Tiếp nối tinh thần Trường Sơn trong thời bình

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân người có công với cách mạng.

Hà Nội: Giao lưu "Huyền thoại Trường Sơn"

Gần 100 đại biểu tham dự trực tiếp cùng đông đảo người dân thủ đô theo chương trình trực tiếp. Ảnh: TTXVN phát

Gần 100 đại biểu tham dự trực tiếp cùng đông đảo người dân thủ đô theo chương trình trực tiếp. Ảnh: TTXVN phát

Sáng 24/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức chương trình giao lưu "Huyền thoại Trường Sơn" và gặp mặt Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, đại diện nữ cựu thanh niên xung phong, vợ thương binh nặng, cán bộ Hội thuộc gia đình chính sách tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước trường kỳ của dân tộc.Tham dự trực tiếp chương trình có gần 100 đại biểu là lãnh đạo Trung ương và thành phố.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh bày tỏ niềm tự hào và trân trọng gửi lời tri ân các mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh, thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với đất nước đã có cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước; đặc biệt là các nữ cựu chiến sĩ Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nữ cựu thanh niên xung phong, các mẹ - vợ liệt sỹ, nữ thương binh, vợ thương binh tham gia chương trình.

Đây là những nữ chiến sỹ thuộc Trung đội nữ lái xe mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hạnh (sau là Đại đội nữ lái xe Trường Sơn C13) - đại đội nữ lái xe duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước; là một biểu tượng sống động về tinh thần anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời cũng là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Những đại biểu nữ cựu thanh niên xung dấn thân vào "tuyến lửa", không ngại gian khổ, hy sinh, dâng hiến tuổi xuân, cùng quân và dân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", đóng góp vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Trong chương trình giao lưu xúc động, ý nghĩa, các đại biểu cùng gặp gỡ "Điểm tựa hạnh phúc" của các bác, các chú, các anh thương binh nặng trở về từ chiến trường. Đó chính là những người vợ kiên cường, mạnh mẽ với những hy sinh thầm lặng, vượt qua khó khăn, vất vả để chăm sóc, động viên chồng, cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình, tiếp tục có đóng góp cho cộng đồng, viết tiếp bản anh hùng ca thầm lặng, tiếp nối tinh thần Trường Sơn trong cuộc sống đời thường…

Chương trình Giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn” đã để lại nhiều cảm xúc lắng đọng. Ảnh: TTXVN phát

Chương trình Giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn” đã để lại nhiều cảm xúc lắng đọng. Ảnh: TTXVN phát

Có mặt tại chương trình giao lưu, Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên Chính trị viên Đại đội nữ lái xe Trường Sơn xúc động nhớ lại: "Chúng tôi lái xe xuyên đêm, băng qua trọng điểm ác liệt. Có những chuyến đi không biết có trở về, nhưng ai cũng vững lòng, bởi phía trước là tiền tuyến, phía sau là đồng đội cần được đưa về. Những năm tháng ấy, gian khổ nhưng đầy tự hào…".

Bà Bùi Thị Vân, cựu chiến sỹ lái xe - người được mệnh danh là "hoa khôi Trường Sơn" bùi ngùi chia sẻ: "Tuổi thanh xuân của chúng tôi gắn với khói lửa, bom đạn. Nhưng tình đồng đội, tình yêu Tổ quốc đã tiếp sức cho mỗi vòng quay vô lăng. Hôm nay gặp lại đồng đội, thấy ấm lòng vì quá khứ không bị lãng quên".

Cùng chung cảm xúc đó, bà Hoàng Thị Kim Vinh, cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sỹ tâm sự: "Tôi lên đường khi con còn ẵm ngửa. Ngày chồng hy sinh, tôi nén đau thương để tiếp tục hành trình. Nhìn lại, tôi không hối tiếc vì đó là lựa chọn vì độc lập, vì tương lai Tổ quốc".

Chương trình cũng có phần chia sẻ đầy xúc động của ông Cao Văn Thành, thương binh nặng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước: "Vợ tôi là điểm tựa lớn nhất của đời tôi. Cô ấy hy sinh tuổi trẻ, chấp nhận thiệt thòi để chăm sóc tôi. Tôi biết ơn và luôn trân trọng điều đó"...

Với sự tham dự của gần 100 đại biểu và theo dõi trực tuyến đông đảo nhân dân Thủ đô, chương trình đã để lại nhiều cảm xúc lắng đọng, tiếp nối tinh thần Trường Sơn trong thời bình. Chương trình là lời tri ân sâu sắc đến những nữ chiến sĩ Trường Sơn - những người phụ nữ kiên cường, quả cảm đã góp phần làm nên Chiến thắng 30/4 lịch sử...

Lạng Sơn: Tri ân những người lính tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm phát biểu tại chương trình. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm phát biểu tại chương trình. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Ngày 24/4, tỉnh Lạng Sơn tổ chức gặp mặt, tri ân 159 cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tiêu biểu, tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Tại cuộc gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm khẳng định, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày là những người đã không tiếc tuổi xuân, xương máu, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là hiện thân của ý chí kiên cường, bất khuất. Đây là minh chứng sống cho tinh thần cách mạng không khuất phục trước mọi hình thức tra tấn, hiểm nguy, giam cầm của kẻ thù tạo nên những kỳ tích bất tử.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn đề nghị, cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua, có điều kiện tham gia phát triển kinh tế - xã hội...

Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cùng với cả nước, tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng như: chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đặc biệt, tỉnh thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp...

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn mong muốn, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày trở thành những hạt nhân trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong nhân dân về các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước...

Đại tá Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lạng Sơn, ôn lại quá khứ hào hùng. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Đại tá Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lạng Sơn, ôn lại quá khứ hào hùng. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Ôn lại truyền thống vẻ vang và những đóng góp của quân và dân các dân tộc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Quân nhấn mạnh, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, trong cuộc kháng chiến, tỉnh đã có trên 27.000 thanh niên lên đường nhập ngũ và hơn 4.600 thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến đấu. Trong đó, hơn 4.200 cán bộ, chiến sỹ và thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh; hơn 1.300 người đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường; 151 chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày; hơn 800 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ghi nhận những đóng góp của quân và dân các dân tộc Lạng Sơn, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 19 trường hợp; 207 bà mẹ được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam Anh hùng...

Sau chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp sức vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh...

Linh Khánh - Anh Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tiep-noi-tinh-than-truong-son-trong-thoi-binh-20250424124148689.htm
Zalo