Hàng nghìn suất cơm miễn phí, khi bố thí không chỉ là lời giảng

Hòa bình trong bối cảnh ngày nay không bắt đầu từ nghị trường hay hiệp ước. Hòa bình bắt đầu từ một người chịu đứng sau để người khác được ăn trước, một đôi tay gói cơm trong đêm, một tấm lòng đặt người khác lên trước mình.

Giữa dòng người thành kính nối dài trong lễ chiêm bái xá lợi đức Phật, công tác phục vụ cho đại lễ Vesak LHQ 2025, hai bếp ăn chay miễn phí – một tại chùa Thanh Tâm, một nằm trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM – vẫn âm thầm đỏ lửa suốt nhiều ngày qua. Ở đó, hàng nghìn suất cơm đã được nấu bằng đôi tay kiên nhẫn, bằng tâm nguyện phụng sự, bằng ngọn lửa phụng sự.

Chùa Thanh Tâm: Bếp ăn “khổng lồ” nuôi thân và nuôi tâm

Từ ngày 3/5/2025 đến 8/5/2025, tại chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh), hơn 200.000 suất cơm chay được phát miễn phí đến người dân, đại biểu và phật tử đến chiêm bái xá lợi Phật. Bếp ăn do Đại đức Thích Minh Phú và hơn 1.200 tình nguyện viên đảm nhiệm, hoạt động liên tục suốt ngày đêm, với khẩu phần phong phú, đầy đủ dinh dưỡng.

Quang cảnh phát cơm chay tại chùa Thanh Tâm

Quang cảnh phát cơm chay tại chùa Thanh Tâm

Không chỉ là công tác hậu cần, gian bếp trở thành một đạo tràng thực hành hạnh nguyện phụng sự, nơi từng nồi cơm, bát canh được nấu trong chính niệm. Giữ im lặng, làm việc tập trung, nhanh nhưng cẩn thận và chu đáo, không ganh đua – chính là cách các tình nguyện viên thực hành thiền hành động giữa đời thường.

“Tôi nghĩ mình đến đây để giúp người, nhưng thực ra tôi đang được học đạo làm người” một sinh viên tình nguyện chia sẻ sau khi gấp gần 1.000 hộp cơm chỉ trong một buổi sáng.

Bếp ăn còn chú trọng bảo vệ môi trường khi sử dụng các vật dụng thân thiện như hộp bã mía, muỗng gỗ, ly giấy, điều này chính là đang thực hành ý thức nghiệp quả trong từng lựa chọn tiêu dùng, ý thức trong việc bảo vệ môi trường.

Quầy nước miễn phí tại chùa thanh Tâm phục vụ người dân chiêm bái xá lợi Phật

Quầy nước miễn phí tại chùa thanh Tâm phục vụ người dân chiêm bái xá lợi Phật

Học viện Phật giáo Việt Nam: Gian bếp học đạo của chư tăng, ni và phật tử

Ngay trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam – nơi diễn ra các hội thảo, nghi lễ trọng thể của Đại lễ Vesak 2025 – một bếp ăn chay quy mô lớn khác đã vận hành hết công suất. Không ồn ào, không phô trương, nhưng lại mang một ý nghĩa sâu sắc: nơi ấy, phật pháp được thực hành không bằng diễn giảng, mà bằng cử chỉ và thao tác thuần thục.

Bếp chay miễn phí tại Học viện PGVN. Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Bếp chay miễn phí tại Học viện PGVN. Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Bếp ăn phục vụ hàng nghìn suất cơm miễn phí mỗi ngày cho đại biểu quốc tế, chư tăng ni, tình nguyện viên và phật tử thập phương. Điều đặc biệt, toàn bộ công việc đều do chính tăng ni sinh, giảng viên, cư sĩ trẻ và phật tử địa phương phối hợp tổ chức và vận hành, trong tinh thần lục hòa cộng trụ – cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ trách nhiệm vì sự thành công của Đại lễ.

Bếp chay miễn phí tại Học viện PGVN. Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Bếp chay miễn phí tại Học viện PGVN. Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Từ sáng sớm, mỗi người một việc: người rửa rau, người xếp đũa, người múc cơm, người đưa nước... Không ai đứng trên ai. Không ai cần được vinh danh. Mỗi cử chỉ, mỗi bước đi đều thầm nhuần tinh thần hòa kính, vô ngã, như những hạt giống từ bi lặng lẽ được gieo vào mảnh đất của đời sống tu học.

Nguồn nguyên liệu sách phục vụ cho công tác bếp ăn miễn phí. Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Nguồn nguyên liệu sách phục vụ cho công tác bếp ăn miễn phí. Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Thực tập phật pháp không chỉ có trên bục giảng. Gian bếp này chính là nơi tăng ni thực hành giáo lý một cách thiết thực và sâu sắc nhất,” một giảng sư tại Học viện chia sẻ.

Đối với nhiều tăng ni sinh trẻ, đây là lần đầu tiên họ tham gia một bếp ăn tập thể quy mô lớn như vậy. Những ngày Vesak trở thành cơ hội quý báu để họ học cách buông bỏ cái tôi, đặt tinh thần vì người khác lên trước, làm việc trong tinh thần chính niệm, đúng với tinh thần Ba-la-mật: bố thí, nhẫn nhục và tinh tấn.

Từ bếp lửa đến ngọn lửa tâm linh

Hai bếp ăn – hai địa điểm – nhưng cùng tỏa sáng một tinh thần: phụng sự không điều kiện, sẻ chia không nghi ngại. Trong, trong từng nhịp tay xới cơm, ánh lửa không chỉ cháy nơi bếp than mà còn rực sáng trong lòng người – như một thứ hỏa đăng của tâm từ, thắp lên bằng giới – định – tuệ, chứ không phải củi gạo thường tình.

Giữa lòng Vesak – mùa hội tụ của ánh sáng và trí tuệ – nơi những bài thuyết giảng vang lên trang trọng, thì ở một góc khác, những gian bếp lặng lẽ lại đang thực hành phật pháp một cách chân thực và mộc mạc. Đó là nơi mà từng động tác rửa rau, lau bàn, gói cơm cũng trở thành một pháp môn của đạo hạnh từ tâm.

Phật dạy: “Không phải ai mặc y vàng cũng là Sa-môn, mà Sa-môn là người đã đoạn trừ mọi nhiễm ô, hành trì đời sống tỉnh thức.” Ở đây, trong những người không mặc cà-sa, không ngồi thiền, không thuyết pháp – nhưng bền bỉ nếu cơm cho hàng ngàn người, là hiện thân của những Sa-môn giữa đời. Chính họ đang gieo hạt giống giải thoát bằng hành động thầm lặng, bằng tình thương không phân biệt.

Trong ánh lửa bếp đơn sơ, mỗi suất ăn được trao đi không chỉ là dưỡng nuôi thân thể, mà còn là một pháp thoại lặng thầm, nuôi lớn hạt giống hiểu và thương trong mỗi người hành trì. Hòa bình trong bối cảnh ngày nay không bắt đầu từ nghị trường hay hiệp ước. Hòa bình bắt đầu từ một người biết chịu đứng sau để người khác được ăn trước, một đôi tay gói cơm trong đêm, một tấm lòng đặt người khác lên trên và trước mình. Đó là lúc phật pháp không còn là học thuyết – mà trở thành mạch sống, chảy trong từng hành vi yêu thương giản dị nhất.

Vũ Ngọc Thắng

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hang-nghin-suat-com-mien-phi-khi-bo-thi-khong-chi-la-loi-giang.html
Zalo