Hồn đất sét bên dòng Thu Bồn
Nép mình bên dòng Thu Bồn hiền hòa, làng gốm Thanh Hà như một dấu lặng thời gian giữa lòng xứ Quảng. Với bề dày hơn 500 năm lịch sử, nơi đây không chỉ lưu giữ kỹ thuật chế tác gốm thủ công lâu đời bậc nhất Việt Nam, mà còn là điểm hẹn văn hóa đặc sắc. Những sản phẩm gốm thô mộc, mang dáng dấp chân quê và độc đáo, đã làm nên tên tuổi làng nghề.

Sản phẩm gốm Thanh Hà rất được du khách ưa chuộng
Đến Thanh Hà, du khách không chỉ chiêm ngưỡng mà còn được trải nghiệm nghệ thuật làm gốm, được chạm tay vào tinh hoa của đất trời và hòa mình vào không gian văn hóa đậm chất Việt.
Tinh hoa từ đất
Làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) được hình thành vào thế kỷ XVI, trong bối cảnh nơi đây là một thương cảng sầm uất và giao thoa văn hóa giữa Việt Nam với các nước phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc.
Theo ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (1802- 1945), gốm Thanh Hà từng được xem là một trong những thổ sản quốc gia, với các sản phẩm tinh xảo được dùng để tiến vua.
Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, gốm Thanh Hà đạt đến đỉnh cao phát triển, khi các sản phẩm không chỉ phục vụ đời sống thường nhật mà còn được xuất khẩu qua các thương thuyền đến nhiều quốc gia.
Người thợ gốm Thanh Hà thời bấy giờ nổi tiếng với tay nghề điêu luyện và được yêu mến bởi phong cách hào hoa, giao thiệp rộng rãi. Hình ảnh của họ đã đi vào thơ ca, hò vè dân gian, trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa Hội An.
Hằng năm, vào ngày 10 tháng 7 âm lịch, người dân Thanh Hà tổ chức lễ giỗ Tổ nghề gốm để tri ân những bậc tiền nhân đã đặt nền móng cho làng, đồng thời cầu mong nghề gốm tiếp tục thịnh vượng.
Một nghệ nhân cao tuổi trong làng chia sẻ: “Nhà tôi làm gốm từ đời này qua đời khác. Gốm Thanh Hà đặc biệt bởi không dùng men, chỉ có màu sành hoặc màu đỏ tự nhiên. Đó là nét riêng biệt mà không làng nghề nào có được. Sự độc đáo này bắt nguồn từ loại đất sét nâu được lấy từ lòng sông Thu Bồn, nổi tiếng với độ dẻo cao và khả năng kết dính vượt trội, tạo nên những sản phẩm vừa bền chắc vừa mang vẻ đẹp mộc mạc, độc đáo”.
Không giống như nhiều làng gốm hiện đại đã chuyển sang sử dụng máy móc hoặc các phương pháp bán thủ công, Thanh Hà vẫn trung thành với quy trình chế tác truyền thống, đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo và tình yêu mãnh liệt với nghề.
Đất sét nâu từ sông Thu Bồn, sau khi được khai thác, phải trải qua nhiều công đoạn xử lý phức tạp trước khi có thể đưa vào tạo hình. Đầu tiên, đất được băm nhỏ, ngâm nước, nhào nhuyễn và dùng chân đạp nhiều lần để đạt độ mịn như bột bánh.
Chị Nguyễn Thị Thủy, một người dân làng Thanh Hà, giải thích: “Quy trình làm gốm ở đây rất công phu vì tất cả đều làm bằng tay. Đất phải nhuyễn mịn, không lẫn tạp chất thì mới tạo hình được. Sau khi tạo hình, sản phẩm được phơi khô cho đến khi chuyển sang màu trắng, rồi mới đưa vào lò nung ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C trong 24 giờ. Nếu đất còn ẩm, sản phẩm sẽ nứt vỡ khi nung”.
Khi ra lò, gốm Thanh Hà mang màu đỏ đặc trưng, với âm thanh vang trong khi gõ, dấu hiệu của chất lượng vượt trội. Sản phẩm chủ yếu phục vụ đời sống hằng ngày, bao gồm chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh và các mô hình con vật.
So với gốm từ các vùng khác như Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng (Bắc Ninh)..., gốm Thanh Hà nhẹ hơn, với kiểu dáng và màu sắc phong phú, mang đậm nét dân dã.
Chị Phạm Thị Mỹ Dung, chủ cơ sở gốm Sơn Thủy, chia sẻ: “Vì làm thủ công, mỗi sản phẩm đều là độc bản. Chúng tôi cũng sáng tạo thêm các mẫu mã mới, tráng men để đáp ứng thị hiếu, nhưng vẫn giữ hồn cốt của gốm Thanh Hà. Sự độc đáo này không chỉ nằm ở kỹ thuật mà còn ở nước men, được các nghệ nhân pha chế theo công thức gia truyền, tạo nên dấu ấn riêng cho từng sản phẩm”.

Du khách trải nghiệm tự tay làm gốm
Hồi sinh nhờ du lịch
Làng gốm Thanh Hà từng trải qua những giai đoạn khó khăn, khi nghề gốm tưởng chừng bị mai một trước sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp hiện đại.
Tuy nhiên, kể từ khi Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng 12.1999, làng gốm Thanh Hà đã đón nhận một luồng gió mới từ ngành du lịch, không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn giúp quảng bá văn hóa và sản phẩm gốm đến với thế giới.
Ngày nay, nhiều gia đình trong làng đã mở cửa đón khách tham quan, tổ chức các buổi giới thiệu về lịch sử làng nghề và quy trình làm gốm. Du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công tinh xảo mà còn có cơ hội tự tay nhào nặn đất sét, tạo ra những món quà lưu niệm độc đáo.
Công viên Đất nung Thanh Hà, nằm gần làng gốm, là một điểm nhấn quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch. Với diện tích 6.000 m², công viên trưng bày các sản phẩm gốm, đồng thời tái hiện các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới bằng đất nung, như Tháp Rùa, Chùa Một Cột, Kim Tự Tháp Ai Cập... Các hoạt động trải nghiệm như làm gốm, tham quan lò nung truyền thống hay chèo thuyền trên sông Thu Bồn càng làm tăng sức hút của điểm đến này. Theo thống kê, công viên đã đón hàng ngàn lượt khách mỗi năm, góp phần đưa hình ảnh gốm Thanh Hà vươn xa.
Năm 2019, nghề làm gốm Thanh Hà được Bộ VHTTDL công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề. Danh hiệu là niềm tự hào của người dân Thanh Hà và là lời khẳng định cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ nhân trong việc gìn giữ nghề truyền thống.
Chị Rhea Müller, du khách đến từ Thụy Sĩ, không giấu được ngạc nhiên và ấn tượng mạnh khi ghé thăm Thanh Hà: “Ngôi làng thật đẹp, cổ kính và mang đậm nét văn hóa truyền thống. Các sản phẩm gốm ở đây thật sự tuyệt vời, tôi rất thích trải nghiệm tự làm gốm”.
Làng gốm Thanh Hà không chỉ là nơi lưu giữ nghề truyền thống mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn hóa Việt Nam và thế giới. Sự kết hợp hài hòa bảo tồn di sản và phát triển du lịch đã giúp Thanh Hà vượt qua thăng trầm lịch sử, khẳng định vị thế là một trong những viên ngọc quý của văn hóa Hội An.