Công nghiệp bán dẫn Việt Nam trước cơ hội 'trăm năm có một'

Đó là đánh giá về cơ hội ngành bán dẫn Việt Nam của TS Lê Quang Đạm, CEO Marvell Technology Việt Nam tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam toàn cầu 2025 đang diễn ra tại Google châu Á - Thái Bình Dương (Singapore).

Sự thay đổi của ngành công nghiệp bán dẫn Việt

Trong hơn 20 năm qua, ngành công nghiệp thiết kế vi mạch của Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh chóng. Theo TS Lê Quang Đạm, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vào tháng 9/2023, động lực thúc đẩy hợp tác công nghệ cao giữa hai nước là rất lớn, trong đó chủ đạo là công nghiệp bán dẫn.

CEO Marvell Technology thống kê đến năm 2025, Việt Nam đang có khoảng 60 công ty trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, sự phân bổ của các công ty là không đồng đều, khi 85% các doanh nghiệp đang đặt trụ sở tại TPHCM. Trong khi đó, miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, cùng với Thủ đô Hà Nội có tốc độ phát triển nguồn nhân lực từ 3% đến 30%.

TS Lê Quang Đạm tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam toàn cầu. Ảnh: Ngô Vinh

TS Lê Quang Đạm tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam toàn cầu. Ảnh: Ngô Vinh

So với năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 30 kỹ sư trong lĩnh vực thiết kế. Nhưng chỉ trong 5 năm, từ 2005 đến 2010, số lượng kỹ sư bán dẫn Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Dự báo trong năm 2025, Việt Nam có khoảng 6.000 kỹ sư trong ngành thiết kế tiên tiến.

TS Lê Quang Đạm nhận định: Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu có 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030, trong đó, 15.000 cho lĩnh vực thiết kế. Điều này đòi hỏi phải có sự đầu tư và nỗ lực lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cụ thể, số lượng kỹ sư tăng trưởng phụ thuộc vào nguồn cung ứng nhân lực bán dẫn. Marvell kỳ vọng trong giai đoạn hiện tại, tốc độ tăng trưởng có thể đạt khoảng 20%. Mục tiêu là đến năm 2030 có 50.000 nhân lực công nghiệp bán dẫn, trong đó 35.000 cho sản xuất và 15.000 cho khâu thiết kế, tương ứng một năm cần đáp ứng từ 1.000 đến 3.000 sinh viên thiết kế.

Cơ hội trăm năm có một

TS Lê Quang Đạm đánh giá đây là cơ hội “trăm năm có một” để bán dẫn Việt Nam phát triển giữa bối cảnh mâu thuẫn địa chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp. Nghị quyết 57 đã đưa ra định hướng và mục tiêu phát triển rõ ràng đối với khoa học công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp vi mạch.

Sự quyết tâm của các doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng, đặc biệt trong khoa học kỹ thuật - lĩnh vực đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa “chính sách của Chính phủ, chương trình đào tạo của trường đại học và sự đồng lòng, cam kết từ phía các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước”.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất tốt. Cơ hội này không tự đến mà chúng ta phải tạo ra”, ông Lê Quang Đạm khẳng định. “Chúng ta có một chiến lược rõ ràng, có sự quan tâm từ Chính phủ và các kỹ sư người Việt hay gốc Việt, nhân tài trong ngành hay ngoài ngành, cũng cần đoàn kết lại để cùng nhau tạo ra giá trị cho đất nước”.

TS Lê Quang Đạm là Giám đốc kỹ thuật của Marvell Technology tại Silicon Valley trước khi về nước năm 2013 để thực hiện sứ mệnh xây dựng Văn phòng Marvell Việt Nam “từ con số không”.

Suốt hai thập kỷ làm việc ở nước ngoài, CEO Marvell Technology Việt Nam từng gắn bó với những tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghiệp như Miranda Technologies, Gennum, ATI Technologies, AMD, Broadcom, Marvell Technology.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-nghiep-ban-dan-viet-nam-truoc-co-hoi-tram-nam-co-mot-2373527.html
Zalo