Trồng chuối thu tiền tỷ
Chuối, trong tâm niệm của tôi luôn là loại quả ngon, bổ, nhưng rẻ 'như cho'. Vì thực tế chuối luôn nằm trong tốp những loại quả rẻ nhất ở Việt Nam. Nên khi có thông tin ở tổ dân phố Chiểm (thị trấn Quân Chu, Đại Từ) có nhiều gia đình thu tiền tỷ trong vụ bán chuối vừa qua, tôi lập tức đến đây tìm hiểu.

Chị Bàn Thị Hồng chăm sóc vườn chuối.
Đến thăm mô hình kinh tế gia đình chị Bàn Thị Hồng, trước mắt chúng tôi là vườn chuối tiêu hồng, chuối tây rộng 2ha có cây vẫn còn buồng, có cây đang thời kỳ phát triển.
Chị Hồng chia sẻ: Gia đình tôi trồng chuối được 5 năm, là một trong những hộ đầu tiên đưa giống chuối tiêu hồng về với đất Chiểm. Nay ở tổ dân phố Chiểm đã có đến 50% số hộ trồng chuối. Những năm trước, mỗi vụ tôi thu về 300-400 triệu đồng, nhưng năm vừa rồi giá chuối bất ngờ tăng cao gấp 2-3 lần/buồng (đạt 300-400 nghìn đồng/buồng), do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều diện tích chuối trên địa bàn bị hư hại nặng nề khiến nguồn cun hạn chế. Rất may, diện tích của gia đình tôi chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, mất khoảng 300 buồng nên doanh thu bán quả đạt gần 1 tỷ đồng (trong đó gồm cả nguồn thu từ gần 300 gốc bưởi), trừ chi phí thu lãi 800 triệu đồng.
Nhìn cơ ngơi khang trang, vườn bãi được quy hoặc gọn gàng, khoa học, chúng tôi hiểu vợ chồng chị Bàn Thị Hồng hẳn có tư duy sắc bén trong phát triển kinh tế chứ không chỉ trồng cây ăn quả theo phong trào, được chăng hay chớ. Bên ấm trà nóng tỏa hương thơm dịu, chị Hồng nói về việc trồng và chăm sóc cây chuối cũng lắm công phu, vất vả.
Chị bảo: Cây chuối thường dễ mắc các bệnh như thối nhũn thân, củ, sâu lá, nấm lá, nấm thân… Nhiều gia đình không biết cách chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh nên thất bại. Hằng ngày, tôi luôn sát sao, ngoài việc xới gốc, bón phân, tỉa lá còn phải quan sát, kịp thời phát hiện cây nào có bệnh sẽ xử lý ngay không để lây lan. Những dụng cụ để chăm sóc, xử lý cây bị bệnh cũng cần riêng biệt chứ không dùng chung cho việc chăm sóc các cây khác.
Không chỉ biết trồng chuối, chị Hồng còn chịu khó học hỏi kỹ thuật tạo ra giống cây chuối mới (mô chuối) để tiếp tục trồng cho các vụ sau và bán cho những hộ có nhu cầu mua giống. Từ ngày trồng chuối, chị Hồng chưa bao giờ phải mang ra chợ bán mà đều có thương lái đến tận nhà thu mua.
Ở tổ dân phố Chiểm, mọi người còn nể trọng chị Bàn Thị Hồng vì đảm việc nhà và giỏi việc xóm. Vợ chồng chị Hồng có 2 người con, 1 cháu đang học năm 2 đại học; một cháu học lớp 12 đều ngoan ngoãn, học giỏi, gia đình chị liên tục đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Chồng chị Hồng làm cán bộ chủ chốt xã Cát Nê, công việc bận rộn cũng cuốn lấy anh nên gần như không có thời gian đỡ đần vợ, nhưng chị vẫn sắp xếp, bố trí thời gian khoa học để vừa chăm sóc tốt gia đình nhỏ, phát triển kinh tế, vừa làm tốt vai trò Bí thư Chi bộ tổ dân phố Chiểm.
Mới ở tuổi 40, nhưng chị Hồng đã có 2 nhiệm kỳ giữ cương vị này. Chị cùng các đồng chí trong Chi ủy đoàn kết, đưa ra những nghị quyết hợp với lòng dân, nhanh chóng đi vào cuộc sống đưa tổ dân phố Chiểm ngày càng phát triển. Đáng chú ý là việc vừa khánh thành nhà văn hóa mới với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng, phần lớn do nhân dân trong xóm đóng góp; con đường vào tổ được đổ bê tông, mở rộng 6m, trong đó có sự gương mẫu đi đầu hiến đất của gia đình chị Hồng với gần 300m2.
Nhìn người phụ nữ dân tộc Dao với gương mặt rặng rỡ, nước da trắng hồng, giọng nói dịu dàng, tôi càng thêm nể trọng những gì chị đã và đang làm. Bằng niềm đam mê lao động, không quản nắng, mưa bên vườn chuối, vườn bưởi để hằng năm thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng; bằng nhiệt huyết, trách nhiệm của người “thủ lĩnh”, chị có đủ đức, tài để lãnh đạo 12 đảng viên trong Chi bộ tổ dân phố Chiểm đoàn kết, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc xây dựng Chi bộ nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ.