Tham vấn ý kiến đối với Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi)

Dự kiến ngày 25/02 tới, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) sẽ phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo 'Tham vấn ý kiến đối với Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi)'.

Tòa án nhân dân tối cao họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập mở rộng Dự án Luật phá sản (sửa đổi). Ảnh: ST

Tòa án nhân dân tối cao họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập mở rộng Dự án Luật phá sản (sửa đổi). Ảnh: ST

TANDTC cho biết, thực hiện Nghị quyết số 59/2024/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, TANDTC được phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

Việc xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tuyên bố phá sản và thanh lý kịp thời những doanh nghiệp, hợp tác xã không còn khả năng phục hồi. Giải quyết vụ việc phá sản hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thủ tục, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Dự kiến ngày 25/02/2025, TANDTC sẽ phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế tổ chức Hội thảo "Tham vấn ý kiến đối với Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi)".

Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi. Ảnh: ST

Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi. Ảnh: ST

Hội thảo nhằm đánh giá tính phù hợp, tương thích đối với các quy định mới của Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) với quy định của các nước, tham vấn ý kiến góp ý của các chuyên gia quốc tế và trong nước về nội dung của Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), đặc biệt là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Hội thảo dự kiến sẽ có sự tham dự của khoảng 60 đại biểu gồm thành viên Ban soạn thảo, biên tập Dự án Luật; một số đơn vị của TANDTC; đại diện một số Bộ, ngành; đại diện Quản tài viên; đại diện cơ sở đào tạo từ một số viện, trường đại học; Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam; đại diện một số TAND là các Thẩm phán có kinh nghiệm giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại, phá sản...

Đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo gồm đại diện Tổ chức tài chính quốc tế (IFC); Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA),...

Nội dung Hội thảo xoay quanh việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia về Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và những chính sách lớn của dự án Luật Phá sản (sửa đổi), gồm: Xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng thủ tục phục hồi rút gọn, thủ tục phá sản rút gọn; xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quản tài viên, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản; hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản để khắc phục những vướng mắc, bất cập và phủ hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, Hội thảo làm rõ thêm một số vấn đề có ý kiến khác nhau và góp ý các điều khoản cụ thể của Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi)./.

THANH TRANG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tham-van-y-kien-doi-voi-du-thao-luat-pha-san-sua-doi-38195.html
Zalo