Thanh Hóa: Khởi sắc tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song dưới sự lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo của cấp ủy đảng, sự điều hành quyết liệt, sâu sát của chính quyền các cấp cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Thanh Hóa có nhiều khởi sắc và đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô tạo dấu ấn

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch và đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bắc Giang tăng trưởng 13,85%). Với việc duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm đã giúp quy mô kinh tế Thanh Hóa tính theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Thành phố Thanh Hóa - trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Thành phố Thanh Hóa - trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực vượt 1,9% kế hoạch; đã tích tụ tập trung đất đai được 6.569ha, vượt 6,2% kế hoạch. Chăn nuôi phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Trồng rừng tập trung được 12,4 nghìn héc-ta, vượt 24,5% kế hoạch. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 219,7 nghìn tấn, vượt 3,1% kế hoạch, tăng 1,9%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch... Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tăng 19,25%; có 17/19 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vượt 5,1% kế hoạch và tăng 14,3% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu vượt 4,9% kế hoạch, tăng 23,4%; giá trị nhập khẩu tăng 20,3%. Về lĩnh vực du lịch, tổng lượng khách du lịch năm 2024 ước đạt 15,3 triệu lượt, vượt 10,9% kế hoạch, tăng 22,5% (trong đó khách quốc tế ước đạt 719 nghìn lượt, tăng 16,7%); tổng thu du lịch vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38%; doanh thu vận tải vượt 1,7% kế hoạch, tăng 14,5%...

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 56.735 tỷ đồng, vượt 59,5% dự toán, tăng 31,4% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 7 cả nước, vượt tỉnh Quảng Ninh (Thu ngân sách tỉnh Quảng Ninh năm 2024 đạt 53.271 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Thanh Hóa đến hết ngày 31-12-2024 ước đạt 89,4% kế hoạch, cao hơn 11,8% so với bình quân cả nước (77,6%). Đến ngày 31-12-2024, toàn tỉnh, thành lập mới 3.685 doanh nghiệp, vượt 22,8% kế hoạch, tăng 1,5% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước.

Khởi sắc trở lại vốn FDI

Năm 2024, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 138.856 tỷ đồng, bằng 102,9% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu hút FDI có dấu hiệu khởi sắc sau thời gian có dấu hiệu hụt hơi so với một số địa phương trong khu vực. Năm nay, Thanh Hóa có 18 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 422,9 triệu USD.

Một số dự án FDI lớn đã được khởi động như: Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology - Thanh Hóa vốn đầu tư 55 triệu USD, khởi công dự án Trung tâm thương mại AEON MALL Thanh Hóa (phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa), tổng số vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD... Đặc biệt, bước sang năm 2025, có nhiều dự án lớn sẽ được triển khai khởi công như: Dự án Khu công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa với tổng số vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, dự án điện khí 2,5 tỷ USD tại Khu Kinh tế Nghi Sơn... Tính đến thời điểm hiện nay, Thanh Hóa hiện có 174 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 15 tỷ USD.

Khu Kinh tế Nghi Sơn phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Khu Kinh tế Nghi Sơn phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế và để cụ thể hóa Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng, là cơ sở để địa phương này phát huy vai trò là một cực tăng trưởng mới.Trong năm có rất nhiều dự án quy mô lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư như: tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đầu tư nâng cấp Cảng Nghi Sơn, đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân...

Ngoài ra, các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng các đô thị lớn, hạ tầng khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã, hạ tầng cấp điện phát triển rộng khắp đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống cấp điện, hạ tầng thương mại tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương... cũng đều được Thanh Hóa quan tâm đầu tư, đồng bộ.

Với việc tập trung đầu tư có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa có những bước phát triển đột phá ấn tượng trong những năm qua, đang trên đường trở thành một trong 4 tứ giác phát triển ở phía Bắc Tổ quốc gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Mục tiêu trong năm 2025

Với phương châm hành động "Đoàn kết trách nhiệm - Sáng tạo hiệu quả - Tăng tốc về đích", năm 2025 UBND tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nỗ lực, tăng tốc, bứt phá, phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu.

Du lịch tiếp tục được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa năm 2025.

Du lịch tiếp tục được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa năm 2025.

Theo đó, Thanh Hóa đặt chỉ tiêu trong năm 2025 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 15% trở lên (công nghiệp tăng 18% trở lên; xây dựng tăng 7% trở lên); dịch vụ tăng 8% trở lên; thuế sản phẩm tăng 10% trở lên. GRDP bình quân đầu người đạt 3.750 USD trở lên; tổng giá trị xuất khẩu đạt 8 tỷ USD trở lên; tổng huy động vốn trên địa bàn ước đạt 140.000 tỷ đồng; thành lập mới 3.000 doanh nghiệp; thu ngân sách nhà nước đặt mục tiêu 45.492 tỷ đồng. Về xây dựng nông thôn mới, năm 2025, Thanh Hóa phấn đấu 2 huyện, 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện và 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Số lượng OCOP cấp tỉnh đạt 160 sản phẩm…

Năm 2025, Thanh Hóa tập trung giải quyết các thủ tục hành chính của tổ chức, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm hơn 98% hồ sơ hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp được giải quyết trước và đúng hạn. Số hóa 100% kết quả giải quyết hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở ngành, địa phương; triển khai nhân rộng mô hình "Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ"; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; tổ chức đối thoại với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền; chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, không rõ ràng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...

KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thanh-hoa-khoi-sac-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-nam-2024-813355
Zalo