Nông dân Phú Thiện làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân huyện Phú Thiện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho thu nhập cao, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Ông Đoàn Văn Thủy (bìa phải; thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ) tiên phong đưa cây dâu tằm về trồng mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Đinh Yến
Ông Đoàn Văn Thủy (thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ) nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi có hơn 4 ha đất trồng mì. Nhờ chăm sóc tốt, nên cây mì của gia đình luôn cho năng suất cao khoảng 20 tấn mì tươi/ha”.
Tuy nhiên, giá cả bấp bênh, cộng với dịch bệnh phá hoại khiến việc trồng mỳ gặp khó khăn, thu không đủ chi phí, nên gia đình ông Thủy và nhiều hộ dân thôn Đoàn Kết đã bỏ cây mì, chuyển sang trồng cây ăn quả.
Thời gian đầu, gia đình ông Thủy cũng như một số hộ dân ở Đoàn Kết chọn cây ổi, bưởi để trồng thay thế cho cây mì. Thế nhưng, cây ăn quả cũng không thể trụ vững do đầu ra không ổn định, sâu bệnh liên tục phá hoại khiến nhiều gia đình mất trắng. Trong khi người dân chưa biết chọn cây gì để trồng thay cây mì và cây ăn quả, thì ông Thủy đã đánh liều quyết định đưa cây dâu tằm vào trồng.
Ông Thủy cho hay: “Năm 2023, tôi quyết định đưa cây dâu tằm vào trồng thay thế toàn bộ diện tích 4 ha đất trồng mì, cây ăn quả. Vì đây là cây trồng mới, nhưng vẫn “đánh cược”, song tôi không khỏi trăn trở, lo lắng. Sau khi đầu tư mua giống dâu về trồng, tôi khăn gói tìm đến các mô hình trồng dâu nuôi tằm ở các huyện Bảo Lộc, Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật. Sau đó, tôi đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây nhà và mua sắm các trang thiết bị nuôi tằm.
Đất không phụ lòng người, lứa tằm đầu tiên đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập 30 triệu đồng, với 2 hộp giống trong thời gian 2 tháng. Thấy việc nuôi tằm cho hiệu quả, tôi nuôi lên 40 hộp giống trong thời gian 2 tháng, sau khi trừ chi phí còn cho lãi được hơn 100 triệu đồng. Năm 2024, tôi nuôi 200 hộp giống tằm, tỷ lệ sống gần 100%, trong thời gian 10 tháng, lãi hơn 300 triệu đồng.
Từ sự thành công của ông Thủy đi tiên phong đưa cây dâu tằm vào thay thế cây mì, cây ăn quả, sau 2 năm, đến nay thôn Đoàn Kết đã có 10 hộ phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích hơn 20 ha trồng dâu. Theo đánh giá, bình quân nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập từ 200-300 đồng/ năm.
Ông Nguyễn Văn Hải-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun Hạ-nhận xét: “Ông Thủy là tấm gương sáng đi đầu trong lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu chính đáng. Để nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương phát triển như hiện nay, vai trò đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông Thủy là rất đáng ghi nhận, biểu dương”.

Ông Phạm Quang Thắng (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake) có thu nhập ổn định nhờ chuyển đổi diện tích trồng lúa nước sang nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Đinh Yến
Bên cạnh tiềm năng về phát triển cây dâu tằm trên đất Ayun Hạ, việc chuyển đổi từ diện tích trồng lúa sang nuôi cá thương phẩm, cá giống và tôm càng xanh của hộ ông Phạm Quang Thắng (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake) cũng đã thành công hơn cả mong đợi.
Ông Thắng cho biết: Vợ chồng rời quê Ninh Bình vào lập nghiệp ở mảnh đất Ia Ake từ năm 1999. Lúc ấy, ông mua được 4 sào đất để trồng lúa nước. Làm lúa nước chỉ đủ lương thực còn kinh tế gia đình rất khó khăn. Sau đó, đến năm 2008, nhờ người bạn ở tỉnh Đắk Lắk chỉ cho cách nuôi cá giống trắm cỏ, chép lai, rô phi đơn tính, ông mạnh dạn đào ao ươm cá giống.
Lứa đầu tiên, cá giống hợp khí hậu, nguồn nước, 4 sào thu được 4 tạ cá giống. Với giá bán trung bình 150 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về hơn 20 triệu đồng, so với trồng lúa lãi gấp đôi.
“Đến năm 2010, tích lũy được vốn, tôi mua thêm 6 sào đất để mở rộng diện tích mặt nước nuôi cá giống. Hiện nay, gia đình tôi có 6 sào nuôi cá giống như: trắm cỏ, trắm đen, chép lai, rô phi đơn tính. Trong năm 2025, gia đình tôi dành 2 sào để nuôi tôm càng xanh, còn 4 sào nuôi cá giống”-ông Thắng thông tin.
Để việc nuôi cá giống và tôm càng xanh đạt hiệu quả, ngoài áp dụng kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, ông Thắng còn vào các tỉnh miền Tây để học hỏi thêm kinh nghiệm. Hàng năm, tôi sử dụng máy móc để múc ao đảm bảo độ sâu mặt nước và xử lý đáy ao bằng vôi bột để hạn chế dịch bệnh. Còn để nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả, ông đầu tư mua 2 chiếc quạt gió loại 12 cánh để quạt nước nhằm tăng tỷ lệ oxy giúp tôm, cá phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn. Đồng thời, mua máy đo độ pH nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nước, đảm bảo môi trường sống an toàn cho các loại thủy sản.

Gia đình bà Trần Thị Hồng Yến (thôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng) thành công nhờ chuyển đổi sang trồng cây ăn trái và chăn nuôi. Ảnh: Đinh Yến
Những năm qua, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả cũng được bà con nông dân xã Ia Peng chuyển sang trồng cây ăn quả, rau màu và chăn nuôi gà bước đầu mang lại thu nhập cao. Trong đó, gia đình bà Trần Thị Hồng Yến (thôn Sô Ma Hang B) là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiêu biểu ở xã Ia Peng.
Trang trại của gia đình bà Yến có diện tích 2 ha kết hợp trồng cây ăn quả, rau an toàn như bồ ngót, cải bắp, cà chua, chăn nuôi gà thịt và đào ao nuôi cá. Bà Yến cho hay, trước đây, diện tích này chủ yếu trồng lúa nước nhưng thu nhập bấp bênh. Sau khi được chính quyền cho đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhận thấy cây ổi, dừa, bưởi, chanh… phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương nên bà đã chuyển sang trồng. Lấy ngắn nuôi dài, bà Yến dành 6 sào đất trồng rau an toàn, 1 sào đào ao nuôi cá lấy nước tưới và nuôi hàng ngàn con gà để bán thịt.
“Bên cạnh kinh nghiệm tích lũy từ các chuyến tham quan, tôi còn nghiên cứu, tìm hiểu trên mạng internet, nhờ vậy, hiện tôi tự ủ phân phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Đồng thời, tôi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, chăm sóc cây theo hướng hữu cơ nên năng suất đạt cao, được thị trường ưa chuộng. Đến vụ thu hoạch, thương lái vào tận vườn thu mua. Với giá bán bình quân hiện nay 20 ngàn đồng/kg ổi, 10 ngàn đồng/kg chanh, 40-60 đồng/kg bưởi da xanh, 100 ngàn đồng/kg gà thịt đã mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 300-350 triệu đồng/năm.
“Thời gian tới, tôi rất mong chính quyền địa phương đứng ra làm đầu mối vận động người trong vùng liên kết mở rộng diện tích, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả và chăn nuôi nhằm tạo nguồn cung sản phẩm ổn định cho thị trường và hỗ trợ tìm đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân”-bà Yến bày tỏ.

Bà Trần Thị Hồng Yến (thôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng) mong chính quyền địa phương đứng ra làm đầu mối vận động người trong vùng liên kết mở rộng diện tích, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả và chăn nuôi. Ảnh: Đinh Yến
Ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện-cho hay: Những năm qua, huyện Phú Thiện đã chuyển đổi gần 2.000 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao như: nuôi trồng thủy hải sản, cây ăn trái kết hợp chăn nuôi, dâu tằm, khoai lang, khoai môn…
Đồng thời, huyện cũng đã thay đổi cơ cấu giống cây trồng trên 4.000 ha, khuyến khích nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 và TBR39 để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.