Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu GRDP năm 2024 tăng từ 7,5-8%
Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 7,5-8%, phục hồi trở lại sau một năm kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn thách thức.
Tại Kỳ họp thứ 13 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X khai mạc ngày 6/12, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2024 đã được đưa ra thảo luận.
Dù dự báo còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên Thành phố Hồ Chí Minh cũng kỳ vọng và đặt mục tiêu tăng trưởng có sự phục hồi tích cực hơn trong năm 2024, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dự kiến tăng 7,5-8%.
Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều biến động khó lường, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh dự báo tình hình trong nước và thành phố còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024.
Tuy nhiên, thành phố cũng có nhiều thuận lợi từ chính sách đặc thù trong Nghị quyết số 98 và các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường đang dần có tác động rõ nét hơn, hiệu quả hơn. Các dự án, công trình đã hoàn thành các thủ tục đầu tư trong năm 2023 sẽ được triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện năm 2024. Môi trường đầu tư kinh doanh từng bước được cải thiện; thu hút đầu tư nước ngoài, tư nhân, đầu tư công... được thúc đẩy mạnh mẽ.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2024.
Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh phải tận dụng tối đa thời cơ, thích ứng linh hoạt, khắc phục những hạn chế, bất cập và dự lường những rủi ro có thể xảy ra. Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh mới có thể đưa “con tàu” vượt chướng ngại vật, tăng tốc về đích hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Để đồng bộ, phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, tập trung khắc phục hạn chế đã được nhận diện, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất xây dựng Chủ đề năm 2024 là “Đẩy mạnh Chuyển đổi Số, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.”
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI có 22/26 chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, tương ứng 31 chỉ tiêu thành phần, Ủy ban Nhân dân thành phố quyết tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện các chỉ tiêu này.
Để việc đánh giá hàng năm được thuận lợi, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị đưa 17 chỉ tiêu lồng ghép vào nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2024; đồng thời cập nhật, bổ sung, điều chỉnh thành 18 chỉ tiêu chủ yếu phù hợp với tình hình năm 2024 và được phân chia thành 5 nhóm: kinh tế, xã hội, đô thị, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh.
Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 7,5-8%, phục hồi trở lại sau một năm kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn thách thức.
Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác như nỗ lực hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; phấn đấu tổng thu du lịch đạt trên 190.000 tỷ đồng; khách quốc tế đến thành phố đạt khoảng 6 triệu lượt; 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ thành phố đến cấp huyện và phường, xã thị trấn; Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu về chỉ số Chuyển đổi Số cấp tỉnh.
Về nhóm đô thị, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ đất giao thông đạt 14,4%, mật độ đường giao thông bình quân đạt 2,4km/km2, diện tích nhà ở xây dựng mới 8 triệu m2, nhà ở bình quân đầu người đạt 22,06m2/người...
Theo ông Võ Văn Hoan, trong năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5,81%; trong đó, có một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng có đà tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 7,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,8%; tổng doanh thu du lịch tăng 22% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến thành phố tăng 44,3%; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 19,4%; hàng hóa thông qua cảng biển tăng 5,59%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 10%.
Nhiều vấn đề bất cập, điểm nghẽn kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...
Kèm theo đó là nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia trên địa bàn có tác động lan tỏa được đưa vào khai thác hoặc khởi công; nhiều dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành sớm so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, đạt kế hoạch đề ra. Hoạt động chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, đứng thứ 2 cả nước về Chỉ số Chuyển đổi Số. Được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á-Châu Đại Dương trao giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc.
Tuy vậy, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá năm 2023 còn nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội có khả năng không đạt kế hoạch đã đề ra. Trong 21 chỉ tiêu thành phần kinh tế-xã hội (của 17 nhóm chỉ tiêu) chủ yếu năm 2023, thì Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt và 8 chỉ tiêu dự kiến không đạt.
Trong số 8 chỉ tiêu dự kiến không đạt có một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng như tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến chỉ đạt 5,81%, trong khi kế hoạch đầu năm là 7,5-8%; thu ngân sách ước đạt 93,53% dự toán.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới... cũng dự kiến không đạt kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế kém thuận lợi, một số thị trường chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của thành phố nói riêng bị ảnh hưởng. Đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm; thu ngân sách chưa đạt dự toán; thu hút vốn FDI giảm.
Việc huy động vốn và dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng thấp; dư nợ tín dụng trên địa bàn diễn biến theo xu hướng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ những năm trước đây; tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng.
Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan do nhiều vấn đề giải quyết chưa dứt điểm; sự hài lòng của người dân ở một số nơi còn chưa cao; phản ứng với các biến động phát sinh trong thực tiễn và đề xuất, triển khai các giải pháp của một số đơn vị trong một số trường hợp còn chậm, chưa kịp thời.../.