Thăng trầm làng đóng xuồng ven rạch Bà Đài
Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng khắp miền Tây. Dù đã mai một nhiều song không ít nghệ nhân vẫn đang bám trụ với nghề cha ông.
Nhớ một thời hoàng kim
Con rạch Bà Đài, thuộc xã Long Hậu dài chừng 2,5km, chảy len giữa hai ấp Long Hưng 2 và Long Hòa. Khoảng chục năm về trước, những trại cưa, xưởng mộc đóng ghe, xuồng nằm san sát nhau dọc hai bờ rạch. Giờ nơi đây chỉ còn khoảng chục hộ gắn bó với nghề này.
Ông Thái Thành Kiểm (66 tuổi), từng có xưởng đóng ghe, xuồng, rồi cũng phải bỏ mà đi làm thuê.
"Tôi cũng như người dân rạch Bà Đài không ai nghĩ phải bỏ nghề vì đây là nghề cha truyền con nối. Bản thân tôi cũng là thế hệ thứ hai của gia đình theo nghề. Nhưng giữ xưởng không nổi", ông Kiểm buồn bã nói.
Ông Kiểm kể, làng nghề ghe xuồng ven rạch Bà Đài đã trên trăm năm tuổi. Tổ nghề của làng là cụ Phạm Văn Thuông (tục gọi là cụ Sáu xuồng cui, sinh năm 1875, mất năm 1945).
Tương truyền, ông Sáu vốn là thợ mộc nay đây mai đó, đi cất nhà mướn cho cư dân khắp xứ. Khi về làm mướn ở làng Long Hòa, ông nên duyên với một cô gái ở xứ này.
Sẵn tay nghề thợ mộc lại sống ở vùng sông nước, ông đã tự tay đóng một chiếc xuồng cui dùng để đi giăng câu, thả lưới trên kênh rạch.
Thấy chiếc xuồng cui tiện lợi, nhiều người nhờ ông đóng giùm, rồi người dân khắp vùng cũng tìm đến đặt hàng, học nghề.
Thế là từ những chiếc xuồng cui nhỏ chỉ dùng để giăng câu, giăng lưới trên đồng ruộng, kênh rạch, nghề đóng xuồng, ghe ở Bà Đài phát triển với nhiều loại hình khác nhau như ghe bầu Cái Răng, xuồng Cần Thơ, ghe Cà Vom An Giang, xuồng ba lá Long An, Tháp Mười… theo nhu cầu của khách hàng.
"Ngày ấy, ghe xuồng xuất xưởng tấp nập, sản xuất ra không kịp giao cho khách. Vào mùa nước lũ, không chỉ người dân ở Đồng Tháp, mà các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long... đều đến đặt mua. Nhiều thương lái mỗi lần đặt hàng trăm chiếc để bỏ mối và bán lẻ cho người dân ở vùng lũ và biên giới Campuchia", ông Kiểm nhớ lại.
Từ xuồng bé đến ghe to
Ông Nguyễn Văn Tốt (Bảy Tốt, 65 tuổi, ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung) cho biết, ghe, xuồng Bà Đài được đánh giá là đẹp hơn một số nơi khác đóng.
Ông vẫn nhớ, khoảng những năm 2010, khách khắp miền Tây tấp nập đến Bà Đài mua ghe, xuồng, các xưởng làm không kịp bán. Làng nghề không chỉ đóng xuồng ghe cỡ nhỏ mà còn đóng nhiều loại ghe trọng tải lớn hàng chục đến trên 100 tấn dùng để chở lúa.
"Còn nhớ năm đó, có một vị khách ở tận Cà Mau lên đặt tôi chiếc ghe trọng tải 150 tấn để trung chuyển hàng hóa.
Khi đó, trong rạch Bà Đài, ai nấy đều ngán ngẩm đơn hàng này. Tôi mạnh dạn nhận lời rồi cùng mấy chục anh em làm suốt 3 tháng để chiếc ghe hạ thủy an toàn", ông Bảy Tốt chia sẻ.
Ông Bảy Tốt bắt đầu làm nghề đóng xuồng, ghe từ năm 15 tuổi và cũng được coi là thợ giỏi bậc nhất trong ấp. Tuy vậy, ông cũng từng có thời phải bỏ nghề để làm việc khác kiếm tiền nuôi gia đình.
"Những năm 1970 - 2000, quanh rạch có 10 nhà thì đến 9 nhà làm nghề đóng xuồng, tiếng cưa tiếng đục nhộn nhịp ngày đêm. Nhưng giờ đây, 10 trại thuyền thì 9 cái bỏ hoang rồi, thợ phải chuyển nghề, làm việc khác", ông Bảy Tốt xót xa kể.
Những năm đầu ế ẩm, chủ các trại ghe vẫn còn vốn liếng và nuôi hy vọng một ngày có khách trở lại. Vì vậy, những chiếc ghe nằm bờ vẫn được che chắn, giữ gìn cẩn thận. Nhưng 3 năm, 5 năm, rồi 10 năm vẫn không ai đến hỏi, những chiếc ghe dần bị bỏ mặc gió mưa tàn phá.
Quyết giữ nghề truyền thống
Trăn trở với nghề, ông Bảy Tốt tìm hiểu và quyết định chuyển sang làm xuồng, ghe cỡ nhỏ phục nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Năm 2012, ông khởi nghiệp đóng xuồng, ghe mô hình để trưng bày hoa quả.
Đầu tiên, ông đóng đủ một bộ sưu tập tất cả các kiểu xuồng ghe của vùng sông nước Nam Bộ cho một khu du lịch ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Tiếng lành đồn xa, sản phẩm của ông Bảy Tốt được nhiều nơi đến đặt hàng.
"Nghề của cha ông, mình bỏ không đành. Không bán được xuồng thật, tôi nghĩ ra việc làm xuồng mô hình, cũng là cách để bảo tồn nghề", ông chia sẻ.
Đến nay, ông đã làm được gần như đầy đủ mô hình các loại ghe, xuồng từng bơi trên sông nước Cửu Long. Hiện trong xưởng nhỏ của ông ở cuối con rạch Bà Đài trưng bày đủ mô hình các loại ghe xuồng miền Tây với kích thước bằng 1/10 so với hàng thật.
Không chỉ dừng lại phát triển các dòng sản phẩm lưu niệm, hiện nay nhiều khách hàng cũng đến đặt hàng với các sản phẩm mới như: bồn tắm cho các khu du lịch, xuồng mi ni dùng thay cho các chậu cắm hoa, trưng bày tại các công trình đường hoa Tết.
Hàng tháng, xưởng của ông Bảy Tốt sản xuất từ 40 - 50 chiếc xuồng ghe mini các loại, mang đến thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/thợ/tháng.
Cũng sản xuất xuồng ghe mini, theo ông Thái Thành Kiểm, làm xuồng mô hình khó hơn nhiều, tốn công gấp 5 - 10 lần làm xuồng thật, đòi hỏi khắt khe từ tay nghề thợ đến chất lượng gỗ.
Nguyên liệu dùng để làm xuồng, ghe mi ni là cây mù u, lõi cây mít và lõi cây me tây. Những loại này thường rất bền và có màu sắc tự nhiên nên rất đẹp.
Mỗi sản phẩm, tùy kích cỡ sẽ có thời gian hoàn thành từ 2 - 20 ngày và giá cũng dao động từ 400.000 – 6.000.000 đồng/sản phẩm.
Còn anh Nguyễn Văn Tâm (34 tuổi), người thợ trẻ tuổi nhất làng nghề chia sẻ: "Sự đón nhận của mọi người là động lực giúp chúng tôi tiếp tục theo đuổi và quyết tâm giữ nghề truyền thống. Xuồng ghe chạy dưới nước qua thời hoàng kim thì du lịch sẽ là cánh cửa mới của làng nghề".
Định hướng phát triển bền vững
Ông Trần Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Long Hậu cho biết, trước đây, mỗi năm xã cho xuất xưởng khoảng 20.000 chiếc xuồng, ghe các loại, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động thường xuyên ở địa phương.
Năm 2005, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định công nhận nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài là làng nghề truyền thống của tỉnh.
Đến tháng 4/2015, làng nghề được Bộ VH, TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2016, địa phương thành lập Tổ liên kết sản xuất thủ công mỹ nghệ xuồng ghe thu nhỏ để phục vụ cho khách tham quan du lịch và điểm trưng bày được đặt tại nhà ông Bảy Tốt.
"Để duy trì và phát triển làng nghề đóng xuồng ghe, xã sẽ đề nghị huyện hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, tích cực phối hợp mở lớp đào tạo cho số thợ trẻ có đam mê, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi...", ông Hùng cho hay.