Thanh niên thất nghiệp, không đi học nên tìm việc gì phù hợp?

Tình trạng tỷ lệ thanh niên Việt Nam từ 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo rất cao đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay. Theo các báo cáo từ Cục Thống kê, tỷ lệ thanh niên không học và không làm trong quý I/2025 đã đạt mức 10,4%, tuy có giảm nhẹ so với những năm trước, nhưng con số này vẫn là một lời cảnh báo lớn đối với toàn xã hội.

Sự phân bố không đồng đều giữa các vùng miền

Đặc điểm đáng chú ý của nhóm thanh niên này là sự phân bổ không đồng đều giữa các khu vực. Ở các vùng nông thôn, tỷ lệ thanh niên không học, không làm lên tới 11,7%, trong khi đó ở khu vực thành thị, tỷ lệ này chỉ là 8,2%. Điều này phản ánh rõ sự chênh lệch trong cơ hội tiếp cận giáo dục và việc làm giữa các vùng miền, đặc biệt là ở các khu vực còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh tế.

Tình trạng này không chỉ giới hạn ở khu vực địa lý mà còn có sự khác biệt về giới tính. Phụ nữ trong độ tuổi thanh niên có tỷ lệ không tham gia lao động và học tập cao hơn nam giới, với con số 11,5% so với 9,3%. Đây là vấn đề cần được quan tâm, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến cơ hội phát triển nghề nghiệp của thanh niên nữ mà còn phản ánh sự thiếu công bằng trong các cơ hội xã hội và nghề nghiệp.

Ngành sửa chữa điện lạnh, không chỉ giúp thanh niên có được một công việc ổn định mà còn có thể mở cửa hàng riêng

Ngành sửa chữa điện lạnh, không chỉ giúp thanh niên có được một công việc ổn định mà còn có thể mở cửa hàng riêng

Thiếu định hướng nghề nghiệp

Một yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng này là thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Mặc dù nhiều thanh niên đã hoàn thành chương trình học phổ thông hoặc đại học, nhưng không phải ai cũng đủ kỹ năng và kiến thức cần thiết để gia nhập thị trường lao động. Các ngành nghề yêu cầu tay nghề cao như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí vẫn thiếu hụt lao động, trong khi rất nhiều thanh niên lại không có đủ khả năng tiếp cận các khóa đào tạo nghề chuyên sâu hoặc không đủ năng lực để tham gia vào các ngành này.

Theo các chuyên gia, vấn đề thiếu định hướng nghề nghiệp và thiếu cơ hội học nghề ở nhiều vùng còn nghèo là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thanh niên không học và không làm ngày càng tăng. Một bạn nam 19 tuổi ở Tương Dương, Nghệ An chia sẻ: "Ở vùng miền núi như chỗ em ít có cơ hội học cao hơn và thiếu sự định hướng về việc làm từ gia đình và nhà trường. Vì vậy, sau khi học xong phổ thông, nhiều người chọn xuống thành phố làm phụ hồ hoặc chạy bàn trong các nhà hàng. Công việc không ổn định, thu nhập thấp."

Lựa chọn ngành nghề phù hợp

Trong bối cảnh này, lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân là một trong những giải pháp quan trọng. Nhiều người trẻ hiện nay đã nhận ra rằng đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Các nghề như sửa chữa điện lạnh, đầu bếp, làm bánh, hay các ngành trong lĩnh vực ẩm thực hiện đang trở thành những lựa chọn phổ biến và có thể mang lại thu nhập ổn định.

Ví dụ, ngành sửa chữa điện lạnh, không chỉ giúp thanh niên có được một công việc ổn định mà còn có thể mở cửa hàng riêng nếu có tay nghề giỏi. Các khóa học ngắn hạn hoặc học việc tại xưởng thường là điểm khởi đầu lý tưởng cho những ai muốn theo đuổi ngành nghề này.

Bạn Nguyễn Khắc Toàn, một người làm việc trong lĩnh vực điện lạnh, chia sẻ: "Lúc 20 tuổi, em không biết bắt đầu từ đâu. Sau đó, em vào phụ việc và học một khóa ngắn hạn về sửa chữa điều hòa. Đến nay, công việc của em rất ổn định và thu nhập tương đối tốt, đặc biệt là vào mùa hè."

Ngành ẩm thực, đặc biệt là nghề đầu bếp và làm bánh, cũng đang được nhiều bạn trẻ, đặc biệt là nữ giới, lựa chọn. Với thời gian học nghề ngắn và chi phí hợp lý, ngành này không chỉ mang đến cơ hội việc làm tại các nhà hàng, khách sạn lớn mà còn giúp thanh niên tự kinh doanh nếu có đam mê và sáng tạo.

Ngành ẩm thực, đặc biệt là nghề đầu bếp và làm bánh, cũng đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn

Ngành ẩm thực, đặc biệt là nghề đầu bếp và làm bánh, cũng đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn

Ông Bùi Tiến Dũng, giám đốc Công ty Hướng nghiệp Á Âu, cho biết: "Các khóa học nấu ăn của chúng tôi được thiết kế dành riêng cho hai nhóm nhu cầu: học nấu ăn chuyên nghiệp và học để mở quán kinh doanh. Chương trình đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu giúp học viên không chỉ học kỹ năng nấu ăn mà còn nắm vững cách vận hành bếp và các kỹ năng kinh doanh cần thiết."

Lương khởi điểm cho nghề đầu bếp dao động từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/tháng, có thể tăng lên 20 triệu đến 30 triệu đồng/tháng với kinh nghiệm cao.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng là chìa khóa thành công

Để dễ dàng tìm được việc làm sau khi học nghề, thanh niên cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ giai đoạn đầu. Chọn lựa trung tâm đào tạo uy tín là yếu tố quan trọng giúp trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết. Việc học tập tại các trung tâm giáo dục chất lượng sẽ giúp học viên tiếp cận với giảng viên giàu kinh nghiệm và tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp sau này.

Bên cạnh đó, việc rèn luyện kỹ năng cứng và kỹ năng mềm là rất quan trọng. Kỹ năng cứng giúp mở cánh cửa nghề nghiệp, trong khi kỹ năng mềm sẽ giúp thanh niên thích nghi và phát triển trong môi trường làm việc. Sự kết hợp hài hòa giữa hai loại kỹ năng này là yếu tố quyết định giúp thanh niên thành công trong nghề nghiệp và cuộc sống.

Tỷ lệ thanh niên không học, không làm là một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết. Chính quyền và các tổ chức xã hội cần tạo thêm nhiều cơ hội học nghề, phát triển kỹ năng cho thanh niên, đặc biệt ở các vùng miền khó khăn. Đồng thời, gia đình và nhà trường cũng cần có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng để giúp thanh niên lựa chọn con đường phù hợp, mang lại không chỉ thu nhập ổn định mà còn là cơ hội phát triển bản thân lâu dài.

ĐT

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thanh-nien-that-nghiep-khong-di-hoc-nen-tim-viec-gi-phu-hop-163904.html
Zalo