Tàu vũ trụ NASA vẫn 'lành lặn' khi đến gần nhất với Mặt Trời
Tàu tham dò Parker đã gửi tín hiệu về lại Trái Đất cho NASA khi thiết lập kỷ lục tiến gần Mặt Trời nhất mà vẫn an toàn, theo Reuters.
Ngày 27/12, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tàu thăm dò Mặt Trời Parker Solar Probe vẫn hoạt động bình thường sau chuyến bay tiếp cận Mặt Trời gần nhất từ trước đến nay.
Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng Johns Hopkins ở Maryland nhận được tín hiệu từ Parker trước nửa đêm 26/12 theo giờ Mỹ (tương đương khoảng trưa 27/12 theo giờ Việt Nam).
NASA cho biết thêm tàu vũ trụ này dự kiến sẽ gửi dữ liệu đo từ xa chi tiết về tình trạng của tàu vào ngày 1/1/2025.
Con tàu sắp hoàn thành sứ mệnh giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về ngôi sao nằm ở trung tâm Hệ Mặt Trời khi bay cách bề mặt Mặt Trời chỉ 6,1 triệu km, tiến thẳng vào vành nhật hoa (lớp ngoài cùng của bầu khí quyển sao).
Thông tin từ trang web của NASA, Parker di chuyển với tốc độ lên tới 692.000 km/giờ và chịu được nhiệt độ lên tới 982 độ C (1.800 độ F). Đây là tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận trên một thiết bị do con người tạo ra.
Cơ quan này cho biết thêm Parker Solar Probe khi tiếp cận Mặt Trời sẽ trả về kết quả các phép đo giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách thức các vật chất trong khu vực bị nung nóng ở hàng triệu độ, theo dõi nguồn gốc của gió Mặt Trời cũng như khám phá cách các hạt năng lượng tăng tốc với tốc độ ánh sáng.
Tàu thăm dò Parker Solar Probe là sản phẩm từ chương trình Living With a Star (được quản lý bởi Trung tâm bay không gian Goddard của NASA tại Greenbelt, Maryland, Mỹ) nhằm khám phá các khía cạnh của hệ Mặt trời-Trái đất ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống và xã hội. Phương tiện mang tên nhà vật lý thiên văn Eugene Parker được phóng vào năm 2018.