Tham gia giao thông - 'một điều nhịn, chín điều lành'
Khởi tố, tạm giữ hình sự - đó là cái giá đắt phải trả cho tài xế xe Lexus ở Hà Nội có hành vi ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.
![Các mâu thuẫn phát sinh khi tham gia giao thông có thể giải quyết một cách nhẹ nhàng, văn minh, nếu mỗi người biết nhường nhịn, kiềm chế và giữ bình tĩnh. Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_294_51476054/7fe7a634947a7d24246b.jpg)
Các mâu thuẫn phát sinh khi tham gia giao thông có thể giải quyết một cách nhẹ nhàng, văn minh, nếu mỗi người biết nhường nhịn, kiềm chế và giữ bình tĩnh. Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức
Những ngày qua, vụ việc tài xế xe Lexus hành hung nam nhân viên giao hàng (shipper) ở Hà Nội khiến dư luận xã hội hết sức bất bình, phẫn nộ. Hình ảnh trích từ camera an ninh lan truyền trên các mạng xã hội cho thấy tài xế này đánh đập không thương tiếc người giao hàng, thậm chí còn lấy mũ bảo hiểm của shipper để làm vật hành hung. Vụ việc sau đó được UBND thành phố Hà Nội giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm. Ngay sau khi công văn ban hành, Công an quận Tây Hồ thông tin đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự tài xế này.
Theo hình ảnh trích xuất từ camera, hồi 12 giờ27 phút ngày 10/2, tại ngách 50, ngõ 310 đường Nghi Tàm (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội), một người đàn ông lái xe ô tô Lexus đã đánh, đấm liên tiếp vào mặt một thanh niên điều khiển xe máy. Việc hành hung chỉ dừng lại khi có sự can ngăn của một số người đi cùng ô tô.
Tối 11/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Tây Hồ đã quyết định khởi tố vụ án, quyết định tạm giữ hình sự đối với tài xế ô tô là Tống Anh Tuấn (sinh năm 1982, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân vụ việc chỉ vì xuất phát từ va chạm giao thông nhỏ nhưng đã phát sinh mâu thuẫn và dẫn đến việc Tuấn đánh anh L.X.H bằng chân, tay, mũ bảo hiểm gây thương tích.
Điều đáng nói những hình ảnh phản cảm, vô văn hóa khi tham gia giao thông không phải là điều hiếm gặp. Ngày 2/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Giao Thủy (Nam Định) đã quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Ngọc Tuân (sinh năm 1980, trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Phạm Văn Tuyên (sinh năm 1982, trú tại huyện Giao Thủy, là em trai Tuân) do đã đánh anh V.Đ.T. (sinh năm 1987, trú tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) vì mâu thuẫn khi tham gia giao thông.
Chỉ ít ngày trước, một vụ "thượng cẳng chân" đã xảy ra ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình khiến cho một người đàn ông chết sau va chạm giao thông, còn đối tượng hành hung là Hoàng Trung Hiếu (30 tuổi, trú tại xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn) bị khởi tố để điều tra về hành vi dùng chân đá vào đầu người va chạm giao thông với mình.
Trước đó, ngày 30/12, do va chạm giao thông tại giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn - đường NE8 (đoạn qua phường Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương), Lê Văn Hiền (sinh năm 1986, quê An Giang) đã đánh anh N.T.B. (sinh năm 1986, quê Thanh Hóa) một cách dã man cho đến lúc anh B bất tỉnh. Do vết thương quá nặng, anh B đã tử vong.
Các cụ ta có câu "cả giận mất khôn", "một điều nhịn, chín điều lành". Việc nóng giận sẽ dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát, mâu thuẫn nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả lớn, gây tổn hại về mặt vật chất, tinh thần và cả tính mạng con người, ảnh hưởng đến trật tự công cộng và văn minh xã hội, tạo ra môi trường giao thông không an toàn.
Ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông không chỉ là việc tuân thủ các quy tắc luật lệ giao thông, mà còn thể hiện qua thái độ và cách chúng ta đối xử với những người tham gia giao thông khác. Một hành vi thiếu kiềm chế, một lời nói thiếu suy nghĩ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Các vụ xô xát, hành hung do mâu thuẫn trong tham gia giao thông không chỉ là lời cảnh tỉnh về sự xuống cấp của văn hóa giao thông, mà còn cho thấy sự thiếu kiên nhẫn, thiếu văn hóa trong ứng xử của một bộ phận người dân. Những hành vi ấy cần phải nghiêm trị, ngoài xử phạt bằng tiền cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự, đảm bảo tính răn đe.
Các mâu thuẫn phát sinh khi tham gia giao thông có thể giải quyết một cách nhẹ nhàng, văn minh, nếu mỗi người biết nhường nhịn, kiềm chế và giữ bình tĩnh. Việc giáo dục và nâng cao nhận thức về ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông là điều hết sức cần thiết. Chỉ cần một hành động nhỏ như nhường đường, xin lỗi khi có va chạm, giữ bình tĩnh khi gặp sự cố là đã có thể ngăn chặn những tình huống căng thẳng, góp phần xây dựng một xã hội giao thông văn minh, giảm thiểu xung đột và đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.
Còn nhớ cách đây chưa đầy một tháng, báo chí đã đưa tin về việc một nam học sinh trên đường đạp xe đi học do không để ý đã va vào đuôi chiếc ô tô đậu bên đường Mẹ Thứ, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Cậu bé ngã ra đường và rời đi. Ít phút sau, nam học sinh quay lại và dán vào đuôi xe một mảnh giấy ghi lời xin lỗi chủ xe: "Con xin lỗi vì đã làm xước xe của bác. Con đi học không chú ý nên đụng". Kẹp phía sau tờ giấy là một tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng.
Hành động của cậu bé gây xúc động trong cộng đồng và nhận được nhiều lời khen ngợi về tinh thần nhận trách nhiệm khi vô ý làm xước chiếc xe, ngay cả khi chủ xe không có mặt ở đó. Tuy nhỏ tuổi nhưng hành động và thái độ ứng xử của nam sinh khiến nhiều người lớn phải suy nghĩ. Cậu bé thực sự là tấm gương đẹp khi tham gia giao thông. Nhiều bạn đọc bình luận rằng, một hành động nhỏ của cậu mà có ý nghĩa lớn lao, có sức lan tỏa cho cộng đồng, cho những người hay hành xử không đúng khi xảy ra va chạm giao thông.
Quả thực, văn hóa giao thông không phụ thuộc vào tuổi tác hay trình độ, mà nó nằm trong lối ứng xử của mỗi con người!