Tất cả những điều cần biết về vaccine cúm mùa trước khi tiêm

Tiêm vaccine cúm mùa là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm mùa và tránh các biến chứng nặng.

Thời gian gần đây có nhiều người mắc bệnh cúm mùa, do đó rất nhiều người lo lắng, tìm đến vaccine cúm mùa để tiêm phòng. Đây có phải là biện pháp hiệu quả và an toàn để phòng bệnh hay không, thưa bác sĩ? (Nhân, Hà Nội).

Trả lời

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi...

Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là A/H3N2, A/H1N1 và virus cúm B.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

 Tiêm vaccine phòng cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh và tránh các biến chứng nặng. (Ảnh minh họa)

Tiêm vaccine phòng cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh và tránh các biến chứng nặng. (Ảnh minh họa)

Tiêm vaccine phòng cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh và tránh các biến chứng nặng. Dưới đây là một số thông tin mà người dân nên biết về vaccine cúm mùa.

Ở Việt Nam hiện nay phổ biến 4 loại vaccine cúm mùa, gồm: Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và Vaxigrip Tetra (Pháp). Trong đó, vaccine Influvac Tetra, Vaxigrip Tetra và GC Flu Quadrivalent phòng được 4 chủng cúm gồm 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B.

Khoảng 4 tuần sau khi tiêm vaccine cúm, cơ thể có thể hình thành kháng thể cao nhất bảo vệ cơ thể khỏi các chủng virus cúm có trong vaccine.

Sau khi tiêm rồi vẫn có thể mắc bệnh do một số nguyên nhân như: thời gian tác động của vaccine chưa đủ; mắc phải chủng cúm không được ngăn ngừa trong vaccine; cơ thể không đáp ứng hệ miễn dịch cho vaccine cúm; không tiêm nhắc lại hàng năm...

Tuy nhiên, phần lớn những người mắc cúm sau khi đã tiêm phòng đủ liều sẽ có triệu chứng nhẹ hơn và giảm tỉ lệ các biến chứng của bệnh so với những người chưa tiêm chủng.

Tất cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đều nên tiêm phòng cúm. Đặc biệt, nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng được khuyến khích tiêm phòng càng sớm càng tốt, gồm: người trên 65 tuổi; phụ nữ có thai hoặc dự định mang thai; trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi; người có bệnh mạn tính; người suy giảm miễn dịch; người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.

Người mắc bệnh cúm, mới khỏi bệnh cũng nên tiêm vaccine.

Đối với phụ nữ đang mang thai, việc tiêm vaccine cúm mùa mang lại lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả mẹ và thai nhi, bởi các kháng thể được tạo ra trong cơ thể mẹ sẽ được truyền sang cho bé. Những kháng thể này sẽ bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm cho đến khi trẻ có thể tiêm chủng ngừa lần đầu tiên khi được 6 tháng tuổi.

Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa được tiêm ngừa trước đó nên tiêm đủ 2 mũi vaccine cúm mùa, cách nhau tối thiểu 4 tuần. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi hàng năm, tương tự như đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn.

Virus cúm có nhiều chủng và các chủng virus cúm cũng luôn biến đổi. Do vậy, các kháng thể được tạo ra do đáp ứng với vaccine cúm có thể hiệu quả trong năm nay và hết tác dụng đối với virus cúm vào năm sau.

Cùng với đó, các thành phần vaccine cúm được nghiên cứu, cập nhật và thay đổi hàng năm để phù hợp hơn với các chủng virus cúm đang lưu hành năm đó. Vì vậy, tiêm vaccine cúm mùa nên được nhắc lại định kỳ hàng năm.

Điều dưỡng HÀ THỊ THANH HOA

Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Nhi Trung ương

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tat-ca-nhung-dieu-can-biet-ve-vaccine-cum-mua-truoc-khi-tiem-post833389.html
Zalo