'Thành lũy lòng dân' nơi biên giới Tây Nam

Với người dân vùng biên giới Tây Nam, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) không chỉ là người bảo vệ bình yên nơi phên giậu của Tổ quốc mà còn gần gũi, thân thiết như con cháu, anh em trong gia đình. Bởi lẽ, ngoài công tác bảo vệ biên giới, các anh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, sẵn sàng sẻ chia với những khó khăn, vất vả trong cuộc sống của người dân. Đặc biệt, thông qua các mô hình: 'Ðảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới'; 'Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo'; 'Nâng bước em tới trường'... cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã giúp nhân dân vùng biên phát triển kinh tế-xã hội và nhận thức rõ hơn về quyền, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Giúp nhân dân xóa nghèo, trẻ em tìm con chữ

Một ngày cuối tháng 4-2025, vượt qua quãng đường hơn 100km, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Bình Thạnh (BĐBP tỉnh Đồng Tháp) vào lúc nhập nhoạng tối. Vừa lúc ấy, Thượng úy Hoàng Trọng Nghĩa, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bình Thạnh cũng trở về với tấm lưng áo ướt sũng mồ hôi. Hỏi chuyện mới biết, anh vừa từ nhà bà Lê Thị Bớt ở xã Bình Thạnh (TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) trở về. “Mấy hôm nay thời tiết nắng nóng, má Bớt bị bệnh nên tôi đưa đi khám, lấy thuốc, nấu cháo cho má ăn. Giờ mới về đến nơi”, anh Nghĩa cho hay.

 Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau dạy học cho con em ngư dân trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: HOÀNG TÁ

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau dạy học cho con em ngư dân trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: HOÀNG TÁ

Thời gian qua, với 3 chị em bà Lê Thị Bớt thì BĐBP chẳng khác nào con cháu trong nhà. Chị và em gái bị tai biến, bà Bớt bị tật ở chân, đi lại khó khăn nên mọi việc đều phải nhờ bà con hàng xóm, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Thạnh. Không chỉ hỗ trợ lương thực, thực phẩm hằng tháng, các anh còn thường xuyên thăm nom, giúp đỡ 3 chị em bà Bớt trong sinh hoạt hằng ngày, từ việc đưa các bà đi khám bệnh, chuẩn bị bữa ăn đến những công việc nhỏ nhặt trong cuộc sống.

“Các cháu ở Đồn Biên phòng Bình Thạnh ngày 3 bận nấu cơm mang sang cho chị em tôi... Ngày lễ, tết, chúng tôi cũng không cô đơn vì luôn có các cháu đến giúp đỡ, từ trang trí, dọn dẹp nhà cửa đến nấu các món ăn ngày Tết, bánh mứt đủ loại. Nhà neo đơn nhưng gia đình luôn ấm áp vì có các con là cán bộ, chiến sĩ BĐBP”, bà Bớt bộc bạch.

Mang theo tình cảm ấm áp của quân và dân miền biên giới Đồng Tháp, chúng tôi xuôi về vùng biển, đảo Cà Mau. Nơi đảo tiền tiêu Hòn Chuối, giữa biển khơi mặn mòi, nơi tưởng chừng chỉ có sóng và gió vẫn vang lên tiếng đánh vần ê a, tiếng giảng bài ấm áp của những người thầy không chuyên mang quân hàm xanh. Không được đào tạo sư phạm bài bản nhưng các chiến sĩ biên phòng nơi đây lại có “giáo án” bằng cả tấm lòng. Từ cách cầm bút, đánh vần, làm phép tính... các anh đều kiên trì chỉ dẫn. “Chỉ cần thấy các em đến lớp đều, ánh mắt sáng lên khi đọc được chữ, viết được tên mình là mọi mệt mỏi tan biến. Chúng tôi xem gieo chữ giữa đảo xa là nhiệm vụ đầy ý nghĩa”, Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối chia sẻ.

Không chỉ dạy chữ, các chiến sĩ còn là người cha thứ hai và đồn biên phòng đã trở thành mái nhà của nhiều trẻ em nghèo nơi cuối trời Tổ quốc. Hiện tại, các đồn biên phòng thuộc Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau đang hỗ trợ 38 em trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”; 22 em là “Con nuôi đồn biên phòng”... Các cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Cà Mau không chỉ hỗ trợ đồng phục, sách vở... mà còn nhận các em làm con nuôi, trực tiếp chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Những việc làm ấy tuy nhỏ bé nhưng là cầu nối nâng những bước chân non nớt vượt qua bùn lầy, sóng dữ, chạm đến tương lai.

Nhân dân chung tay cùng bộ đội bảo vệ bình yên biên giới

Nếu như BĐBP giúp nhân dân thoát nghèo thì nhân dân cũng chính là “tai mắt”, là chỗ dựa vững chắc, là những “pháo đài sống” đồng hành với bộ đội bảo vệ mốc giới và ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia.

Trong hành trình rong ruổi dọc dài miền biên giới Tây Nam, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện thắm đượm tình quân dân. Minh chứng như chuyện nhường đất xây cột mốc của lão nông Dương Văn Phúc, ngụ tại xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Vài năm trước, khi có chủ trương xây dựng 3 cột mốc biên giới (304/1, 304/2, 304/3) và đường tuần tra biên giới đi qua địa phương, ông Phúc đã sẵn sàng giao đất và vận động bà con nhân dân trong xóm ủng hộ. Khi cột mốc hoàn thành, cứ mỗi sáng ra đồng thăm lúa là ông lại tranh thủ lau bụi, dọn cỏ, đắp lại phần đất xung quanh. “Cũng như nhiều bà con sống chủ yếu bằng nghề nông, đất đai là công cụ để nuôi sống gia đình. Nhưng cột mốc, đường biên là để bảo đảm cho người dân, trong đó có gia đình mình được an toàn, bình yên. Các anh đã vất vả ngày đêm gìn giữ cho nhân dân có cuộc sống bình yên, vậy nên tôi chẳng tiếc gì với BĐBP”.

Biên giới quốc gia không chỉ được bảo vệ bằng hàng rào, trạm gác hay những cột mốc sừng sững mà còn được gìn giữ vững chắc bởi lòng dân. Tại An Giang, hơn 10 năm qua, trên những tuyến đường tuần tra biên giới không chỉ có những cán bộ, chiến sĩ biên phòng mà còn có hình ảnh đẹp, dịu dàng nhưng đầy kiên cường của những người phụ nữ. Mặc dù bận rộn với công việc đồng áng nhưng hằng tuần, các mẹ, các chị là thành viên trong “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới” đều cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP đi thăm hết đường biên, cột mốc và tham gia tuyên truyền cho người canh tác đất nông nghiệp gần khu vực biên giới chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt không được tiếp tay cho các loại tội phạm qua biên giới, kịp thời báo tin cho lực lượng BĐBP khi phát hiện đối tượng khả nghi xuất hiện.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang cho biết, thực hiện Phong trào “Toàn dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh xóm, ấp khu vực biên giới”, đơn vị và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp, đồng thời đẩy mạnh “vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”. Việc thành lập các tổ phụ nữ tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; đồng thời phát huy vai trò của phụ nữ trong việc tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, phòng, chống các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ, các hoạt động buôn lậu, mua bán người qua biên giới, tội phạm ma túy, các tệ nạn xã hội, bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần giữ vững an ninh xóm, ấp khu vực vùng biên...

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau dạy học cho con em ngư dân trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: HOÀNG TÁ

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau dạy học cho con em ngư dân trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: HOÀNG TÁ

“Trong 10 năm qua, các tập thể, hộ gia đình, cá nhân, các tổ đăng ký tham gia phong trào luôn duy trì hoạt động hiệu quả, kịp thời cung cấp cho BĐBP tỉnh được 3.197 tin (có 1.617 tin có giá trị, 1.580 tin tham khảo), phục vụ đắc lực trong công tác chỉ huy, xử lý các tình huống. Đây là minh chứng cho sự chung tay của nhân dân, cùng BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Họ như những “cột mốc sống”, trao truyền, tiếp nối để bảo vệ bình yên miền biên viễn Tổ quốc”, Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh.

Tình quân dân nơi biên giới Tây Nam được vun vén, đong đầy qua năm tháng. Đó là bát cơm sẻ nửa, là ly nước mát giữa trưa hè, là tiếng cười con trẻ trong lớp học quân dân, là sự tin cậy tuyệt đối giữa người lính và nhân dân. Chính tình cảm ấy đã làm nên một thế trận biên phòng vững chắc, nơi lòng dân là thành lũy, là phòng tuyến không thể xuyên thủng.

THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/thanh-luy-long-dan-noi-bien-gioi-tay-nam-829233
Zalo