Tết trong tim người xa quê: Gia đình là nơi trở về

Tết là dịp đoàn viên, với người con xa xứ, nỗi nhớ nhà da diết và ký ức quê hương luôn là động lực để họ hướng về gia đình, nơi để trở về.

Tết Ất Tỵ 2025 đã gần kề, khi mọi nhà đang chuẩn bị sum họp bên nhau, không ít người con xa xứ vẫn phải gác lại nỗi nhớ quê nhà để tiếp tục hành trình nơi đất khách. Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, câu chuyện về những người xa quê lại mang đậm màu sắc cảm xúc, vừa chạnh lòng vừa đầy hy vọng.

Một trong những câu chuyện ấy là của anh Trần Xuân Bảo Long (SN 2001, TP Đà Lạt), hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại trường University of Lincoln, Anh Quốc. Đặt chân đến Lincoln từ tháng 9-2024, đây là lần đầu tiên anh Long phải đón Tết xa quê. Khí hậu có phần tương đồng với Đà Lạt nhưng thành phố này lại thiếu vắng sự nhộn nhịp của Tết Việt.

Anh Trần Xuân Bảo Long đón Tết tại Anh Quốc - Ảnh: BẢO LONG

Anh Trần Xuân Bảo Long đón Tết tại Anh Quốc - Ảnh: BẢO LONG

"Những ngày này ở quê, cả nhà bắt đầu dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mẹ sắm sửa hoa Tết. Năm nay, một mình tôi trong ký túc xá, cảm giác thiếu vắng không thể diễn tả thành lời," anh Long chia sẻ. Ở cùng phòng với hai người Anh, một người Mỹ và một người Ấn Độ, không có sự hiện diện của người châu Á, anh càng cảm thấy không khí Tết xa xôi hơn bao giờ hết.

Dù cộng đồng du học sinh Việt tại trường tổ chức nhiều hoạt động Tết, nhưng anh Long thừa nhận không gì sánh bằng cảm giác quê hương. "Tôi nhớ nhất là đồ ăn Việt Nam. Đã sáu tháng xa nhà, tôi vẫn chưa quen được đồ ăn ở đây, nhất là khi Tết thiếu bánh chưng, bánh tét, củ kiệu và bánh kẹo truyền thống," anh tâm sự.

Khí hậu tại Anh Quốc cũng có nét tương đồng Đà Lạt, nhưng không thể mang lại hương vị Tết như quê hương - Ảnh: BẢO LONG

Khí hậu tại Anh Quốc cũng có nét tương đồng Đà Lạt, nhưng không thể mang lại hương vị Tết như quê hương - Ảnh: BẢO LONG

Khó khăn trong việc thưởng thức ẩm thực Việt cũng là một thử thách lớn. "Khi đi, tôi mang theo 10 gói mì tôm, giờ đã hết. Tôi nhớ da diết phở, bánh mì, bánh căn và sữa đậu nành ở Đà Lạt," anh Long nói. Anh cũng thường xuyên gọi điện về nhà để nguôi ngoai nỗi nhớ. Năm nay, gia đình anh đã trang hoàng thêm mai, đào cho mùa xuân thêm rực rỡ, khiến lòng anh càng bồi hồi.

Khi được hỏi về dự định tương lai, anh Long chia sẻ mặc dù sống và học tập tại Anh Quốc, anh vẫn luôn mong muốn trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học. "Tết ở quê không chỉ là dịp đoàn viên mà còn là cơ hội để con cháu bày tỏ lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ. Đó là giá trị truyền thống mà tôi muốn giữ mãi," anh nói.

Khác với anh Long, anh Phạm Trần Nhật (SN 1994, ngụ TP Đà Nẵng) đã có bảy năm sống và làm việc tại Nhật Bản. Anh Nhật chia sẻ: "Năm đầu xa quê, tôi và một người bạn vì quá nhớ nhà đã mua đàn guitar về chơi cho đỡ buồn. Ai ngờ, quản lý mắng vì không tiết kiệm. Từ đó, chúng tôi quyết định tự làm bánh chưng, bánh tét để cảm nhận hương vị quê hương."

Những cái Tết nơi đất khách của anh Nhật không thể so sánh với không khí quê nhà. "Mỗi dịp Tết, chúng tôi cố gắng tái hiện lại truyền thống Việt qua những bữa cơm Tết đơn giản, nhưng cảm giác vẫn không thể giống như ở quê. Cái rét của ngọn gió bấc, những em nhỏ xúng xính trong bộ đồ mới, tiếng cười nói rộn ràng… là những ký ức không gì thay thế được," anh nói.

Đại gia đình của anh Phạm Trần Nhật ăn Tết năm Quý Mão 2023, năm đầu anh trở về từ Nhật sau 7 năm xa cách - Ảnh: TRẦN NHẬT

Đại gia đình của anh Phạm Trần Nhật ăn Tết năm Quý Mão 2023, năm đầu anh trở về từ Nhật sau 7 năm xa cách - Ảnh: TRẦN NHẬT

Sau bảy năm xa xứ, ngày trở về ăn Tết đoàn viên, anh Nhật xúc động khi thấy Tết Việt vẫn giữ nguyên bản sắc. "Mai vàng, đào đỏ thắm khắp nơi, mọi người rộn ràng chuẩn bị Tết. Ngày đầu tôi về, cả xóm kéo nhau đến hỏi thăm, mời ăn cơm, uống rượu. Không khí ấy không nơi nào có được," anh chia sẻ.

Hình ảnh em nhỏ xúng xính váy áo là những kỷ niệm anh Nhật không bao giờ quên - Ảnh: TRẦN NHẬT

Hình ảnh em nhỏ xúng xính váy áo là những kỷ niệm anh Nhật không bao giờ quên - Ảnh: TRẦN NHẬT

Gia đình là nơi để trở về, và Tết chính là dịp đặc biệt để gắn kết mọi người. Với anh Nhật, khoảnh khắc về nhà ăn Tết sau nhiều năm xa cách là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. "Ba mẹ tôi không nói ra nhưng niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt. Ba còn khoe khắp xóm rằng gia đình được sum họp," anh Nhật kể.

Tết Việt Nam không chỉ là thời gian nghỉ ngơi hay vui chơi mà còn là thời điểm gắn kết, là dịp để mỗi người con xa xứ nhắc nhớ về cội nguồn. Những người như anh Long và anh Nhật, dù đi xa nhưng vẫn luôn mang trong mình một tình yêu sâu sắc với quê hương. Những cái Tết xa quê không làm họ quên đi ý nghĩa truyền thống, mà ngược lại, càng khiến họ thêm trân trọng ngày đoàn tụ.

Gia đình anh Phạm Trần Nhật (áo vest đen) đón tết - Ảnh: TRẦN NHẬT

Gia đình anh Phạm Trần Nhật (áo vest đen) đón tết - Ảnh: TRẦN NHẬT

Dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần giữ trong tim hình bóng gia đình và quê hương, Tết vẫn luôn là dịp để nhớ về nguồn cội, để hy vọng vào những ngày sum họp sắp tới.

Ngọc Quý - Khắc Hiếu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tet-trong-tim-nguoi-xa-que-gia-dinh-la-noi-tro-ve-196250126121138757.htm
Zalo