Vì sao chim có thể gây ra thảm họa hàng không?

Khoảng 61% vụ va chạm với chim diễn ra khi hạ cánh và 36% xảy ra lúc máy bay cất cánh. Không nhận ra có máy bay, chim không kịp phản ứng, nên va chạm với các bộ phận quan trọng.

 Nguyên nhân tai nạn máy bay Jeju Air ban đầu được cho là thiết bị hạ cánh gặp sự cố, có thể do va phải chim. Ảnh: Reuters.

Nguyên nhân tai nạn máy bay Jeju Air ban đầu được cho là thiết bị hạ cánh gặp sự cố, có thể do va phải chim. Ảnh: Reuters.

Ngày 29/12, một chiếc máy bay Boeing 737-8AS của hãng Jeju Air gặp tai nạn nghiêm trọng tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc, khiến ít nhất 120 trong số 181 hành khách trên chuyến bay thiệt mạng. Máy bay bốc cháy sau khi trượt khỏi đường băng trong lúc hạ cánh khẩn cấp do lỗi bánh đáp phía trước, theo Yonhap.

Điều tra ban đầu cho thấy nguyên nhân chính có thể là do chim đâm vào máy bay (bird strike) kết hợp với thời tiết xấu, gây hư hại cho thiết bị hạ cánh.

Vì sao chim và máy bay dễ “đụng độ” nhau?

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), bird strike được định nghĩa là va chạm giữa máy bay và chim trong quá trình bay. Trong một số trường hợp, khái niệm này được mở rộng để bao gồm va chạm với các loài động vật hoang dã khác.

Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp. Chỉ riêng tại Mỹ, hơn 14.000 vụ máy bay va chạm chim được ghi nhận mỗi năm. Trong năm 2022, Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh cũng báo cáo gần 1.500 vụ chim đâm vào máy bay, theo Al Jazeera.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức vào năm 2020 cho thấy tỷ lệ chim đâm vào máy bay khác nhau theo từng quốc gia. Australia đứng đầu danh sách (gần 8 vụ trên 10.000 chuyến bay), còn Mỹ có tỷ lệ thấp nhất (2,83 vụ trên 10.000 chuyến).

 Chim bị thu hút bởi môi trường xung quanh sân bay như cánh đồng mở, vùng đất ngập nước hay hồ nước. Đây là những nơi lý tưởng cho việc kiếm ăn và làm tổ. Ảnh: Shutterstock.

Chim bị thu hút bởi môi trường xung quanh sân bay như cánh đồng mở, vùng đất ngập nước hay hồ nước. Đây là những nơi lý tưởng cho việc kiếm ăn và làm tổ. Ảnh: Shutterstock.

Trên thực tế, có nhiều lý do khiến chim thường xuất hiện ở khu vực gần sân bay, biến chúng thành “kẻ thù” của ngành hàng không.

Những loài chim thường gặp va chạm với máy bay bao gồm chim nước, hải âu và các loài chim săn mồi. Chúng bị hấp dẫn bởi các môi trường tự nhiên xung quanh sân bay, chẳng hạn như đồng cỏ rộng lớn, vùng đất ngập nước, hồ nước hoặc các khu vực có thức ăn và nơi trú ẩn, làm tổ lý tưởng.

Ngay cả các sân bay nội địa cũng không tránh khỏi nguy cơ này. Những vũng nước nhỏ đọng trên bề mặt đường băng cũng đủ để thu hút chim đến.

Ngoài ra, nhiều loài có đặc tính di cư theo mùa, nên đường bay của chim và lộ trình của máy bay dễ giao nhau. Đặc biệt trong mùa xuân và mùa thu. Chim thường bay thành đàn. Điều này càng làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ va chạm nhiều chim cùng lúc, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn.

Tại sao cất cánh và hạ cánh dễ xảy ra va chạm?

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), khoảng 90% các vụ va chạm xảy ra trong phạm vi gần sân bay, tức là nơi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh ở độ cao thấp, trùng với khu vực hoạt động của chim.

Theo dữ liệu Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), khoảng 61% vụ va chạm diễn ra trong quá trình hạ cánh (bao gồm cả quá trình giảm độ cao, tiếp cận đường băng và chạy trên đường băng). 36% khác xảy ra khi máy bay cất cánh hoặc leo cao, chỉ 3% còn lại xảy ra trong giai đoạn bay hành trình.

Trong giai đoạn cất cánh, động cơ máy bay hoạt động ở mức công suất tối đa, tạo ra tiếng ồn lớn, dễ khiến chim hoảng sợ và lao vào dòng khí hút của động cơ. Hơn nữa, tốc độ cao khi cất cánh làm tăng mức độ nghiêm trọng của va chạm.

Ngược lại, trong giai đoạn hạ cánh, máy bay thường giảm tốc độ và động cơ hoạt động ở mức thấp hơn. Điều này giảm tiếng ồn, chim khó nhận ra sự hiện diện của máy bay. Đặc biệt là khi chúng bị cản trở bởi tiếng gió tự nhiên xung quanh. Chim thường không kịp phản ứng, nên va chạm với các bộ phận quan trọng của máy bay như mũi, cánh hoặc bánh đáp.

Những vụ tai nạn hàng không thảm khốc do va chạm với chim

Với những chiếc máy bay lớn sử dụng động cơ phản lực cánh quạt, một vụ va chạm với chim có thể làm hỏng cánh quạt, khiến động cơ ngừng hoạt động và buộc phi công phải hạ cánh khẩn cấp.

Theo phân tích của công ty bảo hiểm Allianz Global Corporate and Specialty, từ năm 2013-2018, các vụ va chạm với chim đã gây thiệt hại lên tới 340 triệu USD. Các hãng bảo hiểm đã xử lý hơn 900 yêu cầu bồi thường liên quan đến sự cố này. Chi phí trung bình là 368.000 USD mỗi vụ, thậm chí có trường hợp lên tới 16 triệu USD.

 Một vụ va chạm chim để lại vết lõm lớn trên máy bay Egypt Air. Ảnh: Amir Harshim.

Một vụ va chạm chim để lại vết lõm lớn trên máy bay Egypt Air. Ảnh: Amir Harshim.

Một trong những vụ va chạm với chim thảm khốc nhất là vào tháng 10/1960. Một chiếc máy bay của Eastern Airlines gặp tai nạn chỉ 20 giây sau khi cất cánh từ sân bay Boston Logan, bị một đàn sáo đá châu Âu lao vào động cơ. Máy bay mất kiểm soát và rơi xuống cảng Boston, khiến 62 người thiệt mạng.

Năm 2009, chuyến bay 1549 của US Airways buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson sau khi cả 2 động cơ bị hỏng do va chạm với một đàn ngỗng Canada. Dù không có ai thiệt mạng, vụ việc khiến 100 người bị thương và trở thành chủ đề cho bộ phim nổi tiếng “Miracle on the Hudson”.

Hiện nay, các sân bay và hãng hàng không trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu nguy cơ chim đâm vào máy bay. Một trong số đó là sử dụng hệ thống radar để phát hiện đàn chim, giúp cảnh báo phi công điều chỉnh lộ trình bay.

Ngoài ra, các sân bay cũng triển khai nhiều biện pháp xua đuổi chim như âm thanh, ánh sáng, hoặc thậm chí mô phỏng tiếng súng để đẩy chúng ra xa khu vực đường băng, theo DeTect.

Một số sân bay còn cải tạo môi trường như sử dụng các loại cỏ hoặc cây không thu hút chim. Trong trường hợp cần thiết, các khu vực bảo tồn tự nhiên hoặc hành lang di cư an toàn cũng được xây dựng để giữ chim tránh xa đường bay.

Trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay, các nhà sản xuất động cơ lớn như Boeing và Airbus thường thử nghiệm mức độ an toàn bằng cách bắn gà đông lạnh vào động cơ đang hoạt động ở công suất cao. Điều này giúp đảm bảo rằng các động cơ có thể chịu được va chạm mà không mất kiểm soát, theo Aerospace Testing International.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-chim-co-the-lam-hong-may-bay-post1521201.html
Zalo