Lan tỏa tình yêu thổ cẩm

Diễn ra trong gần 1 tháng, cuộc thi 'Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh' do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức đã nhận được 33 tác phẩm dự thi. Mỗi bức ảnh là một thông điệp ý nghĩa mà những người mẫu không chuyên muốn truyền tải đến mọi người.

 Ban tổ chức trao giải cho các tác phẩm đạt giải cao tại cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh”. Ảnh: Vũ Chi

Ban tổ chức trao giải cho các tác phẩm đạt giải cao tại cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh”. Ảnh: Vũ Chi

Trong khuôn khổ Dự án 8 về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN huyện Ia Pa đã tổ chức cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh” nhằm quảng bá sự đa dạng văn hóa của các dân tộc trên địa bàn; qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống trong đời sống cộng đồng.

Sau gần 1 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 33 tác phẩm dự thi của thành viên các mô hình, câu lạc bộ thuộc Dự án 8 trong toàn huyện. Không chỉ chị em hội viên phụ nữ, cuộc thi còn thu hút các em học sinh và cả nam giới tham gia.

Trên cơ sở tính thẩm mỹ và bài thuyết trình về ý nghĩa bức ảnh, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba, 26 giải khuyến khích cùng 1 giải tập thể cho đơn vị có thí sinh tham gia phong phú, đặc sắc nhất và giải thí sinh nam xuất sắc nhất. Tác phẩm được trưng bày và trao giải vào ngày 29-4 tại buổi gặp mặt các đảng viên tiêu biểu là cán bộ, hội viên phụ nữ nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Chị Kpă H’Chuên (buôn Mơ Nang 2, xã Kim Tân) và bức ảnh đạt giải nhất cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh”. Ảnh: V.C

Chị Kpă H’Chuên (buôn Mơ Nang 2, xã Kim Tân) và bức ảnh đạt giải nhất cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh”. Ảnh: V.C

Theo đó, giải nhất của cuộc thi thuộc về chị Kpă H’Chuên-thành viên mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” buôn Mơ Nang 2 (xã Kim Tân). Bức ảnh được một người bạn chụp cho chị khi tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ia Pa lần thứ II-2024. Trong ảnh, chị mặc trang phục thổ cẩm truyền thống của người Jrai do chính tay mẹ dệt tặng khi chị lấy chồng.

Chị H’Chuên cho hay: Hiểu được tính cách con gái nên mẹ chị đã may bộ trang phục theo phong cách hiện đại, khỏe khoắn, trẻ trung.

Phần thân của chiếc áo được may ngắn hơn so với chiếc áo truyền thống, cánh tay áo hơi lửng, bên hông áo có may khóa kéo giúp người mặc thuận tiện hơn. Chiếc áo còn được đính đá hạt chạy theo chiều ngang ở cả phần cổ áo và váy, tạo điểm nhấn cho trang phục. Chiếc váy được may dài khoảng 80 cm, có đường viền hoa văn chạy vòng quanh gấu, đặc biệt là những tua chỉ có đính hạt cây tơr peng theo chiều dài của một bên mép vải.

“Tuy trang phục đã được cách tân theo phong cách hiện đại, trẻ trung nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc qua các họa tiết hoa văn. Trong các dịp lễ hội, ngày vui của làng, ngày cưới hỏi hay khi tham dự các sự kiện, tôi luôn chọn bộ đồ thổ cẩm này để mặc nhằm giữ gìn biểu tượng văn hóa, thể hiện niềm tự hào về nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc”-chị H’Chuên chia sẻ.

 Anh Kpă Tư đạt giải thí sinh là nam giới có tác phẩm xuất sắc nhất tại cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh”. Ảnh: Vũ Chi

Anh Kpă Tư đạt giải thí sinh là nam giới có tác phẩm xuất sắc nhất tại cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh”. Ảnh: Vũ Chi

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống văn hóa tại buôn Ia Rniu (xã Ia Broái) và thường xuyên trình diễn nhạc cụ dân tộc, chàng trai Kpă Tư cũng có tình yêu đặc biệt với trang phục thổ cẩm của dân tộc mình.

Trong bức ảnh dự thi, anh Tư thể hiện rõ nét khỏe khoắn, trẻ trung của một chàng trai Jrai trong trang phục truyền thống với áo, khố dành cho nam giới kèm theo chiếc đàn goong quen thuộc. Với bức ảnh này, anh được Ban tổ chức trao giải thí sinh nam có tác phẩm xuất sắc nhất tại cuộc thi.

Theo anh Tư, trước đây, người đàn ông Jrai thường đóng khố, mặc áo chui đầu. Áo của nam giới thân sau dài hơn thân trước, phủ qua mông, riêng những người giàu có thì có thêm một vạt màu đỏ trang trí trước ngực. Khố có 2 loại là khố hoa mặc trong ngày lễ và khố trơn mặc thường ngày.

“Bộ trang phục này do bà nội may cho ba tôi và sau này ba trao lại cho tôi. Trong suốt 10 năm qua, bộ trang phục đã theo tôi đi biểu diễn tại nhiều hội thi, hội diễn văn hóa-văn nghệ do tỉnh, huyện, xã tổ chức. Qua bức ảnh, tôi muốn giới thiệu tới mọi người nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình. Giữ gìn, phát huy giá trị trang phục và nhạc cụ truyền thống chính là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”-anh Tư cho biết.

Với 6 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội LHPN xã Chư Răng là tập thể nhận giải thưởng dành cho đơn vị có thí sinh tham gia phong phú, đặc sắc nhất. Chị Trần Thị Ánh Tuyết-Chủ tịch Hội LHPN xã-thông tin: Hưởng ứng cuộc thi, Hội LHPN xã đã triển khai đến tất cả hội viên, thành viên các mô hình của Dự án 8 trên địa bàn.Trên cơ sở các tác phẩm gửi về, Hội LHPN xã đã chọn những bức ảnh xuất sắc nhất để dự thi, trong đó có 5 tác phẩm đạt giải khuyến khích và 1 tác phẩm đạt giải ba.

Thông qua cuộc thi, mọi người đều nhận thức được rằng, mỗi trang phục truyền thống không chỉ kể câu chuyện lịch sử, tín ngưỡng, phong tục tập quán của các dân tộc mà còn là niềm tự hào về bản sắc riêng không thể thay thế. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống là trách nhiệm của cả cộng đồng nhằm duy trì nét đẹp văn hóa cho thế hệ sau.

 Các tác phẩm tham gia cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh” được trưng bày tại hội trường huyện góp phần lan tỏa tình yêu với trang phục truyền thống dân tộc. Ảnh: Vũ Chi

Các tác phẩm tham gia cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh” được trưng bày tại hội trường huyện góp phần lan tỏa tình yêu với trang phục truyền thống dân tộc. Ảnh: Vũ Chi

Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Pa-cho hay: Trong khuôn khổ Dự án 8, cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh” nhằm quảng bá sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, từ đó nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống trong đời sống cộng đồng.

Bằng tình yêu với trang phục truyền thống dân tộc, các tác giả đã mang đến cuộc thi những bức ảnh sinh động, nhiều màu sắc. Mỗi tác phẩm là một thông điệp khác nhau nhưng đều toát lên niềm tự hào về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lan-toa-tinh-yeu-tho-cam-post321842.html
Zalo