Một dư địa trong thị trường xuất bản
Thị trường xuất bản sách Việt Nam vẫn mang tính 'nhập siêu', chưa đủ cơ chế, điều kiện bắt rễ với thị trường lớn bên ngoài để giới thiệu, xuất khẩu tác phẩm của mình. Sách vẫn chưa hiện diện trong những gói quà ngoại giao cấp nhà nước hay địa phương, nếu có, thì cũng rất ít chọn lựa tối ưu, phù hợp. Câu hỏi đặt ra, vì đâu?

Du khách tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM.
Mỗi năm, Việt Nam đều có gian hàng tại Hội sách quốc tế Frankfurt. Gian hàng không nhỏ so với các nước trong khu vực, nhưng cái đáng nói là số đầu sách được dịch ngoại văn của tác giả trong nước nhằm giới thiệu văn hóa, sáng tác lại khá khiêm tốn. Trong đó, thậm chí có những cuốn sách đã làm xong nhiệm vụ từ kỳ trước, được đóng thùng gửi lại mỗi năm cứ đến hẹn lại lên kệ trưng bày. Đó lại không phải là những tựa sách tiêu biểu, biểu hiện sức sống của thị trường xuất bản Việt Nam.
Thiếu vắng sách “ngoại giao văn hóa”
Tìm một cuốn sách giới thiệu tổng quan văn hóa lịch sử Việt Nam được đầu tư chăm chút nội dung, hình ảnh, dịch thuật ra các ngôn ngữ khác một cách chuẩn mực, cho đến nay, là một việc vô cùng khó khăn. Thế nên chưa thể bàn xa hơn, hy vọng vào sự phong phú của những đầu sách ngoại văn đi sâu khai thác các khía cạnh, đề tài, lĩnh vực hay giới thiệu văn hóa nghệ thuật đất nước một cách bài bản và hấp dẫn. Điều này có thể nhận thấy khá rõ ràng trong các cuộc gặp ngoại giao nhà nước và các địa phương: sách chưa hiện diện trong những gói quà hữu nghị; nếu có, thì cũng rất ít chọn lựa tối ưu, phù hợp.
Câu hỏi đặt ra, vì đâu? Chắc chắn lý do không nằm ở chỗ thiếu vắng chất liệu hay sáng kiến. Cái thiếu là những triển khai trên thực tế.
Việc đầu tư vào dòng sách giới thiệu văn hóa, đời sống và văn học nghệ thuật đất nước ra bên ngoài chưa trở thành những dự án rõ ràng và hiệu quả. Một trong những rào cản đó chính là chưa có những chiến lược thực sự và nguồn ngân sách thiết thực xứng đáng cho việc này. Những đầu sách ngoại văn giới thiệu văn hóa Việt Nam được dịch và bán trên thị trường lâu nay đa số do các nhà xuất bản, các công ty sách tư nhân tự đầu tư và đây là một thị trường ngách khó khai thác trong phạm vi tại chỗ và còn mang tính tự phát. Đa số, các ấn phẩm này chỉ có thể phát hành ở những điểm du lịch của những thành phố lớn như những sản phẩm lưu niệm dành cho du khách.
Trong lĩnh vực sôi động và được truyền thông nhiều là văn học thì cũng không khá hơn. Rất nhiều kỳ hội nghị, tọa đàm dịch thuật của Hội Nhà văn hô hào việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới nhưng cho đến nay việc đưa tác phẩm Việt Nam ra quốc tế vẫn bị động. Các tác phẩm của nhà văn Việt Nam được dịch ra tiếng Anh, Pháp và phát hành trên toàn cầu đa số là từ nỗ lực riêng tư của các dịch giả quan tâm, một số từ đơn đặt hàng của các nhà xuất bản nước ngoài.
Trong nước, một số nhà xuất bản như Thế Giới, Trẻ... cũng có tự dịch các tác phẩm ăn khách của nhà văn trong nước để phát hành song song với bản tiếng Việt, song vẫn trong tâm thế thăm dò thị trường là chính. Gần đây, đã có công ty sách theo đuổi việc làm trung gian giới thiệu tác phẩm Việt Nam ra các thị trường khác, nhưng hiệu quả cũng chưa thật sự đáng kể.
Sách Việt Nam “quốc tế hóa”
Ngày nay, có thể nói về phương diện thiết kế, in ấn, trình bày nói chung thì sách Việt Nam không thua kém sách của bất cứ một ngành công nghiệp xuất bản phát triển nào trên toàn cầu. Nguồn tác phẩm cũng không thiếu những giá trị có thể bắt nhịp với đời sống thị trường sách bên ngoài. Dẫu vậy, thị trường xuất bản Việt Nam vẫn mang tính “nhập siêu”, chưa đủ cơ chế, điều kiện bắt rễ với thị trường lớn bên ngoài để giới thiệu, xuất khẩu tác phẩm của mình.
Có thể nhận ra điều này: chúng ta dễ dàng bắt gặp các tác phẩm của nhà văn Việt Nam như Vũ Trọng Phụng, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương và mới đây là Nguyễn Ngọc Tư trên các kệ sách ngoại văn... trên kệ sách của những nhà sách lớn như Fahasa, Phương Nam được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp từ các nhà xuất bản nước ngoài. Các bản dịch tác phẩm của những nhà văn này đã đi một đường vòng và trở về thị trường trong nước với một diện mạo được “quốc tế hóa” đúng nghĩa.
Đồng thời, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp một cuốn sách giới thiệu du lịch Việt Nam bằng tiếng Anh được “nhập ngược” từ một nhà xuất bản nước ngoài bán tại Đường sách TPHCM. Điều đáng nói, đó là những đầu sách được du khách nước ngoài đến Việt Nam tìm đọc.
Bản quyền, chi phí dịch thuật, đầu tư hình ảnh, tổ chức bộ máy uy tín thẩm định nội dung... rõ ràng các rào cản trong việc tổ chức một đầu sách, tủ sách ngoại văn sẽ được các công ty, nhà xuất bản độc lập cơ chế kinh doanh viện dẫn để giải thích về bài toán khó nhằn của việc đầu tư sách ngoại văn trong khi tín hiệu thị trường chỉ mới hứa hẹn thời gian gần đây khi du lịch quốc tế được phục hồi.
Những đầu sách ngoại văn giới thiệu văn hóa Việt Nam được dịch và bán trên thị trường lâu nay đa số do các nhà xuất bản, các công ty sách tư nhân tự đầu tư và đây là một thị trường ngách khó khai thác trong phạm vi tại chỗ và còn mang tính tự phát.
Thử dạo một vòng ở Đường sách TPHCM, theo chân các du khách, có thể nhận ra nhu cầu tham quan đi cùng với đọc, hiểu đời sống văn hóa Sài Gòn - TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang tăng lên. Các sản phẩm từ móc khóa đến các bưu ảnh, sách Việt Nam bằng tiếng Anh về các chủ đề ẩm thực, lối sống cho đến văn học... được tìm kiếm nhiều nhưng lại chưa đủ phong phú cho những chọn lựa.
Các gift-book (sách quà tặng), quà lưu niệm, sách Anh ngữ về văn hóa Việt Nam (chủ đề bánh mì, cà phê cho đến sinh hoạt đường phố...) được đầu tư mạnh và có tính nhất quán hiện nay hầu hết đến từ Công ty Sách Artbook. Nhưng tiềm năng của thị trường ngách này trên sân nhà có lẽ vẫn chưa đủ thuyết phục các nhà đầu tư xuất bản vượt qua sự do dự để bước vào khai thác.
Còn nhìn xa hơn về một chủ trương lớn, có thể thấy nghịch lý: trong khi ngân sách đầu tư phát triển văn hóa trước đây được chi vào rất nhiều dự án hội hè vô bổ, nhiều công trình nghiên cứu để lưu kho (mà báo chí đã phản ánh lâu nay), thì việc đầu tư giới thiệu văn hóa Việt Nam, sản phẩm sáng tạo của người Việt Nam ra quốc tế trong lĩnh vực xuất bản vẫn còn là một khoảng trống khó hiểu ngay tại trên “sân nhà”.