Thành phố Hồ Chí Minh cần AI ở 4 nhóm vấn đề lớn
Ngày 24/12, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo 'Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI)' năm 2024.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ này, việc xây dựng một nguồn nhân lực AI chất lượng cao là vô cùng quan trọng.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay về AI có 4 nhóm lớn: thành phố cần AI để quản trị thành phố hiện tại và quản trị thành phố thông minh trong thời gian sắp tới; cần những công cụ về AI để tăng năng suất lao động cho bộ máy chính quyền của nhà nước; cần AI tăng năng suất lao động và hiệu quả cho doanh nghiệp của thành phố; cần AI cho các dịch vụ công để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có hơn 50 trường đại học, học viện. Trong đó, có khoảng 35 trường có chương trình đào tạo công nghệ thông tin-truyền thông.
Tuy nhiên, chỉ có 14 chương trình đào tạo ngành AI, khoa học dữ liệu và kỹ thuật dữ liệu với chỉ tiêu đào tạo chưa đến 1.000 sinh viên đại học.
Trong khi đó, theo khảo sát nhu cầu nhân lực ngành AI, có gần 60% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng chất lượng nhân sự AI hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng; 25% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có đủ nhân sự AI để đáp ứng nhu cầu sử dụng; 25,9% cho rằng chất lượng đào tạo nhân lực AI chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Từ kết quả khảo sát trên có thể cho thấy, nguồn nhân lực AI tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng và số lượng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Cho nên, địa phương này cần tập trung vào việc đào tạo và phát triển nhân sự, nhất là những kỹ năng chuyên môn sâu và cập nhật với những công nghệ AI mới.
Các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước cũng rất cần thiết để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nhân sự AI.
Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI bao gồm các lĩnh vực như học máy, học sâu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và các ứng dụng thực tiễn của AI trong các ngành công nghiệp.
Xây dựng các nội dung đào tạo ngắn hạn trực tuyến (phổ cập AI), khuyến khích các doanh nghiệp và mọi người dân tham gia nâng cao kỹ năng sử dụng AI hỗ trợ cho các hoạt động hằng ngày.
Triển khai xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo...