Vì sao nhẫn quyền lực bị phá hủy sau khi Giáo hoàng Francis mất?
Theo truyền thống, Vatican sẽ phá hủy nhẫn Ngư phủ mà Giáo hoàng từng đeo. Tuy nhiên, nhẫn Ngư phủ của Giáo hoàng Francis vừa qua đời sẽ không bị phá hủy hoàn toàn.
Vào ngày 21/4, Giáo hoàng Francis qua đời tại Vatican, hưởng thọ 88 tuổi. Vatican đang khởi động các thủ tục tôn giáo sau khi Giáo hoàng Francis mất, bao gồm nghi lễ hủy nhẫn Ngư phủ và bulla, con dấu chính thức trong các văn thư, tài liệu của Giáo hoàng.
Mỗi Giáo hoàng mới đều được trao nhẫn Ngư phủ và ấn tín bulla mới, để ngăn nguy cơ giả mạo văn kiện. Cả hai đều bị đập vỡ bằng búa sau khi Giáo hoàng tạ thế theo nghi thức được thực hiện từ năm 1521.
Ngày nay, nguy cơ giả mạo văn kiện ngày càng thấp, việc phá hủy nhẫn Ngư phủ chủ yếu mang tính biểu tượng, đánh dấu việc kết thúc triều đại của Giáo hoàng.

Nhẫn Ngư phủ của Giáo hoàng. Ảnh: Agf/Shutterstock.com.
Giáo hoàng Francis đeo nhẫn Ngư phủ trong các nghi lễ chính thức. Trong cuộc sống thường nhật, Giáo hoàng Francis đổi sang sử dụng chiếc nhẫn bạc từ thời còn là Hồng y.
Nhẫn Ngư phủ của Giáo hoàng Francis cũng không phải nhẫn mới. Không giống nhiều tân Giáo hoàng thường đeo nhẫn Ngư phủ mới do thợ kim hoàn chế tác thủ công, Giáo hoàng Francis đi ngược truyền thống, yêu cầu tái chế nhẫn bạc mạ vàng của thư ký của Giáo hoàng Paul IV làm nhẫn Ngư phủ.
Nhẫn Ngư phủ có lịch sử sớm nhất từ thế kỷ 13. Chiếc nhẫn quyền lực này của Giáo hoàng tượng trưng cho quyền lãnh đạo và dẫn dắt con chiên của người đứng đầu Tòa Thánh.
Chiếc nhẫn được đặt tên theo Thánh Peter, vốn là một ngư dân. Nhẫn thường làm bằng vàng nguyên chất, khắc hình Thánh Peter và chìa khóa Nước Trời.
Theo truyền thống, Hồng y Nhiếp chính, vị Hồng y điều hành các công việc hành chính của Tòa thánh trong giai đoạn "trống tòa", sẽ là người hủy nhẫn Ngư phủ và ấn tín bulla trước sự chứng kiến của Hồng y đoàn.
Sau khi người tiền nhiệm của Giáo hoàng Francis là Benedict XVI trở thành Giáo hoàng đầu tiên thoái vị sau 6 thế kỷ, Vatican áp dụng cách thức mới: không phá hủy hoàn toàn chiếc nhẫn Ngư phủ mà dùng đục khắc hình thánh giá sâu lên mặt nhẫn.
Hồng y Nhiếp chính Kevin Joseph Farrell sẽ là người thực hiện quy trình này trước khi Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới được tổ chức.
Mời độc giả xem video: Tang lễ cố Giáo hoàng danh dự Benedict XVI tổ chức ngày 5/1. Nguồn: THĐT1.