Mùa hoa cau nở

Mùi hoa cau thoang thoảng, tỏa hương thơm mát đánh thức Liên dậy sớm hơn mọi ngày.

Thế là đã năm mùa hoa cau, Liên về làm dâu con nhà bà Mến. Liên ngước nhìn hàng cau có chín thân cây thẳng tắp đang nở hoa trắng xóa trước sân nhà. Cô hít thật sâu, để cái hương thơm thanh khiết ấy thấm đẫm vào lồng ngực. Nhưng phút giây thư giãn ngắn ngủi ấy đã bị phá tan bởi cái giọng nặng như chì của bà Mến:

- Hoa rụng đầy sân thì lấy cái chổi mà quét đi, đứng đó thẫn thờ ngắm nghía nỗi gì... Gớm, hoa thì rõ thơm, rõ đẹp mà sao toàn cho quả điếc. Đúng là vô tích sự!

Câu nói mỉa mai của bà Mến đã quá quen thuộc với Liên. Mà chẳng cần mỉa mai, bóng gió, nói xa nói gần, nhiều lần, bà Mến nói toạc với Liên rằng, vợ chồng bà có một mình Hảo là con. Bà muốn sớm có cháu trai bế bồng, nối dõi tông đường. Nếu không làm được cái thiên chức bình thường ấy thì giải phóng cho con bà lấy vợ khác.

Thời điểm đó, Liên và Hảo cũng đã kết hôn được hai năm, nhưng chưa có con. Hảo thì mải mê công việc kinh doanh, cứ mỗi lần Liên đề nghị cả hai vợ chồng đến bệnh viện kiểm tra thì Hảo lại thoái thác: “Con cái là duyên số, trời cho thì sớm muộn gì ắt sẽ có. Em đừng lo lắng quá!”. Chỉ đến khi, bà Mến nghiêm mặt quát:

- Anh đi khám cùng cô ấy, kẻo không, vợ anh lại đổ lỗi không sinh được con là do anh!

Cả hai vợ chồng dắt nhau đến bệnh viện phụ sản. Bác sĩ kết luận: Hảo hoàn toàn bình thường. Còn Liên mắc bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Ngoài ra, cơ thể cô lại dị ứng với tinh dịch của người chồng, nên cần lưu tinh trùng của Hảo tại bệnh viện để loại bỏ protein nhằm bảo quản, sử dụng tinh dịch người chồng trong các lần thụ tinh nhân tạo tiếp theo. Bác sĩ động viên Liên, với y học hiện nay, cô vẫn có cơ hội sinh con, nhưng cần kiên trì và sự đồng cảm, chia sẻ từ người chồng...

Đọc hồ sơ bệnh án, Hảo rất thương Liên. Hảo ước, nguyên nhân chậm sinh con là do mình. Hảo biết, bà Mến rất mong có cháu. Sẵn ác cảm với Liên, nếu bà biết nguyên nhân vô sinh từ Liên, thì chắc chắn, cuộc sống của cô sẽ ngột ngạt, đầy áp lực.

- Hãy để anh nói với mẹ, lỗi chậm sinh con là do anh. Sau đó, chúng mình sẽ dần dần tính.

Liên gật đầu đồng tình.

Bác sĩ nói là phải kiên trì, nhưng bây giờ, Liên không biết, kiên trì là phải kéo dài bao nhiêu lâu nữa. Suốt hai năm qua, cả hai vợ chồng đã cố gắng tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, cũng đã thụ tinh nhân tạo nhiều lần, nhưng không giữ được thai nhi. Bản thân Liên cũng còn cảm thấy chán nản, thất vọng nữa là bà Mến. Bà cứ đinh ninh rằng lỗi là do con bà, nên cũng chỉ biết than ngắn, thở dài.

- Hay là chúng con nhận con nuôi? Hảo nhìn mẹ ái ngại đưa ra đề xuất đó.

- Điên à! Nhà cửa, xe cộ, tài sản trong cái gia đình này do một tay con khó nhọc gây dựng, không thể để loại người “khác máu tanh lòng” thừa hưởng được. Bà Mến lại xỏ xiên cả Liên trong đó.

Đúng là, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Liên bây giờ chỉ biết tự trách mình không cẩn thận. Hôm ấy, Liên đi khám về. Bình thường, hồ sơ bệnh án sẽ được Liên đem ngay vào phòng riêng cất giấu; nhưng hôm đó thế nào, cô lại sơ hở để trên bàn ăn, rồi vội vã đi công việc. Lúc trở về, bà Mến giáng cái tát nảy lửa vào mặt Liên, rồi mắng như tát nước:

- Bố mẹ cô dạy cô lừa già, dối trẻ thế à! Đồ mất dạy! “Cây độc không gai, gái độc không con”. Cô là loại đàn bà độc địa. Tôi biết ngay, thằng Hảo nhà tôi nó mạnh khỏe, rắn rỏi như thế, làm sao mà vô sinh được. Thật vô phúc, mục mả mới rước cô về làm dâu con nhà này...

- Mẹ chửi con, đánh con cũng được. Nhưng đừng lôi bố mẹ con vào. Lời nói đọi máu. Suy cho cùng, mẹ gieo nhân nào thì ắt chịu quả ấy!

Lần đầu tiên, Liên dám cãi hỗn lại bà Mến. Cô vốn đang trầm cảm, lại như quả bóng bị bơm căng đầy hơi, uất ức kìm nén lâu ngày, chỉ cần chạm nhẹ là nổ tung.

- Cút ra khỏi nhà tôi! Nhà này không chứa loại dâu con mất dạy như thế...

Vừa nói, bà Mến vừa lu loa khóc rống lên. Bà rút điện thoại bấm số của Hảo và quát:

- Mày về ngay! Vợ mày nó đang chửi rủa mẹ mày ở nhà đây này...!

* * *

“Hãy để cho con gái bố được yên. Nó chịu đựng như vậy là mệt mỏi lắm rồi...”. Lời nói của ông Thinh, bố vợ Hảo không cay nghiệt như cách nói của bà Mến, nhưng nó như chiếc dao sắc nhọn cắt đứt những níu kéo cuối cùng của Hảo. Chấp nhận lời đề nghị ly hôn của Liên có lẽ là giải pháp tốt nhất cho cả hai lúc này. Ông Thinh nói đúng, kéo dài đời sống hôn nhân chỉ khiến Liên thêm khổ tâm, uất ức trước những lời nói mạt sát, xúc phạm và bầu không khí lúc nào cũng căng như sợi dây đàn do bà Mến gây ra.

Hảo vẫn yêu Liên. Hảo xác định không có con cũng được, miễn là được sống với Liên trọn đời. Nhưng bà Mến thì không chấp nhận như vậy. Bà tuyên bố trước cả hai vợ chồng: Một là Hảo chọn bà, hai là ly hôn vợ. Bỏ vợ có thể lấy một, thậm chí là hai ba vợ khác; nhưng người sinh thành dưỡng dục, nuôi nấng Hảo khôn lớn chỉ duy nhất có người mẹ trên đời. Trước tình huống khó xử đó, Liên đã đưa ra quyết định thay Hảo. Ly hôn!

Rời phòng xử án, Hảo chọn chiếc ghế đá ở góc sân tòa. Những đôi vợ chồng đến đây làm thủ tục ly dị đều nhanh chóng mỗi người mỗi ngả ra về. Ai cũng vô tình. Khi đến với nhau thì thề non, hẹn biển, chẳng trở ngại nào có thể ngăn cách đôi ta. Còn khi chia tay thì vội vã, chẳng cần nhìn mặt, chẳng cần nói với nhau một lời tử tế...

Hảo không như họ. Hảo muốn một kết cục văn minh. Nếu không là vợ chồng, thì vẫn đi lại thăm nhau như bạn bè! Nhưng trước mắt, cần cho nhau một khoảng lặng để tĩnh lòng. Sự đổ vỡ hôm nay Hảo tự nhận lỗi về mình, anh đã không bao bọc chở che được cho Liên, đã không làm Liên được hạnh phúc. Anh cũng không cân bằng nổi giữa chữ hiếu và chữ tình, để quan hệ mẹ chồng, nàng dâu ngày một xấu hơn.

Chìm trong những suy tư ấy, Hảo nhớ về những tháng ngày hạnh phúc, từ thuở hai đứa còn là sinh viên, với tình yêu trong sáng, chân thành.

...Liên là một cô gái sinh ra trong gia đình có điều kiện. Bố cô là chủ một doanh nghiệp có tiếng. Khác hẳn với các tiểu thư con nhà giàu ăn chơi sành điệu, Liên ăn mặc giản dị, cách nói chuyện gần gũi. Đặc biệt, cô ghét những kẻ hợm của, nên chỉ chơi với nhóm bạn nghèo trong lớp. Có lẽ vì vậy, nên cô đã để ý đến Hảo, một chàng trai đi học bằng chiếc xe đạp mini Trung Quốc lọc cọc, ăn mặc thì độc hai bộ đồng phục của nhà trường, một bộ thể thao, một bộ lên giảng đường.

Ngày ấy, Hảo tự ti lắm. Tự ti vì nghèo. Liên càng xích lại, thì Hảo càng giữ khoảng cách; nhất là sau hôm, Hảo quan sát thấy Liên bước xuống từ chiếc xế hộp sáng loáng do tài xế riêng của bố đưa đến trường. Thấy Hảo có ý lảng tránh, Liên càng quyết tâm bắt thân với chàng trai nhút nhát này. Thế rồi, tình bạn bắc cầu họ đến với tình yêu.

Ra trường, với tấm bằng đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Hảo nộp đơn xin việc hết cơ quan này đến doanh nghiệp khác, nhưng bất thành.

“Chúng tôi không cần người quản trị, chúng tôi cần nhân viên biết kinh doanh”, người ta trả lời Hảo như thế!

Trong lúc rơi vào thất vọng, Liên đã nói với bố xin cho Hảo vào làm việc trong công ty của ông Thinh. Đôi bạn trẻ vì thế mà tình cảm ngày một gắn kết sâu đậm hơn.

Ngày Hảo dẫn Liên về ra mắt bố mẹ. Bà Mến mừng ra mặt khi biết Liên là con gái của sếp, nơi Hảo làm việc. Viễn cảnh vụ lợi khiến bà cứ xun xoe, khen Liên hết mực. Thấy Liên ngước nhìn hàng cau thẳng tắp đang kết trái non một cách lạ lẫm, bà nửa đùa nửa thật:

- Cau nhà bác năm nào cũng sai trái, quả nào quả ấy đều to tròn, căng bóng... Hai đứa mà lấy nhau thì không phải mất tiền mua cau. Hay là...

Hảo hồn nhiên đáp lại:

- Mẹ ơi, các cụ bảo “được mùa cau, đau mùa lúa”.

- Phỉ phui cái mồm anh. Nhà mình có trồng lúa đâu mà lo. Ai mất mùa mặc họ, mẹ sớm có con dâu là được...

Sau đám cưới, Hảo được bố vợ dắt lối, chỉ đường thành lập công ty riêng. Ông Thinh còn cho vợ chồng Hảo một số vốn kha khá để đầu tư kinh doanh. Khi Hảo thành đạt, bà Mến quay quắt phủi công gia đình thông gia, lúc nào cũng tôn con mình tài giỏi. Hảo nghe mà thấy ngượng với Liên.

* * *

Phiên tòa vừa rồi, khi thẩm phán hỏi Liên có muốn nhận quyền lợi về tài sản chung của vợ chồng hay không, Liên xin được nhường hết cho Hảo. Lúc này cô chỉ cần được an yên, với cô, có những thứ trong cuộc đời này giá trị hơn tài sản rất nhiều, đó là sinh cho Hảo một đứa con.

Ngẫm lại, cô thấy mình đã không làm tròn bổn phận với Hảo, với bà Mến. Đúng là có duyên nhưng không có phúc phận. Liên biết Hảo vẫn thật lòng yêu cô. Nhưng phải làm cho Hảo quên cô đi càng nhanh càng tốt thì anh mới có thể đến với người khác được. Tình yêu cũng cần phải hy sinh vì nhau như thế!

Thế rồi, Hảo cũng lấy vợ mới theo sự sắp xếp của bà Mến. Vợ anh là cô gái trẻ, làm ô-sin cho gia đình ông cậu của Hảo. Cuộc hôn phối không xuất phát từ tình yêu, mà mục đích chính là duy trì nòi giống. Điều này vợ mới của Hảo làm rất tốt. Hai năm ba đứa nhưng vẫn không khiến bà Mến hài lòng vì toàn vịt giời.

Đã có lần, bà Mến nói với Hảo:

- Đàn ông phong lưu, vợ lớn, vợ bé cũng không sao. Con có tiền, có quyền. Hay là kiếm cho mẹ một đứa cháu trai ngoài luồng... Vợ con có biết, nó cũng không dám ho he gì đâu.

- Mẹ là phụ nữ mà dạy con những điều trái đạo đức như thế! Con không thể mãi chiều theo ý của mẹ.

Từ khi Liên rời khỏi ngôi nhà này, cứ mỗi khi bà Mến và Hảo nói chuyện là xảy ra xung khắc. Cả tuần, có khi anh chỉ ở nhà một hai ngày, còn lại là ngủ ở cơ quan. Hảo có gia đình, còn bố mẹ, có vợ con, nhưng chẳng muốn nói chuyện, chia sẻ với ai. Anh cô đơn ngay trong ngôi nhà của chính mình.

* * *

Hoa cau dịu mát thoang thoảng trong ngôi biệt thự của gia đình ông Thinh. Tháng Ba, mùa hoa cau nở, bà Thinh thấy người ta bán đầy đường nên mua về dâng lên ban thờ gia tiên. Hoa cau lành, lâu tàn, thơm nhẹ mà không gắt, lại không có phấn hoa nên bà Thinh cắm thêm hai lọ, một lọ để ngoài phòng khách, một lọ trong phòng ngủ của Liên.

Sáng nay, gia đình bà sẽ đón một thành viên mới. Một chàng trai nặng bốn ki-lô-gam, bảy ngày tuổi, là con của Liên sắp từ bệnh viện trở về.

Gia đình ông bà Thinh đâu có neo người. Liên là út. Trên Liên còn có hai anh trai, một chị gái đều đã lập gia đình và sinh cho ông bà cháu nội, cháu ngoại, nếp tẻ đủ cả. Nhưng con trai của Liên vẫn là đứa cháu được chờ đợi nhất. Nó là cháu ngoại, nhưng lại mang họ ông Thinh.

- Ôi, mùi hoa cau thơm quá! Sao mẹ biết con thích hoa này mà cắm vào phòng con vậy?

Bà Thinh không trả lời. Đúng ra, là bà đang tập trung đón lấy đứa bé từ tay Liên để ôm ấp, để thơm nhẹ lên cái má phinh phính, đáng yêu của nó. Cả gia đình ông bà Thinh đều rất hạnh phúc vì được nhìn thấy Liên hạnh phúc.

Cùng là phụ nữ, bà hiểu mong ước được làm mẹ của con gái, nên khi Liên bày tỏ quyết tâm muốn làm mẹ đơn thân, cả ông và bà đều ủng hộ, động viên Liên kiên trì, quyết tâm thực hiện cho bằng được. Chỉ có một chút tiếc nuối, nếu nó chào đời sớm hơn, thì có đủ cả cha, lẫn mẹ. Còn bây giờ, sẽ chẳng ai biết cha nó là ai.

Cha nó là một trong vô số những người đàn ông khỏe mạnh tình nguyện hiến tinh trùng cho ngân hàng tinh trùng của bệnh viện phụ sản. Chỉ có riêng Liên là biết thực sự cha đẻ của con mình. Cô không muốn sự xuất hiện của con trai sẽ làm người ấy từ bỏ tất cả để quay lại với cô.

Điều đó là ích kỷ, vì sẽ làm mất đi niềm hạnh phúc được làm vợ của một người đàn bà khác và cướp đi người cha của những đứa trẻ vô tội. Họ đều không có lỗi và không đáng phải chịu thiệt thòi như vậy. Đó là lý do Liên thề sẽ giữ điều bí mật này, ít ra, là đến khi con trai đủ tuổi trưởng thành.

Truyện ngắn của Trần Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mua-hoa-cau-no-post718451.html
Zalo