Thảm kịch nổ tàu ngầm hạt nhân khủng khiếp nhất của Hải quân Mỹ - Kỳ 3:

Khi gần đến độ sâu sụp đổ, các phụ kiện và đường ống trong tàu bắt đầu vỡ ra. Thân tàu ngầm oằn oại dưới áp lực ngày càng tăng, đang nghiền nát phần bên trong chứa đầy không khí của nó.

THỦ PHẠM BÍ ẨN

Tàu ngầm Thresher trong cuộc thử nghiệm vào ngày 30/4/1961. Ảnh: US Navy

Tàu ngầm Thresher trong cuộc thử nghiệm vào ngày 30/4/1961. Ảnh: US Navy

Sau đó, tàu lặn Skylark bắt đầu thả lựu đạn - tín hiệu để tàu ngầm nổi lên trong trường hợp liên lạc UQC (liên lạc dưới nước qua sóng âm thanh) bị hỏng.

Skylark thông báo cho các chỉ huy bờ biển về tình hình, và ngay sau đó, một lực lượng trên không và trên mặt nước khổng lồ đã được triển khai tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Thresher đã biến mất, ở vùng nước sâu khoảng 8.400 feet (2.560 mét).

Vào khoảng 19 giờ ngày 10/4, Hải quân Mỹ thông báo cho gia đình của các thủy thủ trên tàu Thresher rằng con tàu được cho là mất tích. Không có thuật ngữ "đắm" nào được sử dụng, vì những người lạc quan vẫn hy vọng rằng con tàu còn nguyên vẹn và chỉ bị hỏng liên lạc.

Niềm hy vọng đó nhanh chóng tan biến.

Một cuộc tìm kiếm lớn bắt đầu để tìm kiếm phần còn lại của Thresher. Sau đó, một số mảnh vỡ trôi nổi của con tàu đã được thu hồi. Người ta thậm chí còn đánh chìm một chiếc ô tô và sau đó là một tàu ngầm chạy bằng điện-diesel đã thải loại có tên Toro (SS-422) để xác định cách các dòng hải lưu cục bộ sẽ ảnh hưởng đến một vật thể chìm. Ngay sau đó, các tàu đã tìm kiếm dưới đáy đại dương bằng sonar và xe trượt có gắn máy ảnh, máy đo từ trường và máy đếm Geiger. Một số mảnh vỡ được phát hiện và các mảnh nhỏ đã được trục vớt.

Tiếp theo, tàu lặn Trieste II đã được đưa đến khu vực này. Đây là tàu duy nhất của Mỹ có thể tiếp cận độ sâu 8.400 feet (2.560 mét) để tìm kiếm phần còn lại của Thresher. Vào ngày 27/6, tàu lặn đã xác định được vị trí của bãi mảnh vỡ chính của Thresher. Trieste II vớt được một đường ống xoắn có dòng chữ "Tàu 593" (593 là số hiệu của tàu Thresher). Sau này, chiếc tàu lặn còn quay trở lại khu vực nhiều lần và lặn xuống bãi đổ nát xác tàu Thresher vào các năm 1964, 1967, 1977 và 1979.

Tàu Thresher khi chuẩn bị hạ thủy ở Portsmouth, ngày 9/7/1960. Ảnh: US Navy

Tàu Thresher khi chuẩn bị hạ thủy ở Portsmouth, ngày 9/7/1960. Ảnh: US Navy

Điều gì đã làm nổ tung Thresher?

Vào ngày 6/6/1963, tòa án điều tra của Hải quân Mỹ về vụ mất tích của Thresher đã hoàn thành công việc sau gần hai tháng điều trần. Tòa án đã ghi lại 1.700 trang lời khai từ 120 nhân chứng và thu thập khoảng 225 biểu đồ, bản vẽ, thư từ, ảnh và các hiện vật khác liên quan đến thảm họa. Hai đoạn đầu tiên trong tuyên bố công khai sau đó của tòa án đã trình bày ý kiến chính thức của Hải quân về nguyên nhân khiến Thresher bị đắm. Theo đó, một vụ tai nạn do ngập nước trong phòng máy được cho là nguyên nhân "có khả năng xảy ra nhất" khiến tàu ngầm hạt nhân USS Thresher bị chìm vào ngày 10/4/1963, cách Cape Cod 352 km về phía đông với 129 người trên tàu.

Hải quân Mỹ tin rằng rất có thể hệ thống đường ống đã bị hỏng ở một trong những hệ thống nước mặn của Thresher, có thể là ở phòng máy. Áp suất nước biển cực lớn bao quanh tàu ngầm đã khiến bên trong tàu bị nước phun mạnh và ngập dần. Rất có thể nước đã ảnh hưởng đến các mạch điện quan trọng và gây mất điện. Thresher đi chậm lại và bắt đầu chìm. Chỉ trong chốc lát, nó đã bị ngập hoàn toàn. Con tàu nằm trên đáy đại dương, ở độ sâu 8.400 feet (2.560 mét) dưới mặt nước.

Nhưng ở giữa đoạn phát biểu có một câu bổ sung: "Biên bản nêu rõ rằng với thông tin hiện có, không thể đưa ra được quyết định chính xác hơn về những gì thực sự đã xảy ra".

Tuy nhiên, một phân tích về các tin nhắn cuối cùng từ Thresher, cùng với phân tích sau đó về các bản ghi âm thanh từ Hệ thống Giám sát âm thanh dưới đáy biển (SOSUS) của Hải quân Mỹ chỉ ra rằng sự cố đường ống không phải là nguyên nhân khiến tàu bị đắm. Thay vào đó, có vẻ như vào lúc 09:12 ngày 10/4, Thresher ở độ sâu 1.100 đến 1.200 feet (335m - 365 mét), gần đến độ sâu thử nghiệm của nó trong một lần lặn thử nghiệm bình thường, an toàn.

Sau đó là thông báo "gặp sự cố nhỏ". “Sự cố nhỏ” thường là gì trong một tàu ngầm hạt nhân phức tạp? Ở độ sâu 1.000 feet (trên 300 mét), khoảng 450.000 lít nước biển sẽ tràn qua một đường ống rộng 15cm chỉ trong một phút. Ngay cả khi tràn qua một đường ống rộng hơn 1cm cũng khó có thể được coi là "nhỏ", vì tiếng ồn và luồng nước mạnh sẽ gây ra sự nhầm lẫn bên trong tàu ngầm.

Thuyền trưởng Axene, sĩ quan chỉ huy đầu tiên của Thresher, tin rằng ngay cả một sự cố với đường ống rộng 1,2cm ở độ sâu đó cũng không được coi là vấn đề "nhỏ". Việc thủng một đường ống có đường kính từ 3- 12,7cm cũng sẽ khiến nước tràn vào tàu ngầm với vận tốc khoảng 1.800 dặm/giờ ở độ sâu 1.300 feet (396m). Nếu có lũ lụt lớn tràn vào tàu ở độ sâu thử nghiệm, nó sẽ tạo ra mức độ tiếng ồn cực lớn, ngăn cản liên lạc hiệu quả của hệ thống UQC với tàu cứu hộ Skylark. Hơn nữa, tiếng ồn do nước tràn vào như vậy sẽ phải được SOSUS phát hiện, nhưng trên thực tế nó đã không được phát hiện.

“Gặp sự cố nhỏ” cho thấy không có sự kiện thảm khốc đột ngột nào xảy ra với Thresher.

Thông báo về “gặp sự cố nhỏ” cho thấy không có sự kiện thảm khốc đột ngột nào xảy ra với Thresher. Trong 4 phút - khi tàu “cố gắng nổi lên” bằng cách xả hết các thùng chứa nước dằn - không có thông tin liên lạc nào. Sau đó, lúc 09h17, tàu ngầm đã truyền đi một thông điệp không rõ ràng, kết thúc với cụm từ “độ sâu thử nghiệm”. Người ta cho rằng, trước cụm từ đó là từ “vượt quá”.

Hải quân Mỹ chế tạo tàu ngầm để chịu được áp suất gấp rưỡi độ sâu thử nghiệm được thiết kế. Đó là hệ số an toàn. “Độ sâu sụp đổ” dựa trên cả phép tính toán học và thử nghiệm mô hình. Do đó, có vẻ hợp lý khi cho rằng độ sâu sụp đổ của Thresher là khoảng 1.950 feet (594 mét).

Chuỗi tổn thương mà Thresher phải hứng chịu dường như đã khiến “độ sâu định mệnh” tăng thêm khoảng 600 feet (182m) - từ độ sâu thử nghiệm đến độ sâu sụp đổ - chỉ trong 5 phút đau đớn. Khi gần đến độ sâu sụp đổ, các phụ kiện và đường ống trong tàu bắt đầu vỡ ra, cho phép các luồng nước mạnh đẩy thủy thủ sang một bên khi họ cố gắng bịt chúng lại và làm chập mạch hệ thống điện, khiến cho hành động khắc phục trở nên bất khả thi. Trọng lượng nước bổ sung được đưa vào như vậy sẽ khiến Thresher chìm sâu hơn nữa với tốc độ ngày càng tăng. Thân tàu ngầm oằn oại dưới áp lực ngày càng tăng, nghiền nát phần bên trong chứa đầy không khí của nó.

Xem tiếp Kỳ cuối: Sự cố nhỏ, thảm kịch lớn

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Naval History)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/tham-kich-no-tau-ngam-hat-nhan-khung-khiep-nhat-cua-hai-quan-my-ky-3-20241224164447780.htm
Zalo