưu hóa quy trình và ứng dụng công nghệ mới. Ngành năng lượng tái tạo, kinh tế xanh phát triển nhanh với nhu cầu cao về kỹ sư môi trường, chuyên gia phát triển năng lượng sạch, quản lý dự án bền vững.
Trên cơ sở tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 là 6,7%/năm, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết: Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2025 của Thành phố sẽ cần thêm khoảng 310.000 - 330.000 lao động. Trong đó, nhu cầu nhu cầu nhân lực mới lớn nhất thuộc về 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,91% tổng nhu cầu; nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 18,6% tổng nhu cầu.
Về trình độ chuyên môn, nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm tỉ lệ 88,11%. Trong đó, lao động có trình độ sơ cấp chiếm 34,61%, trung cấp 20,14%, cao đẳng 14,6% và đại học trở lên 18,76%. Chỉ có 11,89% nhu cầu lao động thuộc nhóm phổ thông.
“Từ khảo sát cho thấy xu hướng thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng yêu cầu nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng cao để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế của thành phố. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với người lao động trong việc nâng cao trình độ, đồng thời cũng là cơ hội cho những ai sẵn sàng trau dồi kỹ năng, tận dụng xu hướng chuyển đổi của nền kinh tế để tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định trong tương lai”, bà Nguyễn Hoàng Hiếu chia sẻ.
Bà Lượng Thị Tới, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động theo hướng hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế, dựa trên nền tảng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.
"Với tầm nhìn trở thành đô thị thông minh, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang chú trọng ứng dụng công nghệ số và dữ liệu dân cư để tối ưu hóa quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống người dân. Do vậy, việc phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao cho người dân thành phố”, bà Lượng Thị Tới chia sẻ.
Linh hoạt, thích ứng với xu thế mới
Thị trường lao động năm 2025 dự báo sẽ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt bởi nhu cầu tuyển dụng cao, cùng với tốc độ chuyển đổi số, sự thay đổi cách làm việc của người lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế và việc trọng dụng người có tay nghề, trình độ cao với mức lương hấp dẫn.
Sự chuyển dịch của nền kinh tế theo hướng số hóa, tự động hóa đòi hỏi lực lượng lao động không chỉ đáp ứng về số lượng mà còn cần nâng cao kỹ năng, chuyên môn để thích ứng với xu hướng mới. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, thị trường lao động Việt Nam đang có những thay đổi sâu rộng; tính linh hoạt và hội nhập sâu rộng cho phép người lao động dễ dàng dịch chuyển và làm việc trong môi trường toàn cầu.
Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, công nghệ phát triển không chỉ kết nối các ngành nghề mà còn mở ra những cơ hội mới, định hình lại thị trường lao động theo hướng hiện đại và số hóa. Công nghệ tiên tiến, môi trường làm việc trực tuyến, quy trình sản xuất thông minh đang làm thay đổi cách thức tuyển dụng, vận hành và phát triển nhân lực.
“Thực tế này đòi hỏi người lao động phải có chuyên môn cao và có nhiều kỹ năng mềm, thích ứng nhanh, chịu được áp lực. Nếu không hội đủ các yêu cầu này, người lao động sẽ đối diện với nguy cơ bị đào thải. Hay nói cách khác, cạnh tranh nghề nghiệp hiện nay không còn dừng lại ở bằng cấp mà nằm ở năng lực thực tế, giá trị đóng góp và tinh thần trách nhiệm”, ông Trần Anh Tuấn nêu rõ.
Để thích ứng trong môi trường làm việc hiện đại và cơ hội phát triển nghề nghiệp, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, người lao động phải không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng, giữ vững đam mê với nghề; cần rèn luyện tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ vào công việc. Đối với sinh viên học sinh, cần xác định rõ tầm quan trọng của việc học tập nghiêm túc, trang bị nền tảng kiến thức vững chắc; cần chủ động tham gia các chương trình thực tập, làm thêm, dự án thực tế hoặc hoạt động ngoại khóa để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết về môi trường làm việc trước xu thế mới.
Liên đến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), bà Nguyễn Thị Thu Phương, đại diện Dịch vụ tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam cho rằng, người lao động cần tập trung vào các kỹ năng chuyển đổi số như: Phân tích dữ liệu, sử dụng AI hay các công cụ tự động hóa đang trở thành yếu tố then chốt, quyết định trong tuyển dụng.
“Thị trường lao động năm 2025 sẽ đầy thách thức, nhưng đồng thời mở ra cơ hội cho những ai sẵn sàng thay đổi và cập nhật bản thân. Hiểu rõ xu hướng, nắm bắt nhu cầu và chuẩn bị kỹ năng phù hợp chính là chìa khóa giúp người lao động thành công”, bà Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.
Theo bà Lượng Thị Tới, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường lao động tại Thành phố có nhiều tín hiệu tích cực, nhu cầu tuyển dụng tăng ở hầu hết các ngành. Nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm những ứng viên có kinh nghiệm, tay nghề vững vàng và khả năng làm việc độc lập.
Tuy nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng tăng cao, nhưng số lượng lao động phổ thông vẫn chiếm phần lớn trên thị trường. Điều này cho thấy, một số thách thức đặt ra, đòi hỏi sự quan tâm và giải pháp từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp. Người lao động không ngừng nâng cao năng lực để thích ứng với thị trường trước xu thế mới.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2025, lực lượng lao động tại thành phố ước đạt 4,93 triệu người, trong đó lao động nữ chiếm 46,75%. Khu vực thành thị tiếp tục thu hút phần lớn lực lượng lao động với tỉ lệ 78%, trong khi khu vực nông thôn chiếm 22%...