Âm nhạc truyền thống của người S'tiêng

Bài 1:
THANH ÂM CỦA NÚI RỪNG

Cồng, chiêng chính là linh hồn, niềm tự hào của người S’tiêng. Các nhạc cụ khác, dù khác biệt về hình thức vẫn hòa quyện cùng cồng, chiêng, tạo nên tổng thể âm nhạc thống nhất. Âm nhạc S’tiêng là sự hòa quyện, kết nối giữa con người, thiên nhiên và nghệ thuật, thể hiện qua sự đa dạng về thể loại, kỹ thuật và hình thức biểu đạt. Mỗi âm thanh, mỗi nhạc cụ đều mang dấu ấn núi rừng, không chỉ góp phần tạo nên không gian âm nhạc sống động, gần gũi với cộng đồng mà còn khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc S’tiêng.

Cồng, chiêng - niềm tự hào của người S’tiêng

Cồng, chiêng theo tiếng S’tiêng được gọi là gong và ching, để chỉ 2 loại nhạc cụ khác nhau: dàn gong gồm 5 chiếc cồng có núm và dàn ching gồm 6 chiếc chiêng bằng. Tùy từng nhánh tộc và vùng cư trú, người S’tiêng lại có cách gọi khác nhau. Nhóm người S’tiêng Bù Lơ ở Bù Gia Mập, Phước Long, Bù Đăng... sở hữu bộ gong có núm 5 chiếc và dàn ching 6 chiếc. Họ còn gọi bộ ching theo cách của người Việt là đồng la. Còn với nhóm người S’tiêng Bù Dêh ở Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Phú, Hớn Quản, Chơn Thành... sở hữu một dàn cồng có núm 5 chiếc.

Các nghệ nhân xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập thổi Ching kei (chiêng sừng trâu). Ảnh chụp năm 2018

Đội chiêng xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đánh chiêng. Ảnh chụp ngày 30-10-2021

Cồng, chiêng từ xưa được xem là tài sản quý giá, thước đo sự giàu có của các gia đình, dòng họ S’tiêng. Cồng, chiêng có thể được đổi bằng rất nhiều trâu, bò. Già làng Điểu Đố (SN 1932) ở ấp Bù Môn, khu phố Đức Lợi, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng sở hữu bộ cồng cổ, tiếng vang rất đẹp, âm ngân xa, trong và rõ như giọng nói của một người đàn ông dũng mãnh. Già làng Điểu Đố cho biết: “Với người S’tiêng, gia đình, dòng họ nào sở hữu nhiều bộ chiêng quý không chỉ thể hiện sự giàu có mà còn thể hiện sức mạnh, vị thế cao quý trong cộng đồng". Vì giá trị quý giá của cồng, chiêng, người S’tiêng không tùy tiện mượn cồng, chiêng của người khác hoặc cho người khác mượn cồng, chiêng của mình. Nếu mượn mà làm vỡ, hư hại 1 chiếc, người mượn phải bồi thường cả bộ.

Tiết mục múa Bà bóng kết hợp với đánh trống, cồng, lập là tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh. Ảnh chụp năm 2021

Tiết mục múa Bà bóng kết hợp với đánh trống, cồng, lập là tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh. Ảnh chụp năm 2021

Phụ nữ S’tiêng xã An Khương, huyện Hớn Quản biểu diễntiết mục múa Mừng lúa mới, kết hợp với sáo, trống, lập là. Ảnh chụp năm 2022

Hầu như không có lễ hội hay sinh hoạt cộng đồng nào của người S’tiêng mà không có sự hiện diện của cồng, chiêng. Cồng, chiêng được sử dụng trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, hay sau khi hoàn thành những công việc lớn như phát rừng, dọn rẫy, tỉa lúa, thu hoạch lúa, làm nhà... có sự tham gia của cộng đồng. Với quan niệm vạn vật hữu linh, người S’tiêng cho rằng cồng, chiêng cũng có thần linh, trong mỗi chiếc cồng, chiêng đều có “hồn” và thần linh trú ngụ. Các vị thần này càng lâu đời thì càng linh thiêng và có sức mạnh. Âm thanh của cồng, chiêng vang xa khiến các vị thần (sông, suối, núi rừng, linh hồn ông bà đã khuất...) đến thăm. Nếu không có thịt để ăn, rượu để uống, các vị thần sẽ phạt. Vì thế, người S’tiêng không tùy tiện lấy cồng, chiêng ra đánh nếu không có sự kiện. Đặc biệt, khi sử dụng cồng, chiêng, phải luôn có rượu cần và thịt để mời thần linh.

Dinh krieng - nhạc cụ “đồ chơi” của người S’tiêng

Dinh krieng được xem là loại “đồ chơi” được chế tác bằng ống lồ ô sẵn có ở địa phương. Đây là dụng cụ tạo âm, vừa được xem là vật trang trí trong nhà, vật treo trên các cây nêu. Dinh krieng còn được treo trên rẫy để mỗi khi gió thổi lay các ống sẽ tạo âm thanh đuổi chim, thú ăn lúa...

Nghệ nhân Điểu Kiêu, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đánh đàn Đinh toq. Ảnh chụp năm 2021

Cách kích âm của dinh krieng là nhờ vào sức gió thổi làm va đập các ống của nhạc khí tạo nên âm thanh. Dinh krieng của người S’tiêng còn được gọi là chiêng gió, cấu tạo gồm các bộ phận như: Giá treo là một chiếc vòng bằng nan tre uốn hoặc ống nứa nhỏ uốn tròn, đường kính khoảng 20cm. Trên vòng cột 8 sợi dây cân đối nhau, phần dây túm lại một điểm để treo vòng lên. 6 ống nứa (bộ phận chính phát âm) được làm từ duy nhất 1 cây lồ ô (để âm thanh đồng nhất). Tùy ống dài ngắn, to nhỏ khác nhau sẽ được nghệ nhân chế tác cho các âm thanh khác nhau. 6 ống lồ ô được cột vào cái vòng giá treo sao cho ống dài nhất ở giữa, các ống còn lại xung quanh tượng trưng các con ở quanh mẹ và thay cho âm thanh của 6 chiếc chiêng trong dàn chiêng của người S’tiêng.

Dinh jut - tiếng lòng của thanh niên S’tiêng

Đàn dinh jut có 6 dây, tương ứng với dàn chiêng của người S’tiêng. Đàn dinh jut được xem là nhạc cụ dây gảy duy nhất của người S’tiêng. Nhạc cụ này có tính diễn tấu cá nhân, âm thanh nhỏ nhẹ tâm tình. Trước đây, đàn dinh jut rất phổ biến và hầu như thanh niên S’tiêng nào cũng biết làm, chơi đàn dinh jut, nhưng nay thì không còn nhiều người biết làm đàn và chơi đàn.

Theo các già làng, nghệ nhân kể lại, ngày trước, con trai S’tiêng dùng tiếng đàn dinh jut để tâm tình, tự sự, nói lên tiếng lòng của mình với người yêu. Đàn dinh jut như là cầu nối tình cảm của thanh niên nam - nữ, là người bạn thân thiết trong đời sống của thanh niên. Nghệ nhân Điểu Kiêu ở thôn Bù Gia Phúc, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập chia sẻ: "Ngày xưa, thanh niên S’tiêng rất thích mang đàn dinh jut bên mình ngay cả khi đi săn bắn hay lên rẫy. Sau buổi làm rẫy, đến trưa, lúc nghỉ và ngồi chờ vợ (người thân) mang cơm lên, người chồng sẽ gảy đàn dinh jut hoặc buổi chiều tối bên bếp lửa gia đình. Ngoài ra, đàn được sử dụng trong các lễ hội, kết hợp diễn tấu cùng với cồng chiêng".

K’buốt - tiếng kèn đặc trưng của người S’tiêng

K’buốt là nhạc khí thổi hơi có cấu tạo và kỹ thuật chế tác khá phức tạp của người S’tiêng. Nhạc khí cùng loại này khá phổ biến trong các dân tộc ở Tây Nguyên. Người Êđê gọi nhạc khí này là đinh năm, người M’nông gọi là M’buốt. K’buốt của người S’tiêng có cấu tạo và nguyên tắc phát âm gần giống với “kềnh” (khèn) của người H’mông.

Nghệ nhân Điểu Chơn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập thổi khèn M’buốt. Ảnh chụp ngày 20-11-2021

Các nghệ nhân thổi sáo Pi, đánh trống Pi và Lập la trong lễ mừng cơm mới tại An Khương, huyện Hớn Quản. Ảnh chụp năm 2022

Âm thanh của K’buốt sáng, khỏe, đẹp, mượt mà và dày - rền vang hơn các loại nhạc khí thổi khác, do có nhiều ống nên nhiều âm thanh có thể vang lên cùng lúc. Đây là loại nhạc khí thổi được sử dụng thay cho âm thanh của dàn chiêng. K’buốt cũng có thể chơi hòa âm, vì vậy thường được sử dụng để đệm cho các bài hát trữ tình hoặc giao duyên.

Ching kei - nhạc khí vang vọng núi rừng

Ching kei là tên gọi của người S’tiêng cho một loại nhạc cụ làm bằng sừng trâu. Một số dân tộc ở Tây Nguyên cũng sử dụng loại nhạc cụ tương tự: H’nung ky của người M’nông, ky pah của người Êđê, tơ nốt của người Bahnar, tơ đjếp của người Jrai… Tuy nhiên, sự khác biệt của ching kei là được khoét lỗ thổi ngay chính giữa cái sừng trâu.

Các nghệ nhân xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập thổi ching kei kết hợp đánh chiêng (ảnh chụp năm 2018)

Các nghệ nhân xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập thổi ching kei kết hợp đánh chiêng (ảnh chụp năm 2018)

Ching kei (chiêng sừng trâu)

Ching kei (chiêng sừng trâu)

Ching kei là bộ tù và sừng trâu gồm 6 chiếc, có thanh âm tương đương với bộ 6 thanh âm trong bộ chiêng 6 chiếc, để vừa đánh chiêng vừa thổi. Do vậy, khi chế tác, nghệ nhân phải chọn các sừng trâu có kích thước khác nhau để tạo ra những âm thanh như ý, cũng như điều chỉnh âm bằng cách sửa đổi lỗ thổi, chọn vị trí lỗ thổi trên sừng và khéo léo chế tác lưỡi gà theo nguyên tắc: kích thước ống hơi (sừng trâu) càng to thì âm càng thấp, lỗ thổi càng gần đầu nhọn thì âm càng cao… Nghệ nhân sẽ tùy cái sừng được chọn để chế tác ching kei sao cho âm thanh phát ra tương đồng với tiếng của dàn chiêng.

Ching kei có âm lượng khá lớn, có thể vang xa trong núi rừng nên trước đây, người S’tiêng sử dụng để gọi bạn, thông báo tin, hay trong chiến đấu… Vì tính chất của nhạc khí này, người S’tiêng quy định đây là nhạc khí của đàn ông, phụ nữ không được sử dụng.

Trong số các nhạc cụ nêu trên, có những nhạc cụ do chính tộc người S’tiêng sáng tạo, nhưng cũng có những nhạc cụ được học tập, tiếp nhận từ các tộc người khác. Qua thời gian cùng với sự tiếp biến văn hóa, người S’tiêng đã không ngừng sáng tạo nên những nhạc cụ đặc trưng, mang bản sắc của dân tộc mình.

Âm thanh của các nhạc cụ này là âm thanh của núi rừng, của gió, là những tiếng thủ thỉ, tâm tình của lời mẹ đất, cha trời với những người con S’tiêng anh dũng. Đối với âm nhạc người S’tiêng, ngoài cồng, chiêng, các nhạc cụ còn lại hầu hết được chế tác từ những chất liệu thiên nhiên của vùng đất, cũng là một đặc trưng của tộc người, đồng thời thể hiện lịch sử, văn hóa tộc người.

Điểu Lành

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/173021/am-nhac-truyen-thong-cua-nguoi-s-tieng
Zalo