'Biết chớp thời cơ, thách thức cũng có thể trở thành động lực cho sự phát triển'

Chúng ta chuẩn bị bước vào năm 2025 tăng trưởng bứt phá, cả nước đang hừng hực khí thế mới và động lực mới, tự tin, khát vọng chuyển mình để bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc; 2025 cũng là năm cuối về đích kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và xây dựng định hướng cho giai đoạn 2026 - 2030 trong bối cảnh thực hiện một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hướng tới mục tiêu tăng cường xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Từ đầu năm 2020 đến nay và nhất là năm 2024, tình hình thế giới biến động hết sức phức tạp, nhanh chóng, khó lường; thế giới cũng đã chứng kiến nhiều thay đổi và điều chỉnh có tính thời đại; cục diện chính trị, cấu trúc kinh tế, tổ chức sản xuất và đời sống xã hội toàn cầu đang định hình lại nhanh chóng; cùng với đó là thách thức về xung đột, bất ổn tại một số quốc gia, khu vực; cạnh tranh, bảo hộ, đối đầu giữa các nền kinh tế lớn; cùng với đó là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, đói nghèo…

Diễn biến tình hình thế giới đã tác động không nhỏ, cả trước mắt và lâu dài đến kinh tế - xã hội nước ta. Nhưng chúng ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trong năm 2024.

Đặc biệt ở chỗ là chúng ta đã hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu trong tâm thế tự tin, bản lĩnh, chủ động và khẳng định được tầm vóc, vị thế, uy tín của đất nước trong xu thế phát triển của nhân loại về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Chúng ta đã thực sự gặt hái được những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tạo cơ đồ, vị thế, thời cơ, cơ hội để đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tôi xin nêu 6 vấn đề có tính then chốt và thách thức đặt ra đối với đất nước, cũng như trong công tác tham mưu chiến lược năm 2025, giai đoạn 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như sau:

Tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, tiếp sau Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và Kỷ nguyên đổi mới.

Trong 20 năm tới, nước ta phải tăng trưởng cao, phấn đấu ở mức 2 con số (10% trở lên) để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, cũng là thời kỳ chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của Việt Nam để đạt được mục tiêu Chiến lược đề ra.

Từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương phải xác định mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới; chủ động, linh hoạt hóa giải khó khăn, thách thức, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội cho phát triển, nhất là thời cơ mới có thể xuất hiện giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới; nắm bắt sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, sự định hình những trật tự và cấu trúc mới về đầu tư, thương mại, tài chính. Các vùng động lực quan trọng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (hiện chiếm hơn 60% GDP cả nước) và 2 cực tăng trưởng là Hà Nội và TP.HCM (hiện chiếm 28% GDP cả nước) cũng phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp đón ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA trong chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp đón ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA trong chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC).

Dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều, nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, nhất là nguồn lực tư nhân.

Do vậy, cần tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân; phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc, tổ chức kinh tế hợp tác, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, dẫn dắt cho tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, các địa phương; tháo gỡ ngay những nút thắt, vướng mắc của nhiều dự án, cả Nhà nước và tư nhân để giải phóng ngay nguồn lực bị tồn đọng, ách tắc, lãng phí, từ đó đóng góp đáng kể cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm…

Cần xây dựng những thể chế vượt trội để doanh nghiệp nhà nước khẳng định được vị trí, vai trò chủ đạo và sứ mệnh dẫn dắt, tiên phong trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế.

Đầu tư nước ngoài trong tình hình mới còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, thiếu gắn kết, chưa thúc đẩy chuyển giao công nghệ và cải thiện vị trí của nước ta trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Quản trị quốc gia là vấn đề rất quan trọng nhưng chưa theo kịp xu hướng biến đổi nhanh của thế giới. Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm. Cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế. Vẫn tồn tại những thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, qua nhiều khâu, nhiều cửa, mất nhiều thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực chủ yếu cho phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó là các thách thức về thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Trong khó khăn, thách thức luôn có cơ hội, nếu nhận diện được hoặc chủ động tạo ra cơ hội và biết chớp thời cơ thì thách thức cũng có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.

(Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị tổng kết ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2024. Tiêu đề do Báo Đầu tư Chứng khoán đặt)

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/biet-chop-thoi-co-thach-thuc-cung-co-the-tro-thanh-dong-luc-cho-su-phat-trien-post362317.html
Zalo