Tên Thượng Hồng sẽ được đặt cho một xã mới ở Bình Giang

Huyện Bình Giang đã thống nhất dự kiến phương án đặt tên 4 xã mới sau sáp nhập, trong đó có xã mang tên của lộ Thượng Hồng xưa.

Dự kiến tên các xã mới sau sáp nhập ở Bình Giang đều gắn với lịch sử, văn hóa. Trong ảnh: Lễ hội truyền thống làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (ảnh tư liệu)

Dự kiến tên các xã mới sau sáp nhập ở Bình Giang đều gắn với lịch sử, văn hóa. Trong ảnh: Lễ hội truyền thống làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (ảnh tư liệu)

Theo đó, dự kiến sau sắp xếp khu vực huyện Bình Giang có 4 xã: Kẻ Sặt, Bình Giang, Đường An và Thượng Hồng.

Xã Kẻ Sặt được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số của thị trấn Kẻ Sặt và các xã Vĩnh Hưng, Hùng Thắng, một phần xã Vĩnh Hồng. Xã Kẻ Sặt có diện tích 24,66 km², dân số 39.554 người. Trụ sở làm việc dự kiến đặt tại trụ sở Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Bình Giang. Kẻ Sặt là nơi dân cư đông đúc, buôn bán sầm uất. Nằm cạnh quốc lộ 5, quốc lộ 38 và dòng sông Sặt, Kẻ Sặt còn có Nhà thờ Giáo xứ Kẻ Sặt lớn ở miền Bắc.

Xã Bình Giang được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích và dân số của các xã: Long Xuyên, Tân Việt, Hồng Khê, Cổ Bì và một phần xã Vĩnh Hồng. Xã Bình Giang có diện tích 26,01 km², dân số 32.925 người. Trụ sở làm việc dự kiến đặt tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Long Xuyên và xã Hồng Khê.

Bình Giang là vùng đất cổ, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, “phủ Bình Giang" xưa gọi là "Hồng Châu”. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), vì kiêng tên húy nhà vua tên "Hồng" mà đổi phủ Thượng Hồng ra phủ Bình Giang. Phủ Hạ Hồng ra phủ Ninh Giang. Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, Bình Giang vẫn giữ được truyền thống lịch sử khoa bảng (lò tiến sĩ xứ Đông) và văn hiến.

Xã Đường An được thành lập trên cơ sở nhập một phần diện tích tự nhiên của các xã: Thúc Kháng, Thái Minh, Tân Hồng, Thái Dương và Thái Hòa. Xã Đường An có diện tích 25,53 km², dân số 34.341 người. Trụ sở làm việc dự kiến đặt tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Thái Minh và xã Tân Hồng.

Thời nhà Đường, huyện Bình Giang thuộc về Giao Châu. Năm 825, vua Đường sai Vũ Hồn sang làm thứ sử Giao Châu. Năm 841, Vũ Hồn được thăng làm An Nam đô hộ phủ. Trong khi làm quan, Vũ Hồn cắm đất, lập ấp Khả Mộ, tức làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng ngày nay và đặt tên huyện là Đường An.

Xã Thượng Hồng được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích xã Bình Xuyên và một phần diện tích tự nhiên của các xã: Thái Hòa, Thái Dương, Tân Hồng, Thái Minh, Thúc Kháng cùng với một phần của 2 xã Đoàn Tùng, Thanh Tùng (Thanh Miện). Xã Thượng Hồng có diện tích 24,01 km², dân số 24.584 người. Trụ sở làm việc dự kiến đặt tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Bình Xuyên và xã Thái Hòa.

Thượng Hồng có thể hiểu là vùng đất nằm ở thượng lưu sông Hồng. Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, lập ra triều hậu Lê, phục hồi nền độc lập dân tộc. Tên nước và kinh đô vẫn giữ như nhà Trần. Đất Hải Dương thuộc về Đông Đạo gồm 4 lộ: Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách, An Bang. Huyện Bình Giang thuộc lộ Thượng Hồng.

Cũng theo phương án này, xã Nhân Quyền của huyện Bình Giang được nhập với một số xã của huyện Thanh Miện.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ten-thuong-hong-se-duoc-dat-cho-mot-xa-moi-o-binh-giang-410100.html
Zalo