Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục

Tư tưởng, phương pháp, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay. Thấm nhuần tư tưởng ấy, lấy làm tấm gương soi đường cho giáo dục Việt Nam trong giai đoạn mới là điều được đặc biệt nhấn mạnh, cũng là đòi hỏi với ngành Giáo dục nước ta.

Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”

Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”

Sáng 12/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025); 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư đầu tiên gửi học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo (15/9/1945 - 15/9/2025) và 80 năm thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục, nay là Bộ GD-ĐT (28/8/1945 - 28/8/2025).

Làm sáng rõ giá trị trường tồn trong tư tưởng Hồ Chủ tịch về giáo dục

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh rằng: Hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phương pháp, phong cách giáo dục hiện đại mà đậm đà giá trị truyền thống của Người, thực sự là nền tảng, kim chỉ Nam định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam. Đó là triết lý “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Đó là tầm nhìn: “một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Đó là phương châm: “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ”; “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Đó là phương pháp: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Đó là mục đích: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”.

“Trong chặng đường 80 năm kể từ ngày thành lập Nước, nhất là gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc, kiên định quán triệt và thực hiện tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, với chủ trương xuyên suốt coi “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Nền giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, để đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”, Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhắc đến bài viết với tiêu đề “Học tập suốt đời”của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân. Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Để tiếp nối tinh thần chỉ đạo này, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương mong muốn các đại biểu dự hội thảo tập trung phân tích, luận giải và làm sáng tỏ hơn nữa ý nghĩa cũng như giá trị trường tồn trong tư tưởng, phương pháp, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo. “Hội thảo hôm nay, những giá trị trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo sẽ lan tỏa, chuyển hóa mạnh mẽ vào chủ trương, đường lối, chính sách và thực tiễn tổ chức, vận hành nền giáo dục Việt Nam, góp phần làm nên những thắng lợi mới của nền giáo dục và đào tạo; đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao - nguồn lực, động lực quan trọng nhất để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, vì một Việt Nam “hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”, sánh vai với các cường quốc năm châu, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng cháy bỏng của dân tộc”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Ngành Giáo dục tự soi, tự sửa

Chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc và đánh giá vai trò của giáo dục, vì vậy ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đó cũng chính là thể hiện sinh động sự kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh".

Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, ngành GD-ĐT càng cần phải thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Trưởng ngành Giáo dục đã đưa ra 4 nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, để ngành tự soi, tự sửa trên quy mô lớn.

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ thêm di sản của Hồ Chí Minh về giáo dục. Với di sản càng lớn càng sâu sắc thì mỗi ngày chúng ta lại nhìn thêm những ánh lấp lánh từ di sản ấy. Ngành Giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành, nhất là trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên. Với học sinh nói chung, nhất là học sinh phổ thông, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập 5 điều Bác Hồ dạy một cách thường xuyên và hiệu quả.

Thứ hai, làm theo, thực hiện và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học, như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm “học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung để trở thành người có ích cho xã hội”… Theo đó, ngành Giáo dục sẽ tăng cường giáo dục rèn luyện năng lực tự học, kỹ năng học tập không ngừng, học tập số, ứng dụng số, nâng cao năng lực số, năng lực đổi mới sáng tạo cho người học, tạo ra lớp người mới biết ứng phó và thích ứng với các thách thức của thời đại, của trí tuệ nhân tạo và bùng nổ tri thức.

Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ. Tiếp tục học tập theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc không ngừng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và khát vọng dân tộc, nâng cao cả dân trí và dân khí…

Thứ tư, tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới. Xây dựng đội ngũ nhà giáo cần mẫu mực, theo tinh thần “mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, với tinh thần và phẩm chất dấn thân và hy sinh, dù khó khăn tới đâu cũng phải ra sức thi đua dạy tốt, học tốt…

Minh Anh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tham-nhuan-tu-tuong-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-giao-duc.html
Zalo