Bồi hồi nhớ tết cố hương

Bôn ba nơi đất khách, những ngày cuối năm chộn rộn, lòng người chỉ muốn quay về bên mái gia đình. Nhưng vì hoàn cảnh, điều kiện, công việc, nhiều người phải đón tết xa nhà mà lòng vẫn hướng về quê cũ, bồi hồi nhớ tết cố hương.

Ở lại Long An đón tết, gia đình anh Trần Đình Tiệp (phường 3, TP.Tân An) nhớ da diết ngày tết ở quê hương Hà Tĩnh

Ở lại Long An đón tết, gia đình anh Trần Đình Tiệp (phường 3, TP.Tân An) nhớ da diết ngày tết ở quê hương Hà Tĩnh

1. Loay hoay gói vài phần quà, anh Trần Đình Tiệp (phường 3, TP.Tân An) ngậm ngùi: “Chuẩn bị ít bánh, mứt gửi về quê để cha mẹ cúng ông bà tổ tiên 3 ngày tết. Năm nay lại không về được rồi!”.

Anh Tiệp quê ở tỉnh Hà Tĩnh, vào TP.Tân An, tỉnh Long An mở cửa hàng kinh doanh sữa đến nay đã 2 năm. Hai năm lập nghiệp xa xứ cũng là 2 cái tết vợ chồng anh và 3 đứa con nhỏ phải đón tết xa quê. Ở quê nhà, anh còn cha mẹ già nên mỗi lần đến tết, nhìn nhà nhà sum họp bên bữa cơm chiều cuối năm, anh bồi hồi...

“Tết đến, cha mẹ già luôn mong con cháu về nhà sum họp nhưng vì cuộc sống mưu sinh, không phải ai cũng sắp xếp về quê đón tết được. Năm nay, vợ chồng tôi chọn ở lại Long An đón tết. Cha mẹ dù nhớ thương nhưng cũng hiểu và thông cảm khi xuân này các con không về quê. Vậy chứ, mấy ngày tết, nhất là sáng mùng một, nhớ nhà lắm, tủi thân đến phát khóc!” - anh Tiệp nói.

Những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh càng làm anh da diết nhớ tết quê. Hà Tĩnh quê anh vào xuân đất trời vừa lạnh, vừa lất phất những cơn mưa phùn. “Thời tiết đó mới đúng chất tết quê vùng Bắc Trung Bộ. Tôi nhớ những tối ngồi co ro bên bếp lửa sưởi ấm, trò chuyện với mẹ cùng cha. Nhớ cả đêm giao thừa tụ họp thanh niên trong xóm đốt lửa trại thật rộn ràng” - anh Tiệp kể.

Kể về ngày tết quê mình, anh và vợ đều nhớ không khí đầm ấm bên gia đình, nhớ nghĩa xóm, tình làng gắn bó với nhau. Vợ anh, chị Dương Thị Vinh bồi hồi nhớ “đêm giao thừa, những người trẻ trong xóm rồng rắn đi từng nhà xông đất”.

Còn sáng mùng 1, sau khi chúc tết, lì xì cha mẹ, con cháu, cả nhà chở nhau trên xe gắn máy, đi từng nhà chúc tết các cụ già trong xóm. Tết quê anh còn có tục cúng mâm cỗ ở nhà thờ họ. Con cháu ở quê hay đi làm xa trở về đều tập trung đến nhà thờ đầy đủ, thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, cầu mong năm mới bình an.

Đón tết ở Long An, vợ chồng anh có hàng xóm, bạn bè. Những ngày tết, gia đình anh cùng bạn bè đi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa hay rủ nhau đi ăn, uống cà phê. Mùa xuân xa quê vì thế cũng phần nào ấm áp hơn.

“Còn cha mẹ ngoài quê, vợ chồng tôi gọi điện thoại về chúc tết và thăm hỏi hàng ngày. Cha mẹ cũng động viên chúng tôi cố gắng làm việc để tết năm sau sẽ về sum họp bên gia đình” - chị Vinh chia sẻ.

Dù đón tết xa vợ con nhưng Thiếu tá Đào Trọng Dũng (nhân viên kiểm soát biên phòng Đồn Biên phòng Sông Trăng, huyện Tân Hưng) vẫn vững tâm cùng đồng đội tuần tra bảo vệ biên giới

Dù đón tết xa vợ con nhưng Thiếu tá Đào Trọng Dũng (nhân viên kiểm soát biên phòng Đồn Biên phòng Sông Trăng, huyện Tân Hưng) vẫn vững tâm cùng đồng đội tuần tra bảo vệ biên giới

2. Trở về sau cuộc tuần tra cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp tết, Thiếu tá Đào Trọng Dũng (39 tuổi) - nhân viên kiểm soát biên phòng Đồn Biên phòng Sông Trăng (huyện Tân Hưng), mở điện thoại gọi cho vợ con. Đầu dây bên kia, đứa con gái 10 tuổi háo hức hỏi “khi nào bố về tết để đưa con đi mua quần áo mới”. Nghe câu hỏi của con, anh ngậm ngùi nhưng vẫn phải mạnh mẽ động viên vợ con “do đặc thù công việc nên bố không dám hứa chắc tết này có về không. Bố sẽ nhờ mẹ thay bố đưa con đi mua áo mới. Ba mẹ con cứ vui vẻ chuẩn bị tết thật trọn vẹn”.

Thiếu tá Đào Trọng Dũng lao động tại đơn vị

Thiếu tá Đào Trọng Dũng lao động tại đơn vị

Thiếu tá Đào Trọng Dũng vào Long An công tác từ năm 2009; còn vợ con vẫn ở quê nhà Phú Thọ. Những ngày tết, ngoài nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, đơn vị cũng tổ chức các hoạt động vui xuân, gói bánh chưng, bánh tét với người dân địa phương. Anh cùng đồng đội đến chúc tết người dân, vừa làm công tác dân vận, vừa gắn kết tình cảm quân - dân.

Vui tết bên đồng đội, nỗi niềm xa xứ phần nào dần vơi nhưng trong sâu thẳm tâm can, thiếu tá Đào Trọng Dũng rất đỗi nhớ vợ con. Anh thương vợ ngày thường đã thay chồng đảm đương việc nhà, chăm các con; tết về lại lủi thủi 3 mẹ con.

Ở nơi xa, vợ anh - chị Trần Thị Dung cũng chạnh lòng khi thấy nhà nhà đủ đầy thành viên trong 3 bữa tết. Thế nhưng, chị hiểu và cảm thông để anh an tâm công tác tốt. Vợ chồng anh, mỗi người đều gác nỗi niềm riêng vì lý tưởng chung. Đó là cuộc sống bình yên cho người dân, giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn biên giới.

Theo Thiếu tá Đào Trọng Dũng, anh và vợ là mối tình “thanh mai trúc mã” từ thời cùng học ở quê. Lấy nhau 11 năm là 11 năm anh biền biệt xa nhà, mỗi năm chỉ về phép 1 tháng. 11 mùa xuân qua, anh có 5 lần về vui tết đoàn viên cùng vợ con; còn lại đón xuân nơi biên giới với đồng đội, người dân ở Long An.

Thiếu tá Đào Trọng Dũng chăm sóc vườn rau xanh tại đơn vị

Thiếu tá Đào Trọng Dũng chăm sóc vườn rau xanh tại đơn vị

Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ở quê, chị là hậu phương vững chắc để anh vững tay súng. Mỗi ngày, anh đều gọi điện thoại chuyện trò, động viên để dù cách xa hàng ngàn kilômét nhưng chị vẫn cảm giác có chồng kề bên an ủi, sẻ chia.

“Xác định theo con đường binh nghiệp thì dẫu có khó khăn cũng nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì thế, vợ chồng tôi động viên nhau mỗi người đều cố gắng, quan trọng là hiểu và cảm thông cho nhau để hậu phương, tiền tuyến đều bền lòng, vững tâm” - Thiếu tá Đào Trọng Dũng tâm sự.

Xế chiều, trời dần chuyển lạnh. Trên con đường tuần tra ra biên giới, nhìn những nụ mai bên vệ đường, lòng Thiếu tá Đào Trọng Dũng dâng lên nỗi nhớ vợ con. Anh nhớ 2 con nhỏ quấn quýt những ngày anh về thăm nhà, nhớ cảnh vợ chồng bịn rịn chia tay ngày anh trở lại đơn vị, nhớ sáng đầu năm mưa phùn, cả nhà co ro trong áo ấm đưa nhau về tết ngoại, tết nội. Chợt nghĩ “giờ này ở quê, chắc vợ đang tất bật lo tết”, còn nơi biên giới, anh vẫn đêm ngày làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc, nhân dân giao phó./.

Vũ Quang

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/boi-hoi-nho-tet-co-huong-a189445.html
Zalo