Thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Tọa lạc tại Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh là nơi lưu dấu bước chân đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của Bác.

Tọa lạc tại số 1 đường Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh, bên bờ sông Sài Gòn, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa chỉ lịch sử có ý nghĩa đặc biệt trong hành trình tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu từ thời Pháp thuộc, mà còn là nơi gắn liền với dấu ấn ngày 5/6/1911 - khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên tàu Đô đốc Latouche-Tréville rời Bến Nhà Rồng, bắt đầu hành trình 30 năm tìm đường cứu nước.

 Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 1 đường Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 1 đường Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh.

Tiền thân của bảo tàng là trụ sở của hãng vận tải Messageries Maritimes - Tổng công ty Vận tải Hoàng đế của thực dân Pháp, được xây dựng từ năm 1863. Công trình có kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa phong cách phương Tây và hình tượng văn hóa phương Đông, đặc biệt là đôi rồng chầu mặt trời đặt trên mái. Đây chính là điểm khiến nhân dân quen gọi nơi này là “Bến Nhà Rồng”. Vị trí chiến lược của công trình tại cửa ngõ giao thương đường thủy Sài Gòn - Gia Định thời bấy giờ đã khiến nơi này trở thành một địa danh quan trọng trong lịch sử đô thị Sài Gòn.

Hướng ra sông Sài Gòn là tượng Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước do Điêu khắc gia Phạm Mười thực hiện.

Hướng ra sông Sài Gòn là tượng Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước do Điêu khắc gia Phạm Mười thực hiện.

Vào ngày 5/6/1911, tại chính nơi này, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để rời Tổ quốc, mở ra hành trình gian nan nhưng vĩ đại kéo dài suốt ba thập kỷ, đi qua hàng chục quốc gia và châu lục, để tìm con đường chân chính đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ, lầm than. Hành trình đó đã đặt nền móng cho sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng Việt Nam và dẫn dắt đất nước đi đến thắng lợi trọn vẹn vào năm 1975.

 Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Nguyễn Văn Ba trên con tàu Amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước.

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Nguyễn Văn Ba trên con tàu Amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước.

Mô hình con tàu Amiral Latouche Tréville.

Mô hình con tàu Amiral Latouche Tréville.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã quyết định bảo tồn di tích này và biến nơi đây thành bảo tàng lịch sử - văn hóa để giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng. Ngày 5/6/1979, nhân kỷ niệm 68 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh chính thức được thành lập. Trải qua hơn bốn thập kỷ hoạt động, bảo tàng không ngừng được đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa nhằm phục vụ công tác bảo tồn di sản, giáo dục lịch sử và phục vụ cộng đồng.

Nội dung Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 được trưng bày trang trọng trong không gian trưng bày của bảo tàng.

Nội dung Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 được trưng bày trang trọng trong không gian trưng bày của bảo tàng.

Với giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc và văn hóa, năm 2012, Di tích Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, nơi đây đón tiếp hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, học tập. Nhiều tổ chức quốc tế, học giả, nhà nghiên cứu đã chọn bảo tàng làm điểm khởi đầu khi muốn tiếp cận tư tưởng và cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không gian trưng bày bên trong bảo tàng hiện diện nhiều tư liệu, hình ảnh và kỷ vật mang dấu ấn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không gian trưng bày bên trong bảo tàng hiện diện nhiều tư liệu, hình ảnh và kỷ vật mang dấu ấn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ năm 2023, bảo tàng đã bắt đầu triển khai mạnh mẽ chương trình số hóa hiện vật và không gian trưng bày. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại như ảnh 3D, thuyết minh tự động, bảo tàng ảo, tra cứu trực tuyến..., du khách trong và ngoài nước có thể tiếp cận kho tư liệu phong phú từ xa, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự chủ động của bảo tàng trong việc thích ứng với xu hướng bảo tàng thông minh, hiện đại, đồng thời góp phần gìn giữ lâu dài các giá trị lịch sử và văn hóa của di sản Hồ Chí Minh.

 Nội dung bức thư gửi đồng bào cả nước năm 1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nội dung bức thư gửi đồng bào cả nước năm 1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hiện nay, bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày hàng nghìn hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các không gian trưng bày được thiết kế khoa học, giàu tính biểu tượng, giúp người xem dễ dàng hình dung hành trình hoạt động cách mạng của Bác từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến khi lãnh đạo đất nước giành độc lập, thống nhất. Một số nội dung trưng bày tiêu biểu bao gồm: hành trình ra đi năm 1911, quá trình hoạt động ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan; thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; hình ảnh Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác.

Mô hình căn nhà lá của gia đình Bác Hồ ở Nghệ An.

Mô hình căn nhà lá của gia đình Bác Hồ ở Nghệ An.

Bên cạnh đó, bảo tàng còn có không gian tưởng niệm trang trọng để khách tham quan, đoàn thể, học sinh, sinh viên, cán bộ đến dâng hương, tưởng nhớ Người. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các nghi lễ kết nạp Đoàn, Đảng; sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều hiện vật quý được lưu giữ tại đây như chiếc xe Peugeot từng gắn bó với Bác, các tài liệu gốc, vật dụng sinh hoạt, hình ảnh ghi lại những thời khắc quan trọng trong cuộc đời của Người.

Chiếc xe Peugeot 404 do một Việt kiều gửi tặng đã được sử dụng để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1969.

Chiếc xe Peugeot 404 do một Việt kiều gửi tặng đã được sử dụng để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1969.

Dịp lễ 30/4 vừa qua, hàng nghìn người dân từ khắp nơi đổ về Bảo tàng Hồ Chí Minh để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từng đoàn khách, trong đó có nhiều gia đình, học sinh và cựu chiến binh, xếp hàng tham quan các tư liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Không khí trang nghiêm, xúc động lan tỏa trong khuôn viên bảo tàng, đặc biệt tại các khu trưng bày về hành trình tìm đường cứu nước và công cuộc giành độc lập dân tộc.

 Khách tham quan đến bảo tàng để khám phá hành trình cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khách tham quan đến bảo tàng để khám phá hành trình cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không chỉ là nơi lưu giữ ký ức dân tộc, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh còn là điểm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Trong tương lai, bảo tàng đặt mục tiêu phát triển thành một thiết chế văn hóa kiểu mẫu của cả nước - nơi kết hợp giữa bảo tồn và đổi mới, giữa di sản và công nghệ, giữa phục vụ nhiệm vụ chính trị với nhu cầu tiếp cận đa dạng của cộng đồng.

Nhiều bạn trẻ đến bảo tàng để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiều bạn trẻ đến bảo tàng để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thông qua việc tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề, các hoạt động giáo dục lịch sử, tọa đàm khoa học, giao lưu văn hóa... bảo tàng đang không ngừng lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đây còn là minh chứng sống động cho lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Du khách có thể tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tại địa chỉ số 1 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4. Bảo tàng mở cửa từ thứ Ba đến Chủ nhật, buổi sáng từ 8h00 đến 12h00, buổi chiều từ 14h00 đến 16h30; đóng cửa vào thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần.

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tham-bao-tang-ho-chi-minh-noi-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc-386205.html
Zalo