Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Đồng thời, thông qua cuộc thi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng đa dạng các hoạt động trải nghiệm, thực hành.

Thỏa sức sáng tạo, nghiên cứu khoa học

Sau một thời gian dài ấp ủ, nghiên cứu, 2 em Nguyễn Ngọc Anh Huy (lớp 11C6) và Mai Thủy Tiên (12C3, Trường THPT chuyên Hùng Vương) đã mạnh dạn đưa dự án “Phân nhóm ung thư đại trực tràng dựa trên Deep Learning hình ảnh mô bệnh học trong y học cá nhân hóa” đến với cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11. Với sự sáng tạo và tính ứng dụng cao, dự án đã giành giải nhất tại cuộc thi.

Huy cho hay: Ung thư trực tràng là bệnh phổ biến. Việc chẩn đoán và phân loại chính xác các phân nhóm bệnh rất quan trọng để đưa ra phác đồ điều trị. Vì vậy, chúng em đã nghiên cứu xây dựng chương trình học sâu có hướng dẫn để phân loại ảnh mô bệnh học đối với ung thư trực tràng. Chúng em kỳ vọng, nghiên cứu này sau khi được kiểm nghiệm tại các bệnh viện sẽ phát triển thành ứng dụng thực tế.

 Hai bạn Trương Kiều Vy và Đặng Phương Thanh Hằng-Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Nghĩa An, huyện Kbang) đem dự án “Găng tay cảnh báo an toàn điện” đến với cuộc thi. Ảnh: T.D

Hai bạn Trương Kiều Vy và Đặng Phương Thanh Hằng-Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Nghĩa An, huyện Kbang) đem dự án “Găng tay cảnh báo an toàn điện” đến với cuộc thi. Ảnh: T.D

Xem cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học là sân chơi để thỏa sức khám phá và phát triển năng lực của bản thân, em Nguyễn Hồ Trung Hiếu và Đỗ Hoàng Nhi (lớp 11A1, Trường THPT Chu Văn An, huyện Krông Pa) đã đem tới dự án “Sử dụng Machine Learning để huấn luyện giúp thẻ đeo SOS thông minh hơn trong việc phát hiện các tình huống tai nạn”.

Hiếu cho hay: Trước thực trạng người già có nguy cơ xảy ra tai nạn đột ngột, trẻ em bị bắt cóc, xâm hại… một thiết bị gọi cứu hộ khẩn cấp là vô cùng cần thiết. Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, chúng em đã tận dụng được phần cứng có sẵn trong điện thoại thông minh, từ đó tối giản hóa cấu trúc phần cứng của sản phẩm. Sử dụng app tự động gọi điện, nhắn tin ở bất cứ nơi nào có sóng di động.

Đồng thời, chúng em cũng đã dùng công nghệ AI để cho máy học và từ đó có khả năng tự phán đoán tình huống tai nạn xảy ra với người đeo thẻ. Đây là một hướng đi mới cho dòng sản phẩm SOS trên phạm vi rộng.

Thầy Nguyễn Ngọc Thanh (giáo viên Vật lý, Trường THPT Chu Văn An, huyện Krông Pa) phấn khởi cho hay: “Là giáo viên trực tiếp hướng dẫn, tôi nhận thấy ở các em sự đam mê, sáng tạo và nỗ lực. Khi dự án đạt giải nhì, thầy trò chúng tôi vỡ òa niềm vui. Đây là động lực, là tiền đề để học sinh trường vùng sâu, vùng xa có những bước tiến mới trong lĩnh vực sáng tạo nghiên cứu khoa học”.

Cũng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhóm tác giả Trương Kiều Vy (lớp 9A) và Đặng Phương Thanh Hằng (lớp 9B, Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Nghĩa An, huyện Kbang) đã bắt tay thực hiện dự án “Găng tay cảnh báo an toàn điện”.

Đồng hành cùng học trò trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng, thầy Trần Văn Khương-Giáo viên Toán-chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên nhà trường có dự án tham gia dự thi. Khi học sinh đề xuất ý tưởng, nhận thấy đề tài của các em khá hay và thiết thực, tôi đã khuyến khích các em thử sức ở sân chơi này. Thật bất ngờ khi dự án được Ban tổ chức ghi nhận và trao giải tư. Đây không chỉ là “trái ngọt” mà còn là bước đệm để các em tiếp tục phát triển trong những năm tới”.

Nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) có 162 học sinh thuộc 33 trường và 12 phòng GD-ĐT tham gia với 81 dự án (tăng 6 dự án so với năm học 2023-2024) dưới sự hướng dẫn của 82 giáo viên. Các dự án dự thi ở 5 nhóm lĩnh vực, gồm: Khoa học xã hội và hành vi (40 dự án); Hóa sinh, Kỹ thuật môi trường, Y sinh và khoa học sức khỏe (9 dự án); Năng lượng vật lý, Khoa học vật liệu, Kỹ thuật cơ khí (7 dự án); Robot và máy tính thông minh, Sinh học trên máy tính và Sinh-Tin, Hệ thống nhúng (17 dự án); Phần mềm hệ thống (8 dự án).

Ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi-thông tin: Năm nay, các dự án đã có sự đầu tư theo chiều sâu, có phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp, các minh chứng khoa học về quá trình nghiên cứu được thể hiện rõ trong hồ sơ đăng ký dự thi và sổ tay nghiên cứu khoa học của học sinh. Một số dự án quan tâm đến vấn đề môi trường, vấn đề tâm sinh lý, sức khỏe, vấn đề thời sự, đặc thù của địa phương và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI)...

Nhiều học sinh đã biết khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương, khai thác tiềm năng thế mạnh về lĩnh vực du lịch của Gia Lai trong tương lai. Đây là cơ sở, là nền tảng để giới thiệu và quảng bá nét văn hóa đặc sắc, những hình ảnh của địa phương với công chúng và các nhà khoa học.

 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

“Cuộc thi đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ và khoa học cho học sinh trung học; khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo và khát vọng nghiên cứu khoa học của thanh-thiếu niên; tìm kiếm những ý tưởng khoa học mới, độc đáo, những sáng kiến và giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tiễn”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công nhấn mạnh.

Qua 3 ngày thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 46 dự án xuất sắc để Ban tổ chức trao giải, gồm: 4 giải nhất, 14 giải nhì, 14 giải ba và 14 giải tư. Theo đó, giải nhất đã thuộc về các dự án: “Đánh giá hiệu quả việc sử dụng bộ cẩm nang bằng tranh góp phần giáo dục năng lực cảm xúc xã hội (sel) dành cho học sinh tiểu học trên địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai” của học sinh Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông); “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng công cụ tự động đọc và tóm tắt các bài viết trên mạng xã hội Facebook theo chủ đề được quan tâm về học đường” của học sinh Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku); “Phân nhóm ung thư đại trực tràng dựa trên Deep Learning hình ảnh mô bệnh học trong y học cá nhân hóa” của học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương; “Đánh giá khả năng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và Alzheimer từ cây nghệ bọ cạp (chưa có pháp danh khoa học) trồng ở vườn trường” của học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương.

Ban tổ chức cũng đã công bố 3 dự án xuất sắc nhất đại diện cho tỉnh Gia Lai tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2024-2025 do Bộ GD-ĐT tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 3-2025 tại TP. Hồ Chí Minh.

TRẦN DUNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-tinh-hoc-sinh-trung-hoc-moi-truong-cho-hoc-sinh-sang-tao-nghien-cuu-post307560.html
Zalo