Thăm căn cứ Rừng Sác - chiến khu huyền thoại giữa vùng nước ngập mặn
Trong tháng Tư lịch sử, các đoàn cựu chiến binh từ nhiều nơi trở về căn cứ Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.HCM) - nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác để ôn lại ký ức hào hùng.

Cách TP.HCM khoảng 50km, căn cứ Rừng Sác nằm lọt thỏm giữa cánh rừng ngập mặn và hệ thống kênh rạch. Đây từng là nơi ẩn mình của các chiến sỹ đặc công, và cũng chính là nơi huấn luyện, lên kế hoạch, tổ chức những trận đánh táo bạo trong kháng chiến chống Mỹ.

Trước thềm kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các đoàn cựu chiến binh từ nhiều địa phương đã có mặt tại căn cứ Rừng Sác để tưởng nhớ những chiến sỹ đã nằm lại sau cuộc chiến khốc liệt. Trong khi đó, nhiều người trẻ cũng có mặt để trải nghiệm du lịch sinh thái, tìm hiểu lịch sử, hun đúc lòng yêu nước cũng như tri ân những thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác ra đời năm 1966 với tên gọi Đặc khu Quân sự Rừng Sác với mật danh T10. Đơn vị có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá, chiếm giữ khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy của Mỹ. (Trong ảnh, những ngày gần đây, Tượng đài các chiến sỹ Đặc công Rừng Sác luôn ngập tràn hương, hoa).



Từ năm 2004, căn cứ cách mạng Rừng Sác đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Tại khu vực căn cứ năm xưa, những mô hình phục dựng lại như lán trại, hầm, đường hành quân, mô phỏng trận địa chiến đấu… giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về sự gian khổ của người lính năm xưa.

Trong ảnh là mô hình các chiến sỹ tại nhà cảnh vệ. Tại căn cứ, cảnh vệ được thiết lập 2 vòng để bảo an toàn. Vòng ngoài gồm những bãi chông cọc đước, đá, chông đinh, mìn và hỏa lực đánh chặn từ xa: Vòng trong bố trí các quả mìn để sẵn sàng đánh bật quân địch tiếp cận vào căn cứ. Trong suốt suốt 9 năm chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ vệ binh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho căn cứ.


Dù trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác là đơn vị độc lập, hoạt động sâu trong vùng sông nước. Do đó, thông tin liên lạc giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Các tổ thông tin sử dụng máy PRC25 - chiến lợi phẩm thu được từ Mỹ - Ngụy để duy trì liên lạc hai chiều. Trong quá trình chiến đấu, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nhưng tuyệt đối không để lộ mật mã hay thất lạc tài liệu, góp phần bảo đảm thông tin thông suốt, làm nên nhiều chiến công vang dội.

Nhắc đến Đặc công Rừng Sác là nhắc đến những trận đánh táo bạo, trong đó nổi bật nhất là trận tập kích kho xăng Nhà Bè - một “mắt xích” quan trọng trong hệ thống hậu cần của địch. Kho xăng này rộng 14 ha, gồm 72 bồn chứa, trong đó gần một nửa có sức chứa hơn 10 triệu lít xăng. Đáng nói, kho xăng được bảo vệ với 12 lớp rào, tường cao 3,5m; giữa các lớp rào có mìn, lính tuần tra liên tục ngày đêm... Ở bên ngoài, địch còn bố trí chó và hệ thống đèn pha, tháp canh, đường tuần tra...



Thế nhưng, sau khoảng thời gian thám thính, tìm phương án, các chiến sĩ Đặc công Rừng Sác đã đột nhập thành công, đặt mìn vào nhiều bồn chứa rồi rút lui. Sau đó, kho xăng phát nổ dữ dội, cháy suốt 12 ngày đêm, gây thiệt hại khoảng 12 triệu USD cho địch.



Ngoài trận đánh mang lại chiến công vang dội nêu trên, các chiến Đặc công 10 đã tham gia gần 400 trận đánh, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, đánh chìm các loại tàu, thuyền chiến đấu, tàu vận tải, bắn rơi máy bay trực thăng… Để có được những chiến công, hàng trăm chiến sỹ đã hy sinh. Trong căn cứ ngày nay, hình ảnh các chiến sỹ đặc công cùng nhiều hiện vật, tư liệu được trưng bày giúp các thế hệ hiểu hơn về những chiến công thầm lặng, tinh thần quả cảm.


Chú Hà Ngọc Thẩm, hội viên Hội Cựu chiến binh quận Gò Vấp (TP.HCM), cùng các đồng đội về thăm chiến khu Rừng Sác, xúc động chia sẻ: “Chiến tranh ở đâu cũng ác liệt, nhưng để sống và chiến đấu tại Rừng Sác thì còn gian khổ gấp nhiều lần. Dưới sông là cá sấu, trên trời máy bay địch, bốn bề là vòng vây... Vậy mà các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ, lập nên những chiến công hiển hách. Chúng tôi thực sự khâm phục và ngưỡng mộ tinh thần thép của những người lính năm xưa”.

Anh Lê Mạnh Hùng (Hà Nội) tranh thủ dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã vào TP.HCM, ghé thăm chiến khu Rừng Sác. Anh chia sẻ, bản thân cũng là người lính nên phần nào thấu hiểu những gian khổ mà các chiến sĩ năm xưa phải đối mặt. Anh mong rằng, căn cứ năm xưa sẽ trở thành địa chỉ đỏ để người trẻ hiểu hơn về những hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh.

Đến với Rừng Sác, khách du lịch được đi dưới những tán đước, bần mát rượi, len lỏi giữa rừng ngập mặn xanh thẳm.

Ngoài ra, người dân, du khách có thể trải nghiệm đi ca nô xuyên qua các con rạch ngoằn ngoèo trong Rừng Sác để cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn của vùng đất từng là chiến khu lừng lẫy một thời - nơi ghi dấu biết bao chiến công và hy sinh của bộ đội đặc công.





Đặc biệt, hàng trăm chú khỉ tinh nghịch chạy nhảy khắp nơi quanh chân du khách tạo nên nét thú vị riêng của căn cứ Rừng Sác. Những chú khỉ ở đây rất dạn dĩ, thậm chí có phần ranh mãnh khi nhanh tay giật kính, mũ hay túi đồ của khách rồi phóng vút lên cây. Muốn “chuộc” lại, du khách phải thương lượng bằng chuối, trái cây hay vài món ăn vặt mà khỉ yêu thích.